Trước khi mở hiệu “Cắt tóc kiểu Úc”, anh “thợ cạo” Nguyễn Quốc Hưởng là một bảo vệ, không bằng cấp. Thế mà hiệu của anh bây giờ là điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng khó tính nhất, trong đó có không ít lãnh đạo cỡ phó tổng cục trưởng, thiếu tướng...
Chúng tôi trò chuyện với ông “thợ cạo” này tại hiệu “Cắt tóc kiểu Úc” của anh ở 176B, Quan Nhân, Hà Nội.
Trong vô số khách hàng, làm sao anh biết ai là phó tổng cục trưởng, thiếu tướng, hiệu trưởng?
Thời gian đầu không biết, nhưng những khách hàng này đến cửa hàng cắt tóc nhiều lần rồi nhớ mặt. Nhiều hôm thấy họ lên phát biểu trên vô tuyến, từ đó mới biết mình đã từng cắt tóc cho khách hàng là lãnh đạo. Nghĩ cũng vinh dự và vui lắm.
Những khách hàng đặc biệt như thế, anh có thấy khó xử không?
Một trong những đặc điểm của người làm nghề cắt tóc là phải biết gu và nhu cầu của từng khách hàng. Đối với những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, công chức, phải thực hiện các mẫu tóc nghiêm chỉnh, đứng đắn. Có lẽ, đó là những người tính nghiêm túc luôn được đặt lên hàng đầu và đó cũng là cái khó nhất khi mình lựa chọn kiểu tóc cho khách.
Trong các loại thợ, như thợ xây, thợ nề, thợ điện, thợ cắt tóc... anh thấy thợ nào nguy hiểm nhất?
Thợ xây, nếu không cẩn thận có thể bị tan nạn lao động. Thợ điện, công việc của họ cũng đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng giây phút. Người làm nghề lái xe, ngồi sau tay lái càng đòi hỏi sự tập trung cao độ. Thợ cắt tóc như tôi, thiên hạ nói vui là nghề “ghè cổ thiên hạ”, càng phải tập trung cao độ hơn. Nếu một phút chểnh mảng, thiếu tập trung, đường kéo có thể làm hỏng... cả cái đầu! (cười).
Mỗi ngày, anh “ghè” được bao nhiêu “cổ thiên hạ”?
Ngày cao điểm, chúng tôi cắt được bảy mươi kiểu đầu. Những ngày như thế, hai anh em phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ.
Hai anh em?
Vâng, em trai tôi cũng làm nghề như tôi vậy. Hai anh em mở quán và cắt tóc. Mười năm làm nghề, đến nay chúng tôi đã có những khách hàng trung thành, gắn bó cả chục năm nay rồi. Dù họ ở Gia Lâm, Giáp Bát, vẫn tìm về quán cắt tóc để bảo anh em tôi “hớt”.
Một ngẫu hứng.
Những lúc vắng khách, anh làm gì?
Hai anh em tìm tòi những mẫu tóc mới, sau đó “thí nghiệm” ngay trên đầu của tôi. Như tháng vừa rồi, đầu của tôi là nơi thể hiện tám kiểu tóc mới, rất lạ. Nó có thể chưa phù hợp mấy với điều kiện hiện nay, nhưng kiểu tóc đó, cũng là một cách để mình tự đột phá.
Kiểu đầu lạ, như tôi nói đó là dòng chữ “Discovery”, biểu tượng hãng thể thao Nike, hình con báo... Tất cả những họa tiết đó, đều được tạo ra từ các sợi tóc ngay trên đầu mình. Vào công viên, rất nhiều người xin chụp ảnh kiểu đầu của tôi, họ thấy lạ và thú vị bởi những sáng tạo cá nhân đó.
Anh thấy nghề mà mình theo đuổi, có điều gì là thú vị nhất?
Tôi được tiếp xúc với rất nhiều người. Học sinh, công chức, thậm chí cả xã hội đen. Trong nghệ thuật, tôi có thể nói chuyện về việc tạo hình trên từng mái tóc với khách hàng.
Tôi khá thoải mái khi giao tiếp với khách hàng là người lao động bình dân. Và cũng thấy rất thoải mái khi cắt tóc cho những người có địa vị trong xã hội. Có lẽ, mình có điều kiện nhận thấy nét đời thường từ chính những con người, dù họ làm gì, là ai. Đó cũng là cơ hội để mình trau dồi nghệ thuật giao tiếp. Tôi tự tin, mình có thể giao tiếp với bất kỳ ai.
Thậm chí, có những khách hàng mắng tôi té tát với kiểu đầu mình thực hiện họ không ưng ý, nhưng lần sau vẫn vào cắt tóc. Sự giải thích kịp thời và một tinh thần cầu thị, đó là điều kiện để lấy cảm tình với khách hàng.
Thêm một ngẫu hứng khác.
Những ngày chưa làm thợ cạo, cuộc sống của anh thế nào?
Bần cùng, khổ sở lắm. Tôi rời Tam Điệp (Ninh Bình) lên Hà Nội làm bảo vệ. Gần cơ quan tôi làm việc có quán cắt tóc, tự nhiên nghĩ mình cũng có năng khiếu làm việc này nên thỉnh thoảng đổi ca là sang hiệu cắt tóc học mót. Sau khi “cứng tay”, tôi bỏ hẳn nghề bảo vệ, mở quán hớt tóc và gắn bó với nó đến nay.
Đó là chuyện ngày xưa, bây giờ với con số “bảy mươi cái đầu” trên một ngày, chắc thu nhập của anh cũng khá ổn?
(Cười). Mấy hôm nay nóng quá, vừa ra siêu thị mua cho mẹ con nó cái điều hòa nhiệt độ. Làm nghề này không giàu có, nhưng nếu anh chăm chỉ thì vẫn đủ ăn, lo lắng được cho cuộc sống gia đình.
Xin cảm ơn anh!
Theo KH&ĐS.