Có một người nông dân chân chất ở một miền quê nghèo mở lò luyện... thi đại học.
Đã từ lâu người dân làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh đã không còn lạ với sự việc "khác thường" này. Người thầy lạ lùng ấy chính là anh Hoàng Văn Nam, một người nông dân thứ thiệt.
Sự tích về thầy giáo chân đất
Ngoằn ngoèo theo những con ngõ của vùng Kinh Bắc chúng tôi tìm được đến nhà anh Hoàng Văn Nam. Căn nhà cũ kĩ ở cuối con ngõ sâu hun hút sau những dãy tre già cỗi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ. Ngày ngày sáng cũng như chiều, nhiều đứa trẻ trong xã nô nức đến học nhà anh Nam.
Nhiều người dân trong làng cho hay: anh Nam này xưa nghèo khổ lắm nhưng vì con cái nên vợ chồng cố gắng một nắng hai sương cho con ăn học. Nhà bần cố nông nhưng vẫn giữ được chuẩn mực nho gia hiếu học. Nhưng có độ cậu con trai cả học dốt quá, kết quả học tập học không cao. Sợ bố mắng, cậu con trai không dám cho bố đi họp phụ huynh.
Biết chuyện anh Nam hỏi con thì mới hay rằng con mình hổng kiến thức, cậu không theo kịp được bạn bè trên lớp. Người con trai nhất định đòi bỏ học về làm ruộng với bố mẹ.
Anh Nam ngậm ngùi kể: “Lúc đó mình không biết làm sao đành dằn lòng bán thóc mua một con bò về cho con trai chăn”. Một thời gian thấy bạn bè đi học, cậu con trai buồn lắm, biết được nỗi khổ của con, anh Nam quyết xin cho con đi học lại.
Ngày thì bán lưng cho đất, đêm đêm về lại cùng con học bài. Anh Nam bảo: “Mình mà không cùng nó học thì nó sẽ không hứng thú học. Học không vào và cũng không hiệu quả”.
Cứ xem sách của con, rồi dựa vào kiến thức 10/10 của mình anh Nam giảng giải cho con hiểu những bài toán khó. Một ông bố đánh vật với những bài tập cùng hai con.
Từ đó Thành (con trai anh Nam) tiến bộ rõ rệt từ năm lớp 8 đã liên tục đạt những thành tích xuất sắc như Học sinh giỏi, đạt giải cao trong cuộc thi HS giỏi tỉnh và huyện. Ban đầu bà con trong xóm sang nhờ anh Nam dạy con cháu mình về sau là cả làng, rồi lan ra xã.
Tranh thủ đánh cờ trước khi vào học |
Tiếng lành đồn xa trẻ con các bậc tiểu học đến THPT tấp nập tề tựu nhà anh Nam. Gian nhà nhỏ tuy đơn sơ nhưng lúc nào cũng ăm ắp tình thương của người thầy giáo nơi đồng ruộng.
Con trai lên lớp 12, anh Nam lại lăn lộn lên huyện tìm sách tham khảo cũng như mua đề ôn thi về cùng con học. Con trai anh lại rủ thêm nhiều người bạn đến học cùng.
Ông bố đêm đêm mải mê với các phương trình, các cách giải để sớm mai cho con trai và những học sinh của mình những bài giảng hay sát với chương trình thi Đại học.
Làng Đại Lâm vốn nghèo nên năm đó chỉ có vài người có ý định thi Đại học và đến ôn với Thành con trai anh Nam. Năm đó Thành cùng 4 người bạn đã thi đỗ.
Đặc biệt, Thành đỗ vào Đại học Y Dược với 27 điểm. Một con số đáng ngưỡng mộ của nhiều sĩ tử.
Thấy được những kết quả của việc luyện thi Đại học nên năm nào người làng cũng mang con đến nhờ “thầy” Nam ôn. Anh Nam thường không lấy tiền và coi đó như là một việc làm ân nghĩa.
Và rồi mỗi năm làng Đại Lâm lại đón thêm nhiều sĩ tử “vượt vũ môn” cũng nhờ một tay anh Nam rèn giũa. 5 năm nay, “thầy” Nam đã giúp cho làng Đại Lâm có thêm gần 40 người đỗ đại học.
Những thành tích ấy đâu phải là nhỏ với ân tình mà anh gửi gắm qua những giờ phút giảng bài. Anh Nam chia sẻ: “Nhiều lúc thầy ngại lắm vì bà con cứ đưa con đến học rồi lại đưa tiền, cho gạo. Lâu rồi mình mới dám lấy một ít phụ phí phấn bảng chứ để bà con mang gạo đến thì ngại lắm”.
Trong nhà, chỗ nào cũng thấy bàn học, sách vở, phấn, ngay cả giường ngủ anh Nam cũng biến thành chỗ để cho con trẻ học. Anh coi chúng như những đứa con, đứa cháu của mình.
Học sinh đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi, nhiều lúc anh Nam cảm thấy khó khăn nhưng vì tinh thần hiếu học, yêu cái chữ nên anh đã bất chấp tất cả.
Thày và trò |
Ba đứa con ăn học, hai đứa học Đại học, một đứa học cấp 2 và nguồn thu chính của gia đình vẫn là từ đồng ruộng. Nhưng lớp học đặc biệt của anh vẫn mở và tiếng học bài của trẻ thì không bao giờ ngớt. Vợ anh thì đảm bảo việc đồng áng, nuôi chồng chăm con, chăm cả cho cái sự học của gia đình.
Khách đến chơi không bao giờ thấy chị ở nhà vì ngoài việc đồng áng chị còn phải đạp xe lên tận thị trấn mua sách theo yêu cầu của bà con lối xóm.
Bởi thị trấn cách nhà gần chục cây số, người làng thấy vợ chồng anh Nam chăm lên huyện mua sách cho con nên đã nhờ và từ đó nhà anh Nam không những là lớp học mà còn là cái thư viện sau mỗi giờ học cho tụi nhỏ.
Nhà không giàu có nhưng anh Nam luôn hạnh phúc vì những cố gắng của mình. Anh Nam trầm ngâm: “Việc làm của mình có lúc bị nhiều người dị nghị, ngờ hoặc lắm nhưng mình cứ làm theo cái tâm cái chân thật của mình thì mọi người sẽ hiểu".
Và cuộc đời của người thầy giáo nông dân đã trở thành một câu chuyện cổ tích đáng tự hào mà người làng Đại Lâm luôn nhắc đến đầy trân trọng.
Đơm hoa kết quả
Trải qua bao nhiêu vất vả, anh Nam nhận ra những công việc mình đã làm đã gây được trong lòng con cái hai chữ “nhân” và “thiện”. Thành và Duyên (con gái thứ hai của anh) đều đã tốt nghiệp Đại học.
Thành về với bệnh viện đa khoa huyện Yên Phong làm việc, phục vụ cho bà con nông dân. Còn Duyên vừa tốt nghiệp khoa Toán trường ĐHSP HN, em cũng có ý định ở lại quê hương theo nghề “gõ đầu trẻ”.
Từ lúc con cái lớn khôn, anh Nam lại nhận thêm nhiều trẻ về dạy. Đến học tại nhà anh Nam không chỉ có các trẻ trong xã mà còn có các trẻ ở xã quanh đó mà gần nhất là xã Đông Phong.
Cô Duyên chữa bài cho học trò |
Nhận được bằng khen là gia đình hiếu học của Tỉnh và bằng khen về thành tích khuyến học của Tỉnh, gia đình anh Nam càng ý thức được vai trò của mình hơn nữa. Anh miệt mài đào sâu suy nghĩ, ngày dạy đêm đọc sách để tìm ra được những phương pháp học mới giúp cho trẻ học nhanh và tốt hơn.
Anh Nam phân tích: “Mình cùng các con đã ngồi lại và bàn về cách thức truyền đạt khi giảng dạy. Mình muốn trẻ cảm thấy hứng thú học, say mê thực sự chứ không phải là bắt ép học hay học lấy lệ”. Vì thế, trước khi bước vào dạy một lớp mới, anh Nam và các con cùng kể cho học trò của mình nghe về những gương hiếu học từ cổ chí kim để khơi dạy tình yêu đèn sách của người học.
Cách dạy học luôn được anh Nam và các con đổi mới, khiến trẻ tập trung và cảm giác thoải mái khi làm bài tập. Hai con Thành, Duyên sau những giờ làm việc căng thẳng đã về nhà giúp bố một tay.
Những cử nhân trẻ, tay cầm phấn, ánh mắt sáng và cách dạy mới mẻ luôn làm nhiều đứa trẻ ngưỡng mộ, luôn ý thức học theo. Anh Đinh Hữu Lâm, một phụ huynh cho biết: “Cháu nhà tôi năm ngoái đã đỗ trường chuyên của tỉnh.
Tất cả đều nhờ công bác Nam đấy cô ạ. Bác ấy dạy đứa nào cũng khá lên, năm nào cũng có đưa vào Đại học, rồi vào trường chuyên lớp chọn”. Ánh mắt anh Lâm ánh lên niềm biết ơn vô hạn.
Kho sách của Thày Nam |
Từ khi có con về dạy học cùng, anh Nam đỡ bận rộn hơn. Vì sức khỏe yếu đi nên anh Nam chỉ dạy cấp 2 và cố vấn cho việc ôn thi Đại học còn các con anh thì dạy các lớp cấp 3. Càng ngày, lượng học sinh đến học nhà anh Nam càng đông. Nhiều hôm phải chia ca, chia phòng làm đôi để học. Vậy mà học sinh vẫn gắng vì những kiến thức mà thầy Nam giảng dạy rất hấp dẫn tụi nhỏ.
Nối nghiệp cha, những người con tiếp theo luôn sẵn sàng với tay phấn, những bài toán được đưa ra và cả thầy lẫn trò cùng cố gắng. Đối với “thầy” Nam, dạy là phải để cái thú đam mê của trò được khơi dậy. Và các con của “thầy” Nam cũng luôn tâm niệm với những điêu quý giá được đúc rút ra từ người cha của mình.
Cô giáo trẻ Hoàng Duyên tâm sự: “Dù bố tôi không có bằng cấp nhiều nhưng ở ông có một niềm đam mê sự học vô hạn. Bố tôi đã khơi dậy niềm đam mê của anh em tôi và cả học trò của ông. Cách học này rất hiệu quả vì sự đam mê có thể làm nên những điều kì diệu”.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo chỉ ruộng lúa bờ khoai, nương dâu xanh biếc, bằng những tình cảm yêu quê hương máu thịt, người “thầy chân đất” Hoàng Văn Nam đang cố gắng đẩy trí tuệ của con em mình bay xa.
Và thế hệ những người con thành đạt của anh cũng luôn tràn đầy niềm đam mê nhiệt huyết. Họ đang cùng người cha, người “thầy” của mình góp sức làm nên vẻ đẹp trí tuệ của một vùng quê Kinh Bắc.
Theo VTC.