Theo các chuyên gia tâm lý, việc phụ huynh ngăn cấm con em tiếp cận với môi trường mạng chỉ làm tăng kích thích trí tò mò của con trẻ, khiến các em muốn tìm hiểu chúng sớm hơn.
Phụ huynh nhìn thấy hại nhiều hơn lợi
Trong những năm gần đây, khi các trang websex, các trào lưu chat sex, khoe “ảnh nóng”, “show hàng” đang “nở rộ” và có ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ, rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng và tìm mọi cách để bảo vệ con cái mình. Họ hạn chế các em tiếp xúc hoặc thậm chí là “nói không với Internet”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, đây là phản ứng mang tính tiêu cực. Hành động này sẽ chỉ góp phần kích thích trí tò mò của các em và khiến các em muốn tìm hiểu chúng sớm hơn mà thôi.
Hơn nữa, do quá lo ngại trước những tác động tiêu cực mà “thế giới ảo” có thể mang lại, các bậc phụ huynh dường như đã quên mất những tính năng ưu việt của Internet cũng như những lợi ích mà Internet mang lại cho sự phát triển của con cái họ. Rất nhiều em học sinh cho biết ngoài việc chat, giao lưu bạn bè, nghe nhạc, lướt web để giải trí sau những giờ học căng thẳng, các em còn khai thác Internet như một kho kiến thức khổng lồ, một công cụ học tập hữu ích.
Em Hoàng Hạnh, học sinh lớp 12 trường PTTH Quang Trung (Hà Nội) cho biết: “Qua mạng, chúng em có thể học được rất nhiều thứ. Bây giời thời đại công nghệ phát triển nên không chỉ chúng em mà ngay cả các thầy cô giáo trong trường cũng đều lên mạng để tìm kiếm tư liệu phục vụ cho quá trình học tập.
Đặc biệt, với một học sinh sắp bước vào kỳ thi đại học như em thì việc lên mạng đọc các thông tin tuyển sinh và làm các bài thi thử trên mạng là không thể thiếu”.
Không chỉ phục vụ cho học tập, thế giới mạng còn là nơi các em thể hiện bản thân mình, thể hiện những tâm tư, tình cảm cũng như những nghĩ suy về cuộc sống. Đó là không gian riêng để các em có thể trao đổi, giao lưu một cách thoải mái, thân tình với bè bạn, thầy cô.
“Từ khi blog ra đời, chúng em có điều kiện hiểu nhau nhiều hơn. Lớp em cũng có hẳn một blog riêng để có thể lưu lại những kỷ niệm về nhau, những tình cảm dành cho nhau. Cô giáo chủ nhiệm lớp em còn dùng blog để giao lưu với bọn em nữa cơ”, em Nguyễn Đỗ Nhật Phương, học sinh lớp 9 trường Giảng Võ (Hà Nội) hồ hởi khoe.
"Nên để trẻ ... vấp ngã trong môi trường mạng"
Làm sao để có thể khai thác Internet một cách hiệu quả nhất và lành mạnh nhất? Đó quả thực là bài toán khó không chỉ đối với giới trẻ mà còn đối với các bậc làm cha, làm mẹ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà các trang web bẩn “đầy rẫy” trên mạng và lúc nào cũng có nguy cơ “đầu độc” tâm hồn trong sáng của các em.
Chị Trần Ngọc Phương (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết “Bây giờ cứ mỗi khi lướt web, đọc những bài viết về 8X với 9X tôi lại thấy giật mình. Bọn trẻ bây giờ bạo quá, toàn chụp những bức hình hở hang rổi đưa lên mạng khoe với nhau”.
Chia sẻ với phóng viên, chị cho biết thêm, nhà chị có hai đứa con gái đều đang ở trong độ tuổi mới lớn cả, nên chị phải rất tế nhị và khéo léo trong việc dạy bảo chúng. Chị không cấm các con lên mạng, thậm chí những lúc rỗi rãi không phải học bài, chị còn khuyến khích chúng truy cập vào các địa chỉ web lành mạnh, các trang học tiếng anh, nghe nhạc và chơi trò chơi bằng tiếng anh để các con có thể vừa học vừa giải trí.
Bằng việc trang bị cho con những kiến thức cơ bản để chúng có thể tự bảo vệ mình cũng như luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của các con, đến giờ chị Phương đã phần nào yên tâm mỗi khi để các con tiếp xúc với Internet.
Tuy nhiên, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng làm được như chị Phương. Vẫn có rất nhiều trường hợp các bậc phụ huynh chỉ nhìn thấy những tác động tiêu cực mà Internet mang lại nên đã ngăn cản không cho con mình được tiếp xúc với công nghệ hiện đại nhưng cũng không kém phần “hại điện” này. Điều này vô hình chung lại càng làm nảy sinh tâm lý tò mò, muốn khám phá “thế giới ảo” của các em.
Vì thế, theo lời khuyên của các chuyên gia về tâm lý, trong khi chưa tìm được phương pháp tối ưu giúp khắc phục nhược điểm và loại bỏ những nguy cơ đang “rình rập” giới trẻ khi tham gia vào thế giới mạng, thay vì không cho trẻ được tiếp xúc hay hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc của trẻ, các bậc phụ huynh nên trang bị cho con mình những kiến thức cơ bản khi truy cập Internet, dạy chúng cách tự bảo vệ mình trước những cám dỗ trong “thế giới ảo”.
Hãy để cho chúng có cơ hội được “tiếp xúc”, được “trải nghiệm”, thậm chí là “vấp ngã” để rồi học cách “tự đứng dậy”. Hãy là người ở bên định hướng cho trẻ. Đó mới là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất.
Theo VTC news.