Cúm lợn gây tử vong cao hơn cả dịch SARSTỷ lệ tử vong do nhiễm cúm lợn ở Mexico hiện là 26,5%, cao hơn gần gấp 3 lần so với tỷ lệ tử vong do dịch SARS năm 2003. Từ vùng đang có dịch là Mexico và Mỹ, những ngày gần đây đã có khoảng 200 người nhập cảnh vào Việt Nam.

Thông tin được ông Nguyễn Huy Nga, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng công bố trong cuộc họp ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh trên người của Bộ Y tế sáng nay, 28/4.

 

Dịch cúm lợn đã ở cấp độ 4

Ông Nga cho biết thêm, 12h đêm hôm qua, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã nhận được hướng dẫn tạm thời về điều trị cúm lợn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Và trong thời gian sớm nhất, WHO sẽ gửi mẫu mới nhiễm virus cúm lợn H1N1 sang Việt Nam để chúng ta có thể tiến hành nghiên cứu, xét nghiệm, phân lập gen.

Về dịch cúm lợn trên thế giới, WHO đã xác định dịch đang ở cấp độ 4. Vì thế, Việt Nam cũng cần có phân cấp để chủ động đối phó với dịch.

Theo WHO, cấp độ 4 có nghĩa là có dấu hiệu cho thấy virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người và có thể gây ra những ổ dịch lớn. Cấp độ 5 có nghĩa là virus được phát hiện tại ít nhất hai nước trên châu lục, dấu hiệu đại dịch đã đến gần. Cấp độ 6 cuối cùng là đại dịch toàn cầu.
 
Cúm lợn gây tử vong cao hơn cả dịch SARS_0
Cúm lợn đã bùng phát ở Mexico, khiến hơn 100 người tử vong. Chủng cúm mới này đang lây lan nhanh sang Mỹ, Canada, một số nước ở châu Âu và châu Á. Trong ảnh người dân Mexico City đeo khẩu trang để phòng lây bệnh.

Tại Việt Nam, từ tháng 1/2006, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Paster TPHCM triển khai hệ thống giám sát cúm thông thường tại 15 điểm trên 10 tỉnh. Đến nay đã lấy được 20.000 mẫu, trong đó 20% dương tính với cúm thường nhưng không phát hiện thấy chủng cúm lạ. Chủng cúm hay gặp nhất là H3N2.

Tuy nhiên, hiện chúng ta đang rất thiếu số liệu lâm sàng cúm trong báo cáo. Vì nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ y tế đều cho rằng, cúm là bệnh đơn giản, không có gì đáng ngại nên không báo cáo. Trong khi đó, để biết virus cúm biến đổi như thế nào, biến đổi khi nào thì luôn phải giám sát chặt. Có rất nhiều ca cúm tập thể tại các trường học, cơ quan nhưng không được thông báo.

Hơn 200 người mới nhập cảnh Việt Nam từ Mỹ và Mexico

Cũng tại cuộc họp, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Trước khi có cảnh báo của WHO về dịch cúm lợn, đã có khoảng 200 người trở về Việt Nam từ Mỹ, 10 người trở về từ Mexico, nhưng vì chưa có cảnh báo nên không nắm được thông tin. Hiện giờ họ đi những đâu thì không rõ, cũng không dám chắc họ có mang theo virus về Việt Nam hay không, vì thế, đang phải phối hợp với công an để tìm hiểu kỹ những trường hợp này.
 
Còn về bệnh cảnh của các ca nhiễm virus cúm lợn trên trên thế giới, theo WHO, qua theo dõi các bệnh nhân mắc hội chứng cúm này thì bệnh cảnh lại rất khác nhau. Ở Mỹ, các bệnh nhân đều có biểu hiện bệnh rất nhẹ, như cúm thường ở Việt Nam. Trong khi đó, ở Mexico virus cúm lợn lại gây bệnh cảnh nặng nề. Báo cáo một số trường hợp tại Mexico cũng phân lập được virus này. Tuy nhiên, về nguyên nhân các trường hợp tử vong do cúm ở Mexico có phải do virus cúm mới này hay không vẫn đang được điều tra làm rõ, chưa thể khẳng định là do virus cúm mới này.
 
Cúm lợn gây tử vong cao hơn cả dịch SARS_1 Các nhân viên y tế Mexico kiểm tra người dân ở các trạm xe buýt, nhà ga, sân bay. Cho đến nay, gần 2.000 người Mexico đã nhập viện vì nghi nhiễm cúm.
Điều đáng lo ngại lúc này là virus cúm lợn H1N1 đang có hiện tượng kháng thuốc. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thông tin của WHO cho biết, hiện virus này vẫn nhạy với Tamiflu, Relenza nhưng kháng với Amantadine. Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị sớm là vô cùng quan trọng, tránh hiện tượng kháng thuốc.

Ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam đang phải một lúc đương đầu với 3 dịch bệnh, là bệnh cúm H5N1, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả và giờ là cúm lợn H1N1. Vì thế, ông yêu cầu, ban chỉ đạo phải luôn đặt trong tình trạng báo động, cấp độ chuyên môn là 4, thể hiện nguy cơ virus biến đổi gene lây từ người sang người.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh trên người phải tổ chức hai buồng trực theo dõi nhiệt độ tại 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài và sẽ tăng cường thêm máy đo thân nhiệt ở 2 sân bay mỗi nơi hai cái. Đồng thời, đề nghị cần cách ly ngay các trường hợp mắc, các trường hợp đến từ vùng dịch có liên quan để quan sát và theo dõi. Hành khách đến từ các vùng nguy cơ cần được phát khẩu trang. Việc kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại sân bay đã được triển khai và đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào có bất thường.

Theo Dân trí.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC