Nhà không phép muốn gắn đồng hồ điện, chỉ cần bỏ tiền ra thông qua “cò” là có nhân viên điện lực đến tận nơi để gắn, muốn bao nhiêu cũng có!
Không cần đầy đủ các thủ tục như quy định của ngành điện, người có nhu cầu gắn đồng hồ điện (ĐHĐ) chỉ cần đưa CMND cho “cò” cùng tiền mặt từ 3 triệu đến 7 triệu đồng, trong một tuần sẽ có nhân viên điện lực xuống tận nhà gắn ĐHĐ. Tình trạng gắn ĐHĐ “chui” đang diễn ra ở các huyện ngoại thành TPHCM.
Nhà không phép, lấn kênh rạch: Gắn tuốt
“Chị muốn gắn ĐHĐ hả? Dễ ợt, bỏ ra 4 triệu đồng là có ngay!”. Chúng tôi giả lả: “Nhưng nhà em xây không phép?”. “Phép phiếc gì, qua “cò” là xong hết!”. Một người dân từng gắn ĐHĐ “chui” ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, mách nước khi biết chúng tôi đang có nhu cầu gắn ĐHĐ.
Theo người này, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân các ấp của xã Đông Thạnh cất nhà không phép, rồi rầm rộ kéo điện, từ thứ hai đến thứ bảy, ngày nào cũng thấy xe của điện lực Hóc Môn chạy vào trồng trụ, kéo dây.
Có tuần, chỉ một xóm nhỏ của ấp 2, có đến 2 – 3 nhà gắn ĐHĐ. “Chị nên tranh thủ gắn sớm để không bị làm giá. Nếu không tin, chị cứ đến ấp 2 sẽ rõ mọi chuyện!”.
Để mục sở thị, chúng tôi đến khu vực tổ 12, ấp 2, xã Đông Thạnh, nơi có 15 căn nhà xây không phép của ông D.T.H vừa bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ cách đây không lâu.
Dãy nhà 15 căn thì có 8 căn bị đập, riêng những căn còn lại đa số đều sang nhượng giấy tay cho người khác đến ở. Dù nhà xây không phép nhưng tất cả những căn nhà còn lại đều đã được gắn ĐHĐ.
Bà Nguyệt, người sống ở đây, cho biết: “Ông D.T.H mua đất, đứng ra cất nhà không phép, sau đó bỏ tiền nhờ “cò” chạy ĐHĐ để nhà dễ bán với giá cao”.
Chúng tôi tiếp tục men theo kênh Trần Quang Cơ, đến khu vực ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Chị L., sống ở đây, thật thà nói: “Xóm này hơn 13 hộ, đa số là dân nhập cư, gắn ĐHĐ theo dạng... thông qua “cò”. Hai năm trước xài điện nhờ nhà kế bên giá cao quá, chịu không nổi. Cách đây gần một năm, thông qua “cò”, nhà tôi đã gắn ĐHĐ nhưng phải bỏ ra đến 4 triệu đồng. Mới đây nhà ở đầu hẻm này vừa xây xong và gắn ĐHĐ nhưng chỉ có 3 triệu đồng. Tiếc thật!”.
Cũng theo chị L., cả xóm này đều thông qua một “cò” tên Dần, nhà nào có nhu cầu chỉ cần gọi điện, vài ngày sau “cò” Dần sẽ dẫn theo nhân viên điện lực đến khảo sát rồi mắc đồng hồ. Mỗi mối giới thiệu, “cò” Dần được hưởng tiền huê hồng 200.000 đồng.
Đến khu vực tổ 8, ấp 3, xã Đông Thạnh, nơi có gần 20 căn nhà lớn nhỏ tạo thành một khu dân cư mới, biết chúng tôi có nhu cầu gắn ĐHĐ, bà T. sống ở đây cho chúng tôi số điện thoại một “cò” tên Đức và quảng cáo: “Toàn bộ xóm này đều do tôi giới thiệu người ta gắn ĐHĐ. Mỗi lần như thế tôi được 200.000 đồng huê hồng. Nếu cô gắn thì nhớ nói tôi!”.
Bình Chánh cũng không kém
Tại một số xã của huyện Bình Chánh, “cò” gắn ĐHĐ “chui” hoạt động rầm rộ không kém, tuy nhiên giá ở đây được “cò” đẩy lên 5-7 triệu đồng. Lý do các “cò” đưa ra là “do phía điện lực ra giá cao!?”.
Vòng theo con đường nhựa mới mở, chúng tôi đến tổ 4, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Đây là khu vực đất nông nghiệp, nhiều chủ đất phân lô bán nền, người dân tự xây nhà nên hạ tầng không có, trên đầu thì dây điện chằng chịt.
Khi biết chúng tôi có nhu cầu gắn ĐHĐ cho nhà xây dựng không phép, một người dân mách nước: “Em đến gặp ông Hiển, người môi giới bất động sản gần đây, sẽ làm được ngay. Nhà tôi cũng được ông Hiển lo ĐHĐ với giá gần 7 triệu đồng, trong vòng một tuần có điện xài!”.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi liên lạc với “cò” Hiển qua điện thoại. Hiển khá cảnh giác và dè dặt nhưng khi chúng tôi năn nỉ hết lời, Hiển dứt khoát: “Giá 6,5 đến 7 triệu đồng một ĐHĐ”.
Chúng tôi kỳ kèo: “Sao mắc vậy?”. “Tình hình chung đang khó khăn nên điện lực ra giá cao. Không muốn thì kiếm mối khác làm”- Hiển cúp máy.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết gần 20 căn nhà ở tổ 4, ấp 1 này điều do Hiển mai mối, gắn ĐHĐ. Người này làm xong, giới thiệu người kia. Chị M., sống ở đây, cho biết: “Nếu không thông qua “cò”, đời nào có điện xài. Mất tiền một chút cũng chịu nhưng có cái hợp đồng mua bán điện đàng hoàng là được!”.
Nói xong, chị khoe với chúng tôi hợp đồng chị mới ký hồi tháng 2-2009 với Điện lực Bình Chánh. Trong hợp đồng có cả chữ ký của ông Nguyễn Hữu Khoa, tổ trưởng tổ kéo điện. Theo người dân, ông Khoa là người của Điện lực Bình Chánh.
Theo Người lao động.