“ - Đọc blog, đọc tin nhắn của con mà tôi không thể hiểu được một dòng nào. Đứa con lớn trêu tôi nên thuê nó làm phiên dịch. Nghĩ mà thấy xót xa, chẳng lẽ già đến nơi rồi mà lại thành người mù chữ, phải đi học lại tiếng Việt để "hội nhập" với con cái”
..Thói quen viết blog thay cho rèn câu luyện chữ có phải là một trong những nguyên nhân khiến các em học văn kém?
Bức thư chị Mai Thị Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) gửi đến tòa soạn thể hiện lo lắng chung của rất nhiều phụ huynh hiện nay.
Phóng viên chúng tôi đã tìm gặp một số giáo viên dạy văn ở các trường THPT để tìm hiểu liệu ngôn ngữ 9X có tác động tới bài văn học đường?
Cô Nguyễn Thị Xuân Thân (Giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam) : Khóc với sự... sáng tạo
Những “sáng tạo” chỉ giới 9X mới hiểu đang từ thế giới blog bước vào các bài văn học đường với tần suất ngày càng nhiều.
Về từ ngữ, chuyện từ ngữ sai chính tả kiểu “biết” thành “bít”, “rồi” thành “roài”… đã “không có gì là lạ”. Các em còn tạo ra một lớp từ mới, ví dụ, để chỉ sự bắt chước, đua đòi, các em dùng từ "ong ve", nói ai đó "hung hăng" các em dùng từ "hổ báo"…
Nói cách khác, các em đang dùng một hệ thống ký hiệu riêng để thay thế cho từ ngữ thông dụng và điều này thực sự nguy hiểm.
Một học sinh của tôi đã nói về nhân vật Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải như sau: “cái cần dài thì lại ngắn, cái cần nhỏ thì lại to”. Trong tác phẩm, Nguyễn Khải miêu tả chị Đào chân ngắn, ngón tay to, ý chỉ người phụ nữ thô kệch, em đó không nhớ chính xác dẫn chứng nên đã viết như thế.
Về bố cục, kết cấu, quen với kiểu viết lại cảm xúc, nghĩ gì viết nấy trên blog, bài văn của các em ngày càng phóng túng, tùy tiện, bố cục hỗn loạn. Chúng tôi khuyến khích học sinh phát biểu những suy nghĩ riêng, thể hiện cá tính riêng nhưng dù thế nào cũng phải tuân theo những chuẩn chung của bài văn học đường, có mở bài, thân bài, kết luận, toàn bài phải hướng về đề tài cho sẵn.
Lối phóng đại cảm xúc thái quá ở thế giới ảo đã "tìm được chỗ " trong bài văn học đường. Nhiều học sinh phân tích thơ, khổ đầu các em nhận xét là khổ thơ nhất trong bài, khổ sau các em cũng nói tương tự. Vậy cái gì mới thực sự là nhất?
Hoặc khi phân tích tác phẩm, các em bình luận, “đó là tác phẩm hay nhất của văn học thời chống Mỹ”. Các em đã tự cho mình đánh giá về những điều ngoài khả năng của bản thân, ví như văn học thời chống Mỹ, điều này rất nguy hiểm.
Tôi đã hỏi học sinh trường Lương Thế Vinh về ảnh hưởng của văn chương blog, một học sinh đã trả lời như sau:"Qua sự giao lưu trên blog, có thể bồi dưỡng thêm các kiến thức về từ ngữ, sự sáng tạo, điều mà trong những giờ văn trên lớp đã bị che lấp bởi giới hạn, khuôn khổ, những hệ thống tư tưởng cũng như các khuôn mẫu trong viết văn, hành văn.Với blog, tôi có thể tự do viết tự do sáng tạo mà không chịu bất cứ một áp lực nào. Sự sáng tạo là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền văn học".
Ở đây, học sinh nhầm lẫn khái niệm sáng tạo. Sáng tạo không phải là tự nghĩ ra những điều khác người, nó phải được sự công nhận của cộng đồng.
Cô Trần Thị Lan Anh (Giáo viên trường THPT Thăng Long): Kẻ thù của tôi là truyện tranh
Tôi đã dạy các lứa học sinh sinh từ năm 1990 đến 1995 và nhận thấy ngôn ngữ của các em càng ngày càng mất chuẩn một cách đáng báo động. So với thế hệ các học sinh 8X thì ngôn ngữ 9X bị “hỏng” đi rất nhiều.
Tôi nghĩ, nguyên nhân là do một thời gian, chúng ta đã không kiểm soát được truyện tranh. Ngôn ngữ đối thoại, khẩu ngữ trong kiểu truyện này được các em dùng thoải mái trong blog rồi quen dần thì bê nguyên vào bài văn một cách vô thức. Tôi cũng thấy rằng, ngày càng ít học sinh mê mải với những cuốn tiểu thuyết kinh điển. Đa số các em hài lòng với “món ăn sẵn” truyện tranh, không cần tưởng tượng, không cần tư duy và đọc cũng không mất thời gian.
Báo chí, MC truyền hình vô tư dùng những từ lai căng dzo, wow, hot… để các em bắt chước, lúc đầu có ý thức chỉ dùng trong blog, sau dần thành quen, trong bài văn ở trường cũng dzo với wow không thể chấp nhận được. Tôi thực sự lo lắng. Ngôn ngữ là bản sắc văn hóa, là sáng tạo của cha ông, qua bao nhiêu thế hệ gọt giũa, chọn lọc mà lại bị học sinh thời nay "đối xử" như thế này.
Phụ huynh hay nói “trăm sự nhờ thầy cô giáo” nhưng ngay từ lứa học sinh 8X, tôi đã đùa với các em rằng, các thầy cô đang “một mình chống lại mafia”. Đến bây giờ, ngày càng nhiều các yếu tố phim ảnh, truyện tranh, truyền hình… tác động đến các em, “cuộc chiến” của chúng tôi càng khó khăn.
Như bản thân tôi, tôi chỉ có thể sửa lỗi cho học sinh do chính tôi giảng dạy, còn những em khác, lại phải thầy cô giáo khác. Trong khi, giáo viên trẻ lại đang có xu hướng giảng dạy mới bằng “giáo án điện tử”, giao tiếp giữa giáo viên và học sinh ít đi, không biết sẽ chỉnh cho các em được bao nhiêu.
Theo Bee.net.