Mùa thi năm nay, số học sinh, sinh viên bị stress gia tăng 10-20% cá biệt, có em chọn cái chết để kết thúc áp lực nặng nề của các kỳ thi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cho biết, những trẻ có hành vi tự tử thường từ 12 tuổi trở lên. Hầu hết các em được cứu sống, nhưng cũng có trường hợp tử vong vì bệnh nhân nhập viện trễ hoặc uống những thuốc mà khả năng y học hiện nay khó có thể cứu chữa được.
Tử tử... vì bị mắng "không chịu học"
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM vừa cứu sống hai bệnh nhi nữ là L.T.H.H. 14 tuổi và N.M.G. 15 tuổi, đều uống thuốc tự tử vì chuyện học hành. Cả hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lừ đừ, chóng mặt, mệt, mạch nhanh. Sau khi được cấp cứu, H. cho bác sĩ biết nguyên nhân tự tử là do em cảm thấy xấu hổ khi hay bị thầy giáo mắng trước mặt bạn bè, bị nhà trường phê bình vì tội trốn học.
Với G.,động cơ tự tử là do mẹ la mắng không lo ôn thi tốt nghiệp lớp 9, vì ngày thi đã cận kề. G. cảm thấy oan ức, không ai chịu hiểu vì em chỉ muốn có một ngày vui chơi sau những ngày thi học kì II căng thẳng.
BS Trần Duy Tâm, Bệnh viện tâm thần TP HCM phân tích, dù cơ chế tâm lý khác nhau nhưng nguyên nhân tìm đến cái chết ở hai bệnh nhân này đều do rối loạn stress cấp tính. Sau khi được điều trị tích cực bằng cách rửa dạ dày, truyền dịch, uống than hoạt tính, giải độc, sức khoẻ của hai em đã dần ổn định.
BS Nhân cho biết, trẻ ở thành phố thường tự tử bằng thuốc cảm, tâm thần, thuốc ngủ; trong khi ở nông thôn, trẻ rất dễ tìm thấy thuốc diệt côn trùng, bảo vệ thực vật.
Theo thống kê của các bác sĩ BV Nhi đồng 1, BV Tâm thần TP HCM, hành vi tự tử của học sinh tăng lên trong mùa thi. Riêng số học sinh đến nhờ các bác sĩ tâm lý do căng thẳng học tập tăng 15 - 20% (thống kê của đơn vị tâm lý BV Nhi đồng 1 TP HCM cho thấy, tháng hè năm nay số trẻ đến tư vấn tâm lý tăng 20% so với tháng hè năm ngoái, với khoảng 20 trường hợp).
Không nên thức thâu đêm học bài
Ngoài áp lực gia đình, cách phân chia việc học không hợp lý cũng dẫn đến căng thẳng trong thi cử. BS Tâm dẫn chứng, để nhồi nhét kiến thức, nhiều học sinh phải thức thâu đêm ôn luyện. Đây là nguy cơ dễ đẫn đến rối loạn giấc ngủ do căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung, hay quên... càng làm giảm hiệu quả học tập. Và càng căng thẳng hơn với học sinh không đủ khả năng nhưng cố gắng học để thi đậu vào những trường điểm theo sức ép từ cha mẹ.
Theo các BS, phụ huynh không nên ép con phải thi đậu trường này trường kia, hay so sánh sức lực của con với bạn bè, người thân dòng họ..., mà nên động viên, an ủi, chủ động tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho con.
Để tránh xảy ra những hành vi không mong muốn, cần cho các em được cân bằng giữa chơi và học. Trẻ căng thẳng học tập thường có biểu hiện toát mồ hôi, tim nhanh, thở gấp, bụng cồn cào, tay run, bắp cơ căng lên, lo âu, căng thẳng, hồi hộp, khó ngủ...
Với những em này, phụ huynh nên đưa con đến các chuyên viên tâm lý, tâm thần. Khi trẻ có hành vi tự tử, cần đưa ngay đến khoa cấp cứu càng sớm càng tốt để giải chất độc trong máu. Nếu nhập viện trễ, trẻ dễ bị vàng da, xơ gan, xơ phổi, thuốc thấm vào các mô... gây tử vong.
Theo Đất Việt.