Khát vọng con chữ của hai "tí hon" rừng giàMột 5 tuổi, một 12 tuổi đều cao chưa đến 80 cm. Dù thấp bé, rất chật vật vượt rừng đến trường, nhưng chưa có buổi học nào vắng mặt hai chị em Nguyễn Thành Lợi và Nguyễn Thị Lắc.

Ngày ngày, hai em đi bộ vượt rừng hơn một giờ để đến lớp học con chữ, bài toán. Còn người chị lớn Nguyễn Thị Hiếu, 19 tuổi, có chiều cao chỉ xấp chỉ hai em, vì gia cảnh khó khăn phải nghỉ học khi mới xong lớp 2.

Hai chị em “nổi tiếng”

Bên nồi sắn đun dở, Hiếu nói: “Gia đình đông anh chị, bố mất sớm nên rất khó khăn. Dù rất muốn đến trường nhưng em phải nghỉ học để nhường hai em tới trường”.
 
Nhà ba chị em ở nóc Tắc Lũ, thôn 3, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ thị trấn Tắc Pỏ (trung tâm hành chính huyện Nam Trà My), mất hơn ba giờ đi bộ băng rừng để đến nhà các em. Nơi đây, khoảng cách xa gần không thể tính bằng km, mà bằng thời gian đi bộ.

Gia đình có tất cả 8 người, nhưng chỉ có ba chị em dị tật lùn bẩm sinh. Chị Nguyễn Thị Út, mẹ của ba em, cho biết: “Không biết chúng nó bị gì, chỉ biết sinh ra đã như vậy. Bốn anh chị đầu cao lớn bình thường”. So với các bạn cùng trang lứa, ba chị em chỉ ngang thắt lưng. Chiều cao khiêm tốn nhưng trí tuệ các em vẫn bình thường.

Nguyễn Thành Lợi năm nay 5 tuổi, là em út trong gia đình và đang học mẫu giáo tại Mầm non Hoa Mai. Chiều cao đặc biệt nên đôi ủng của Lợi phải xắn ngược xuống hơn nửa mới vừa đôi chân ngắn chưa đến 40 cm. Nguyễn Thị Lắc, học lớp 5 tiểu học Kim Đồng. Đi học, cặp sách cao bằng nửa người em.

Với dáng vóc đặc biệt đó nên dù nóc này cách nóc kia hàng tiếng đi đường nhưng khi hỏi về hai chị em “lùn” đi học, ai cũng biết.
 
Khát vọng con chữ của hai Nắng hay mưa, lũ lụt hay rắn rết cũng không làm hai chị em nghỉ học dù chỉ một ngày. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Hành trình thỏa khát vọng con chữ

Ngày ngày, Lắc và Lợi cùng các bạn băng rừng đến trường. Hành trình của hai em bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng, Lắc và Lợi thức giấc, chặng đường hơn một giờ băng rừng đang chờ các em. Tan lớp, về đến nhà cũng là lúc mặt trời bắt đầu đi về phía bên kia quả núi.

Do thấp bé nên hai chị em gặp nhiều khó khăn trong khi di chuyển. Đường núi đồi dốc, đất đá trơn trượt rất nguy hiểm. Người bình thường đã vất vả, các em còn cực nhọc hơn nhiều lần. “Mùa mưa bão ở huyện miền núi Nam Trà My, cây đổ chắn ngang đường, thậm chí sạt núi làm các nóc bị cô lập nhiều ngày là chuyện thường”, ông Hồ Văn Quy, chủ tịch xã Trà Mai cho biết.

Cuối năm 2008 vừa rồi, mưa bão liên tục nhưng Lắc và Lợi vẫn đến lớp thường xuyên. Thầy giáo Huỳnh Ngọc Huân, giáo viên đứng lớp em Lắc cho biết: “Trời mưa, đường rừng vừa trơn lại nhiều sên vắt, rắn rết nhưng hai em chưa nghỉ buổi học nào. Rất may là cả hai cùng học tại một điểm trường, có nhiều bạn đi cùng nên có thể trợ giúp khi Lợi và Lắc cần đến”.
 
Khát vọng con chữ của hai
Khát vọng và nỗ lực học tập của hai chị em là tấm gương cho nhiều học sinh ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Nóc Tắc Lũ có 40 học sinh tiểu học với ba lớp. Trong đó, số học sinh lớp 5 chưa đến 10 em. “Dù khuyết tật nhưng Lắc rất chuyên cần, học lực đạt loại khá. Tấm gương hiếu học của Lắc thật đáng nêu gương”, thầy Nguyễn Hồng Thương, hiệu Trưởng Tiểu học Kim Đồng, nơi Lắc đang theo học, nhận xét.

Hết năm học này, Nguyễn Thành Lợi vào lớp 1, còn Nguyễn Thị Lắc ra thị trấn Tắc Pỏ học nội trú tại Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My. Như vậy, hành trình đến con chữ của Lắc sẽ bớt gian nan, nhưng Lợi thì vẫn còn 5 năm tiểu học tại điểm trường Tắc Lũ.

Khi hỏi các em ước mơ gì, cả hai chỉ bẽn lẽn cười không nói. Có thể các em còn quá nhỏ và chưa đủ kiến thức để biết đến cái đích xa hơn. Nhưng cả hai đều đang cố gắng, nỗ lực hết mình, vượt qua gian khó tìm đến con chữ để mai này có thể đi xa hơn trên những đôi chân ngắn ấy.

Theo Báo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC