Hợp đồng mua bán điện quy định nếu vi phạm hợp đồng, bên bán điện phải chịu mức phạt bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ngoài ra phải bồi thường thiệt hại phát sinh.
Về mặt pháp luật, người tiêu dùng có quyền kiện ngành điện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng trong thực tế, chưa có ai đứng ra đòi quyền lợi cho mình. Chúng tôi đã trao đổi với luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), về vấn đề này.
Thưa ông, khi ngành điện vi phạm hợp đồng mà cụ thể là cắt điện đột ngột, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, người mua điện có quyền kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường hay không?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Đối với vi phạm hợp đồng, pháp luật chung quy định hai trường hợp: phạt do vi phạm và bồi thường thiệt hại phát sinh. Trong hợp đồng mua bán điện quy định nếu vi phạm hợp đồng, bên bán điện phải chịu mức phạt bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ngoài ra phải bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng.
Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra tòa án. Như vậy, bên mua điện hoàn toàn có thể kiện ngành điện ra tòa nếu bị vi phạm hợp đồng.
Thủ tục khởi kiện thế nào, thưa ông?
Căn cứ để đòi bồi thường gồm ba yếu tố: vi phạm hợp đồng (biên bản ghi ngày giờ cắt điện đột xuất), mức độ thiệt hại và mối quan hệ nhân quả. Trong đó, phải chứng minh được thiệt hại do cắt điện đột xuất, gồm mức thiệt hại trực tiếp cộng với lợi nhuận bị bỏ lỡ.
Ví dụ, DN đang chế biến thủy sản bị mất điện thì thiệt hại bao gồm tất cả chi phí bỏ lô hàng, phí nhân công, phí quản lý... Tất cả phải có chứng từ kế toán, sổ sách. Dù ra tòa án hay trọng tài, nếu chứng minh được thì sẽ được chấp nhận và khả năng thắng kiện không khó.
Vậy tại sao DN không kiện?
Trong các cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chúng tôi đều có các câu hỏi về tình trạng cung cấp điện cho DN nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy hầu hết các DN rất bức xúc về chất lượng cung cấp và tình trạng cắt điện. Nhưng tại sao không ai kiện? Đây là câu hỏi tôi thường đặt ra khi làm việc với các DN và họ đều hỏi ngược lại kiện xong rồi mua điện của ai? Đặc điểm, tính chất ngành điện khiến người sử dụng dịch vụ e dè, không muốn và không dám kiện.
Trong rất nhiều trường hợp, ngành điện đều vận dụng lý do mất điện do bất khả kháng. Vậy thiếu điện, quá tải công suất khiến đồng hồ nhảy có được cho là trường hợp bất khả kháng không, thưa ông?
Luật Dân sự và một số pháp luật chuyên ngành đã quy định thế nào là bất khả kháng. Đó là do thiên tai, dịch bệnh... Còn những vấn đề thuộc lỗi nội tại mà coi là bất khả kháng thì không thể chấp nhận. Thiếu điện là lý do muôn thuở nhưng đây không thể coi là lý do bất khả kháng. Sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng trên địa bàn là bao nhiêu, giờ cao điểm có thể tăng lên bao nhiêu, đơn vị cung cấp điện phải nắm được để điều phối.
Về nguyên tắc, không có cắt điện nhưng ở VN, do thiếu điện nên điều khoản cắt điện mới được đưa vào hợp đồng, theo nguyên tắc báo trước để tránh thiệt hại. Trường hợp bên soạn thảo hợp đồng có lợi thế hơn, ép bên kia phải chịu những điều khoản bất lợi hoặc trái quy tắc chung của pháp luật cũng được xem xét khi ra tòa.
Chẳng hạn trường hợp mất điện đột ngột do tiêu thụ điện tăng đột biến, đường dây yếu nhưng cũng được cho là lý do bất khả kháng thì không thể chấp nhận được.
Theo Người lao động.