- " Về đại thể, cái chết ấy giải thoát họ khỏi những bế tắc mà tự họ không thể vượt qua nổi. Đôi khi nó cũng thể hiện khí phách vì lòng tự trọng bị tổn thương, hoặc bị dồn ép vào thế cùng đường..."
- Nhà văn Hữu V iệt viết về câu chuyện đau lòng xảy ra cách đây hai ngày: Nữ sinh Bùi Thị Thúy H., sinh viên K11 trường ĐH LĐTBXH đã tự vẫn sau khi bị bắt quả tang ăn trộm đồ lót trong siêu thị Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội)...
Khi một con người phải tìm đến cái chết bằng cách quyên sinh thì đó là hành động bộc phát nhất thời, nhưng thường thì đều có nguyên nhân sâu xa nào từ lâu trước đó. Về đại thể, cái chết ấy giải thoát họ khỏi những bế tắc mà tự họ không thể vượt qua nổi. Đôi khi nó cũng thể hiện khí phách vì lòng tự trọng bị tổn thương, hoặc bị dồn ép vào thế cùng đường.
Trong cuộc đời làm báo, đã nhiều lần tôi ngồi phân vân trước trang bản thảo, tự hỏi, nếu mình để nguyên những cái tên này, những câu chữ này, liệu có làm ai đó đau thêm không, cho dù nó hoàn toàn có thật. Bởi trong thực tế, đằng sau một người chồng (vợ) phạm tội, biết đâu lại là một người vợ (chồng) đàng hoàng tử tế, trọng danh dự và nhân phẩm.
Đằng sau một ông bố (bà mẹ) phạm tội, có thể là những đứa con ngoan hiền, xinh xắn, học giỏi, những công dân có ích trong tương lai và không có bất cứ lỗi lầm gì ngoài việc là con của ông bố (bà mẹ) đó. Đằng sau sự tủi hổ mà người lớn gây ra cho con trẻ, có thể là những tâm hồn ngây thơ, non nớt, vô tội, dễ bị tổn thương và đổ vỡ ghê gớm dẫn đến thay đổi cả một đời người.
Quay trở lại câu chuyện của H. Tôi không biết H. là ai, và hoàn toàn không có ý định thanh minh cho hành vi của H. Chỉ thấy tiếc, khi biết H. là một sinh viên mới 21 tuổi và đến từ một tỉnh xa.
Người thân, bạn bè, thầy cô giáo, thậm chí cả làng xóm có thể từng vô cùng tự hào về H. Các anh chị (em) của H. có thể vô cùng ngưỡng mộ người em (chị) của mình, lấy đó như là một tấm gương sáng để phấn đấu.
Cha mẹ của H. có thể vét những đấu gạo cuối cùng làm lộ phí cho H. lên đường lai kinh, rớt nước mắt khi nghĩ tới tương lai tốt đẹp ở phía trước với nỗi lòng của người trồng cây sắp đến ngày hái quả. Tôi không nghĩ là H. nghĩ đến những điều đó khi thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Theo một số tờ báo đưa tin, trước khi tự sát, H. đang bị tạm giữ trong phòng ông giám đốc siêu thị nhà sách cùng tang vật (đồ lót) với sự có mặt của cảnh sát khu vực và dân phòng. “Trong lúc mọi người đang khuyên giải (?), bất ngờ H. đã dùng miếng kính vỡ tự cắt cổ mình”. Vì sao phải “khuyên giải”? Phải chăng H. đã có biểu hiện manh động trước đó? Khuyên giải ở đây là biện pháp phòng ngừa?
Ăn trộm một số đồ lót có thể bị phạt hành chính, đưa đi cải tạo, thậm chí vào tù nếu ở mức độ nghiêm trọng. Nhưng chắc chắn không bao giờ hành vi ấy buộc người ta phải trả giá bằng tính mạng, bởi vì nó thật vô lý và lố bịch.
H. có thể là một người hèn nhát, dám làm mà không dám chịu; có thể kém hiểu biết đến mức tự thổi phồng tội lỗi của mình. Cũng có thể H. không đủ can đảm vượt qua sự xấu hổ và lầm lỡ để làm lại cuộc đời.
Nhưng tôi cũng rất muốn biết, muốn nghe, muốn hỏi rằng phải chăng còn có những giả định khác nữa từ phía những người lớn. Họ có coi đấy là lầm lỡ nhất thời của một cô gái trẻ? Có nhận thấy rằng một người dù phạm tội nhưng vẫn có danh dự và lòng tự trọng? Có thấy những giá trị quá nhỏ của những món đồ so với tính mạng một con người? Có quá giận, quá tay, quá lời, quá mức cần thiết? Tiếc rằng câu hỏi ở góc độ lương tâm này, khó ai có thể trả lời được!
Theo số liệu thi đại học năm nay thì có khoảng 700 nghìn học sinh đã thi trượt. Làm một phép giả định thì H. là người đã vượt qua bằng ấy bạn cùng trang lứa trong năm thi của mình để bước chân vào trường đại học.
Ngoài nỗ lực cá nhân của H., kết quả ấy có được phải nhờ sự đầu tư trực tiếp (của gia đình) và gián tiếp (của xã hội). Ngoài sự mất mát một người trẻ tuổi như một lực lượng lao động, thì cái chết của H. là một thiệt hại kép, một thất bại đau đớn nhìn từ góc độ đầu tư và cả từ góc độ nhân văn.
Hữu Việt.