Người dân thờ ơ với bệnh dịchNgay từ sáng, tại dãy quán lòng lợn, tiết canh ở cuối đường Thụy Khuê đã chật kín khách. Một tốp khách gồm 4 người đàn ông bước vào quán, món mà họ gọi đầu tiên là 4 đĩa tiết canh. Một rổ rau sống còn nguyên nước ròng ròng được đặt lên bàn…

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày nay liên tục đăng tải về việc xuất hiện nhiều ca bệnh tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả ở Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng ngược lại với lo lắng dịch bệnh quay trở lại và có thể bùng phát, mắm tôm, rau sống, tiết canh, và nhiều loại thực phẩm không đảm bảo VSATTP vẫn bày bán tràn lan, người tiêu dùng vẫn sử dụng vô tư.

Giật mình về thói quen ăn uống… sống

Đã trở thành thói quen, dù bệnh tiêu chảy cấp quay trở lại, dù ăn uống sống là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp, thậm chí là bệnh tả, nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ.

Ngay từ sáng 12/5, một dãy quán lòng lợn, tiết canh ở cuối đường Thụy Khuê (Tây Hồ) chật kín khách. Một tốp khách gồm 4 người đàn ông bước vào quán, món mà họ gọi đầu tiên là 4 đĩa tiết canh. Một rổ rau sống còn nguyên nước ròng ròng được đặt lên bàn. Nhìn họ ăn uống ngon lành, chúng tôi cũng cầu mong không có chuyện gì xảy ra. Nhưng ai đảm bảo được vi khuẩn gây bệnh không xâm nhập vào cơ thể con người.

Một chiếc tủ kính đựng tiết canh của cửa hàng này chỉ một loáng là hết, nhân viên lại bưng ra đợt mới. Lòng lợn gồm đủ thứ từ tràng, lòng non, lòng già, dạ dày… bày ngay trên bàn, không có tủ kính che đậy, ở gần đường đi. Hầu hết quán lòng lợn, tiết canh ở đây cả người bán và nhân viên đều không trang bị găng tay, quần áo như quy định.

Đến một khu chợ cóc ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy người tiêu dùng ăn thực phẩm sống khá vô tư. Rau sống, bún ốc mắm tôm bày bán trên nền chợ ẩm ướt nhưng người tiêu dùng chẳng để ý. Thói quen ăn không chín, uống nước không sôi vẫn đang len lỏi trong cuộc sống của một bộ phận người dân.

Cảnh giác với một số thực phẩm chế biến sẵn

Không phải sử dụng thực phẩm chế biến sẵn là đã an toàn, bởi quá trình chế biến, vận chuyển và bày bán, nếu người kinh doanh không tuân thủ quy định về 10 tiêu chí của thức ăn đường phố, thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn vẫn cao. Trong 15 ca nhập viện vì tiêu chảy cấp ở Bệnh viện E Hà Nội thì 10 ca qua xét nghiệm ban đầu có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó có cặp vợ chồng trước đó đã mua lòng lợn ở chợ về ăn nhưng không chế biến lại.

Thức ăn đường phố, trong đó phần lớn là thực phẩm chế biến sẵn hiện đang bộc lộ nhiều nguy cơ mất VSATTP. Qua kiểm tra dịch tễ của nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, phần lớn trước đó họ có ăn thịt chó, đây là loại thực phẩm đã chín, nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn nếu như trong quá trình chế biến không đảm bảo.

Ngay từ cuối tháng 4/2009, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo VSATTP và phòng chống dịch bệnh trên toàn thành phố. Sở Y tế Hà Nội đã triển khai phun thuốc khử trùng ở nơi xuất hiện bệnh tiêu chảy cấp, xét nghiệm nguồn nước… Nhưng bệnh tiêu chảy cấp vẫn bùng phát đúng với thời điểm diễn ra Tháng hành động vì VSATTP.

Thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt ra quân kiểm tra VSATTP ở nhóm có nguy cơ cao như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, khu vực giết mổ… Tuy năm 2008, Hà Nội đã đình chỉ trên 200 cơ sở kinh doanh không đảm bảo VSATTP, nhưng tình trạng người kinh doanh không tuân thủ tiêu chí đảm bảo về thức ăn đường phố vẫn còn rất cao.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì ngành Y tế sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nguy cơ tiêu chảy cấp có thể xảy ra với bất cứ người tiêu dùng nào nếu không tuân thủ quy tắc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Theo CAND online.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC