"Người Việt mua hàng Việt" là việc của doanh nghiệp Doanh nghiệp phải đem hết tâm tình, trí tuệ đưa vào giá trị sản phẩm như là đang làm cho những người thân yêu nhất sử dụng thì tất “…tự nhiên hương”, “bất chiến tự nhiên thành”.

Người Việt có dùng hàng Việt hay không là do doanh nghiệp Việt Nam quyết định. Ông Trần Sĩ Chương đã chia sẻ những suy nghĩ về cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Từ trước giờ chúng ta hay vận động “người Việt dùng hàng Việt”. Đúng, chúng ta cần được biết rõ hơn chúng ta có hàng gì và giá trị chất lượng giá cả ra sao, và nên ưu tiên dùng hàng Việt nếu hàng Việt dó thật sự có giá trị; Còn nếu không thì sự vận động đó không có giá trị về mặt lý thuyết kinh tế cũng như thực tế, vì càng là người trong nhà thì càng nên khuyến khích nhau dùng những sản phẩm có giá trị, chứ không phải bảo nhau chấp nhận hy sinh dùng hàng có giá trị thấp chỉ vì do trong nhà sản xuất.

Người Việt Nam sẽ không chấp nhận và không nên phải chấp nhận trả giá cao hơn để mua bất cứ một sản phẩm nào có chất lượng ngang bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu. Với người Việt Nam, nên khuyến khích mọi người có nhiều thông tin hơn để dễ dàng nhận ra giá trị sản phẩm khi mua hàng, chứ không phải cứ hàng Việt Nam là nên mua hay ưu tiên mua. Như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp trong nước làm tốt hơn, cạnh tranh hơn. Do đó, vấn đề người Việt Nam có dùng hàng Việt Nam hay không, không ở người tiêu dùng mà là của doanh nghiệp.

Có thể nêu ba việc cần làm đối với doanh nghiệp Việt Nam: thứ nhất, phải khảo sát nghiêm túc để xác định rõ phân khúc thị trường nào đang cần cái mà mình có lợi thế cung cấp; thứ hai, phải quảng bá được những giá trị đó đến người tiêu thụ; và thứ ba, phải có “đường dẫn” đến người tiêu dùng, tức kênh phân phối. Ba việc đó đều là của doanh nghiệp cả. Nhà nước chỉ có một việc duy nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dễ dàng hơn. Khi có chính sách thị trường nội địa, Nhà nước không nên hỗ trợ, bảo hộ một ngành nghề hay một doanh nghiệp nào để không xảy ra tình trạng lệch về giá cả, làm hỏng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bất cứ nước nào mới phát triển thì giai đoạn đầu Nhà nước cũng có chính sách bảo hộ “sản xuất thay thế hàng nhập khẩu” tối đa khoảng 10 năm, để doanh nghiệp nội địa có cơ hội tập huấn, tiếp cận sâu, rộng với người tiêu dùng nội địa, trước khi chuyển sang giai đoạn tích cực xuất khẩu. Có làm được tốt trên sân nhà thì mới có cơ hội làm tốt ở sân người một cách bền vững.

Tiếc thay, vì nhiều lý do “rất hoàn cảnh”, doanh nghiệp Việt Nam đã không có được một môi trường thích hợp để xây dựng tính cạnh tranh cao tại thị trường nội địa, dẫn đến việc người tiêu dùng trong nước không có cơ hội tiếp cận những giá trị tốt nhất từ doanh nghiệp bà con trong nước mà họ xứng đáng được nhận. Nếu như đã làm được, thì không những tạo được niềm tin thương hiệu trong nước mà doanh nghiệp còn dễ cạnh tranh hơn khi ra thị trường xuất khẩu.

20090815 03 26 36 0

 Có làm được tốt trên sân nhà thì mới có cơ hội làm tốt ở sân người một cách bền vững.

Hãy nhìn các doanh nghiệp Nhật Bản. Sau đệ nhị thế chiến, hàng Nhật không bán ra được nước ngoài, các công ty Nhật tập trung sản xuất cho nội địa với quyết tâm làm tốt nhất có thể được bất cứ cái gì họ làm. Họ luôn nêu cao tinh thần “sản phẩm người dân Nhật dùng phải là những sản phẩm tốt nhất thế giới”. Nhờ thế mà khi người Nhật xuất khẩu, đã có những thương hiệu Nhật trở thành tên gọi của một loại mặt hàng, ví dụ “Honda” được hiểu là xe gắn máy, nói “National” là nồi cơm điện... Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chỉ có một lời nhắn gửi ngắn gọn đến các doanh nghiệp trong nước từ ngày lập quốc là “làm cái gì thì phải làm tốt nhất” (Do your best!).

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã không xuất được gì có giá trị gia tăng lớn, mà phần lớn chỉ xuất mồ hôi (gia công) và tài sản ông bà ta để lại.

Giá trị cao nhất của sản phẩm không phải là hàm lượng chất xám cao hoặc vốn đầu tư cao mà chính ở chỗ doanh nghiệp biết chăm chút những chi tiết đơn giản nhất để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, cho dù chỉ là cây chổi, cái khăn mặt hay đôi dép.

Rất ít doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng trong nước, hoặc sản xuất rồi lại không biết cách mang hàng đến với người tiêu dùng, thì e rằng cứ hô hào người Việt mua hàng Việt, chắc là không hiệu quả. Doanh nghiệp nên nhận thức thị trường hơn 80 triệu dân trong nước không phải là thị trường nhỏ và đây chính là cái nôi nuôi sống doanh nghiệp lâu dài. Một số doanh nghiệp đã chứng minh điều này, ví dụ Thái Tuấn, Vinamilk… Gần đây, Công ty ICP nhờ nghiên cứu thị trường, xác định được đúng phân khúc tiêu dùng còn bỏ ngõ, nên khi “đánh” là thắng, doanh số tăng liên tục.

Thị trường nội địa còn mênh mông thì việc gì lại cứ chạy đuổi theo thị trường nước ngoài, nơi mà mình không có độ chủ động cao? Tuy nhiên, doanh nghiệp chớ có việc gì cũng kêu nài nhà nước hỗ trợ. Vai trò quan trọng nhất của nhà nước là tạo môi trường hành chính, pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nếu để làm gương, quan chức hay cơ quan nhà nước có thể mua sắm, tiêu dùng bằng hàng Việt Nam.

Còn việc nên sản xuất cái gì, bằng cách nào, cho ai, ở đâu thì cá nhân mỗi doanh nghiệp phải tự chủ động. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam họ cũng chỉ nhờ những văn phòng tham tán thương mại cung cấp thông tin chung chung, còn nghiên cứu thị trường, thị hiếu, xây dựng kênh phân phối họ tự làm cả. Doanh nghiệp Việt Nam đừng kỳ vọng nhà nước làm gì thay mình. Có thể cảm thông trong lúc khó khăn, doanh nghiệp thường hay rối, nhưng nếu chú tâm làm và làm có bài bản thì sẽ thấy chính nhờ hiểu người tiêu dùng trong nước mà doanh nghiệp phát huy sáng tạo nhiều hơn, để có thể lớn mạnh, đứng vững được trên đôi chân mình.

20090815 03 26 40 1

Khi làm một sản phẩm nào đó mà nghĩ là làm cho mẹ mình dùng thì lúc đó sản phẩm của mình chắc chắn sẽ được xã hội chấp nhận.

Việt Nam có dân số trẻ nhất khu vực. Người Việt Nam đang tiêu xài nhiều nhất, tương đối trên thu nhập đầu người. Kinh tế tăng trưởng liên tục trong những năm qua, nhiều người khá giả hơn, giới trẻ có công việc làm tốt hơn, những người mới lập gia đình có nhu cầu mua sắm ngày càng tăng. Mọi người vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam, tin tưởng những cơ hội làm giàu và thu nhập của họ sẽ tăng lên theo thời gian nên mạnh dạn tiêu xài, tâm lý hồ hởi mua sắm. Bởi thế thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, nhất là với hàng tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngõ thì thật đáng tiếc.

Cứ nghĩ tại sao người nước ngoài không biết thị hiếu, thị trường rành bằng mình, vào Việt Nam cái gì họ cũng phải thuê và thuê gì cũng đắt, từ căn nhà đến con người, vậy mà họ còn nghĩ làm lời được, chẳng lẽ mình chịu bó tay? Có thể làm được mà không làm, đành để người ngoài lấy phần lợi trong nhà mình đem đi, tự ái dân tộc nên có chăng chính là ở điểm này.

Tóm lại, làm đúng những gì mà người tiêu dùng kỳ vọng vào sản phẩm ở mức chất lượng tương xứng với giá cả, không bắt người tiêu dùng chấp nhận một chất lượng chủ quan do doanh nghiệp đề ra, không coi thường khách hàng, thì doanh nghiệp sẽ khiến cho người Việt Nam chọn dùng hàng Việt Nam.

Khi làm một sản phẩm nào đó mà nghĩ là làm cho mẹ mình dùng thì lúc đó sản phẩm của mình chắc chắn sẽ được xã hội chấp nhận. Đó là văn hóa, nhân cách thương hiệu mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa. Chính tư duy xem trọng người tiêu dùng sẽ làm cho hàng Việt Nam đủ tạo được sự tín nhiệm mà không cần phải có nhà nước can thiệp.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC