Tổng kết tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, trong năm qua, cộng đồng tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất.
Vai trò, vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao, đại bà con có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực.
Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài thông tin về công tác kiều bào năm 2022. Ảnh: M.H.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của đất nước. Đến tháng 6/2022, kều bào đã có 376 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỉ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp của Việt Nam.
Về kiều hối, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước tính 18,1 tỉ USD, có thể tăng 4,4% năm 2022 và tăng 3,6 – 4,5% trong năm tiếp theo.
Trí thức người Việt ở nước ngoài tiếp tục thành danh, đạt giải thưởng cao, ghi dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Con em người Việt thế hệ 2,3 đạt nhiều thành tích học tập, có cơ hội việc làm tốt. Trong và sau đại dịch, nổi rõ xu hướng trí thức kiều bào trẻ mong muốn về nước tìm việc làm, lập nghiệp.
"Khi tôi tiếp xúc với sinh viên thanh niên trí thức ở New York, câu hỏi đặt ra đầu tiên là khi học xong quay trở về như thế nào, có chính sách gì thu hút trí thức trẻ về nước" – Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nói.
Thứ trưởng cho rằng có 2 lý do: Thứ nhất, chính sách của chúng ta ngày càng thu hút kiều bào trở về hơn. Thứ hai, trong bối cảnh chung, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì, chính trị ổn định, nên việc họ quay về là xu thế.
Bên cạnh đó cộng đồng người Việt tiếp tục đóng góp tích cực vào xã hội sở tại, là "nguồn lực mềm", là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: "Trước hết chúng tôi khuyến khích bà con đóng góp cho sở tại. Năm vừa rồi nhiều lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cộng đồng bằng tiếng Việt, thể hiện sự coi trọng của chính quyền sở tại với vai trò của cộng đồng người Việt. Chúng tôi vui khi thấy vị thế bà con lớn mạnh, đóng góp cho đất nước sở tại nhiều hơn".
Bà con người Việt ở nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, trong đó ủng hộ đóng "Xuồng chủ quyền" và tặng quân dân huyện đảo Trường Sa 2,8 tỉ đồng, đóng góp tiền mặt hơn 80 tỉ và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD cho đất nước trong dịch Covid-19.
Các hội đoàn người Việt ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. "Chúng tôi khuyến khích bà con lập hội đoàn… Chúng tôi sẽ hỗ trợ đồng hành với các hội đoàn để cùng phát triển" – Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng ghi nhận bà con phải đối mặt với nhiều thách thức. Covid vẫn để lại hậu quả nặng nề. Căng thẳng quân sự Nga – Ukraine gây ảnh hưởng lớn khiến hơn 6000 người Việt ở Ukraine phải sơ tán sang các nước lân cận, cộng đồng chỉ còn khoảng 560 người.
Cuộc sống của một bộ phận bà con vẫn khó khăn, vị thế pháp lý chưa vững chắc. Tình hình phạm tôi trong cộng đồng người Việt tiếp tục diễn biến phức tạp, số người Việt cư trú, lao động bất hợp pháp ở một số địa bàn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia vẫn ở mức cao.
Các tổ chức cá nhân cực đoan tiếp tục lợi dụng nhiều vấn đề trong nước khơi gợi quá khứ hận thù, xuyên tạc các chủ tưởng đường lối của Đảng và Nhà nước, lôi kéo một bộ phận người Việt ở nước ngoài tham gia các hoạt động chống phá đất nước.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, trong năm 2023, công tác về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ chú trọng việc rà soát các văn bản pháp luật dành cho người Việt ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch, cư trú, sở hữu nhà đất, xuất nhập cảnh, miễn thị thực…; kiến nghị các chính sách mới nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào vào các vấn đề phát triển cụ thể của đất nước; phát huy nguồn lực tri thức, tài chính, vai trò thúc đẩy đầu tư thương mại của kiều bào.
Công tác người Việt ở nước ngoài cũng sẽ chú trọng hỗ trợ cộng đồng với các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại của kiều bào gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật.
Chương trình Xuân Quê hương 2023: "Đất nước niềm tin và khát vọng"
Đó là chủ đề của Xuân Quê hương 2023, sẽ được tổ chức vào ngày 14/1 tới (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. Khoảng 3.000 đại biểu sẽ tham dự chương trình, trong đó có 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình Xuân Quê hương 2023 sẽ duy trì tổ chức các hoạt động truyền thống như dâng hương, thả cá chép; hoạt động tri ân như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ lãnh đạo Đảng Nhà nước; liên hoan ẩm thực Việt; Chủ tịch nước chúc Tết bà con kiều bào tại chương trình giao lưu nghệ thuật hoành tráng, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4, các nền tảng hạ tầng số.
Bên cạnh đó, Xuân Quê hương 2023 còn một số hoạt động bên lề tổ chức từ ngày 13/1 dành cho kiều bào, như tọa đàm của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội với đoàn kiều bào tiêu biểu về chính sách pháp luật đối với người Việt ở nước ngoài; chương trình gặp mặt lãnh đạo Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và vinh danh kiều bào tiêu biểu; chương trình Hội chợ Xuân "Happy Tết 2023" với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội; lễ thả cá chép truyền thống tại Ao Sen trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – nghi lễ do Chủ tịch nước chủ trì tại Ao Sen, dấu tích dòng sông cổ trong Hoàng thành.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT