Không thể phủ nhận việc quảng bá tiếp thị tốt sẽ góp phần rất lớn vào thành công về mặt doanh thu của một bộ phim. Thế nhưng bản thân nó không thể là “chiếc đũa thần” hô biến một tác phẩm dở thành hay, thậm chí còn trở thành con dao hai lưỡi nếu quá lạm dụng.
Phim VN đang bước vào guồng máy cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn (nhất là phim truyền hình) vì vậy các hãng phim cũng phải năng động hơn, tìm ra nhiều hình thức độc đáo để quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm của mình. Qua rồi cái thời khán giả biết đến một bộ phim trước khi ra rạp chỉ thông qua một vài tờ rơi hay tấm áp phích quảng cáo, phim Việt ngày nay có nhiều cách để gây chú ý cho khán giả hơn, thậm chí ngay từ khi phim còn chưa bấm máy.
Muôn kiểu lăng xê
Bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau vừa phát sóng tập đầu tiên vào ngày 27-4 là bằng chứng mới nhất cho một phim truyền hình được quảng bá, tiếp thị chu đáo và chuyên nghiệp. Một tháng trước khi phim lên sóng, nhà sản xuất (Hãng phim Việt) đã tổ chức hẳn một chuyến đi đến Đà Lạt dành cho hơn 30 phóng viên của cả hai miền Nam, Bắc để tham dự buổi họp báo ra mắt và tham quan phim trường.
Lễ ra mắt bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau tại Đà Lạt |
Kết quả là phim chưa ra mắt thì dư luận đã nóng lòng chờ đợi thưởng thức một bộ phim Hàn nói tiếng Việt như lời mô tả của nhiều bài báo. Trước Có lẽ nào ta yêu nhau, Hãng phim Việt cũng từng thực hiện chiến dịch PR rầm rộ cho nhiều bộ phim khác của mình như Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc (truyền hình), Đẹp từng centimet (nhựa) từ cách làm truyền thống là tổ chức tham quan phim trường, chiếu ra mắt hoành tráng... cho đến cả những cách “không đụng hàng” như tổ chức đám cưới cho hai nhân vật trong phim (Đẹp từng centimet).
Một đơn vị khác cũng rất chuyên nghiệp trong việc PR cho phim của mình là Hãng Thiên Ngân, từng tuyên truyền cho phim chiếu tết Giải cứu thần chết, bằng cách tổ chức nhiều hoạt động, như thi thiết kế tờ rơi cho phim, tổ chức tour giao lưu với ê kíp làm phim tại các rạp lớn trong TP, tuần lễ chiếu lại phim Nụ hôn thần chết...
Đa dạng poster phim Giải cứu thần chết |
Một số hãng khác cũng từng có cách PR độc đáo, chẳng hạn hãng Phước Sang đã phối hợp với một nhà tài trợ dán tờ rơi quảng cáo phim Phát tài lên 10.000 mũ bảo hiểm và hơn 1 triệu tem dán mũ bảo hiểm có hình phim này được phát miễn phí...
Câu khách bằng gây sốc
Không chỉ các nhà sản xuất mới quan tâm đến công tác PR cho phim, ngày nay đạo diễn, diễn viên cũng rất biết tận dụng mọi cơ hội để khán giả chú ý đến phim của mình. Ngôi nhà hạnh phúc còn chưa quay thì gần cả tháng nay trên các mạng điện tử đã thấy cô ca sĩ Thủy Tiên có mặt hầu như liên tục, chỉ với một đề tài: tình yêu với cầu thủ Công Vinh. Phim Trung úy (nhựa) chưa ai biết mặt mũi ra sao thì nữ ca sĩ-diễn viên Quách An An cũng không ngừng úp mở chuyện đóng cảnh “nóng” vất vả ra sao...
Đạo diễn và các diễn viên chính trong Ngôi nhà hạnh phúc (từ phải sang: đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, ca sĩ Minh Hằng, nhà báo Lương Mạnh Hải, ca sĩ Lam Trường, ca sĩ Thủy Tiên) |
Diễn viên lôi cuốn sự chú ý bằng cách phơi bày chuyện đời tư, còn đạo diễn khoái phát ngôn gây sốc. Trả lời trong buổi họp báo ra mắt đoàn làm phim Thiên thần áo trắng, đạo diễn Lê Hoàng nói: “Tôi làm phim truyền hình vì thấy phim truyền hình VN dở quá, nhất là phim cho tuổi teen”. Câu nói của Lê Hoàng không chỉ khiến người trong giới mà cả khán giả cũng choáng.
Không hề thua kém Lê Hoàng trong khoản bạo ngôn là đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - người sắp làm Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt - với những tuyên bố giật gân kiểu: “Làm phim được khen dễ lắm” hay “Không làm Ngôi nhà hạnh phúc nếu thiếu Lương Mạnh Hải”... Ở phía Bắc có đạo diễn Hà Sơn với câu nói “cực sốc” về bộ phim Trung úy của mình: “Bạo lực + tình dục = phim của tôi”.
Đạo diễn Lê Hoàng phát biểu gây sốc trong buổi họp báo ra mắt đoàn làm phim Thiên thần áo trắng: “Tôi làm phim truyền hình vì thấy phim truyền hình VN dở quá, nhất là phim cho tuổi teen” |
Phản tác dụng
Không thể phủ nhận việc quảng bá tiếp thị tốt sẽ góp phần rất lớn vào thành công về mặt doanh thu của một bộ phim. Thế nhưng bản thân nó không thể là “chiếc đũa thần” hô biến một tác phẩm dở thành hay, thậm chí sẽ còn trở thành con dao hai lưỡi nếu quá lạm dụng.
Gần nhất là trường hợp phim 14 ngày phép. Buổi ra mắt phim được tổ chức cực kỳ lộng lẫy, xa hoa tại cụm rạp Megastar - Sài Gòn Paragon ở khu Phú Mỹ Hưng sang trọng mà mỗi vé mời khách tham dự trị giá lên đến 200 USD (bao gồm các phiếu quà tặng và một bữa tiệc chiêu đãi sau khi xem phim ở một nhà hàng cao cấp.
Cảnh trong phim 14 ngày phép |
Chờ đợi đến hơn 3 giờ với nhiều tiết mục, nghi thức trịnh trọng mới được vào rạp xem phim, nhưng rốt cuộc 14 ngày phép lại gây thất vọng bởi cách kể chuyện quá cũ kỹ. Cũng mất điểm vì chất lượng sản phẩm không tương xứng với hình thức “bao bì” là phim Đẹp từng centimet. Khác hẳn với những lời quảng cáo “có cánh” trước đó, sau khi xem xong Đẹp từng centimet, nhiều khán giả cho rằng nên đổi tựa là “Nhạt từng centinmet” thì chính xác hơn! Không chỉ mất cảm tình với phim, khán giả còn ác cảm với cả những diễn viên, đạo diễn.
Quách An An (trái) trong phim Trung úy |
Phim Trung úy vẫn chưa chiếu nhưng trong mắt khán giả bây giờ hễ nhắc đến Quách An An dư luận chỉ nhớ đến hình ảnh một biểu tượng sex hơn là một ca sĩ - diễn viên thực thụ.
Tương tự, Thủy Tiên đã thể hiện rất xuất sắc các vai diễn trong Bỗng dưng muốn khóc và Sóng tình (đang phát trên HTV9) nhưng thử hỏi mấy ai nhớ nhân vật cô đóng, họ chỉ nhớ đến những xì-căng-đan tình cảm của cô. Đạo diễn Lê Hoàng cũng vậy, không ai có thể phủ nhận anh là một trong rất ít đạo diễn có tài nhưng cũng không ai có thể có thiện cảm trước kiểu phát ngôn coi trời bằng vung của anh...
Đã xưa rồi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” hay “chỉ có phim dở mới cần quảng cáo”, thế nhưng quảng cáo thế nào để khán giả cảm thấy không bị lừa có lẽ là điều mà các nhà làm phim vẫn còn phải nghiên cứu nhiều.
Theo Người lao động.