Trong số 185 bếp ăn tập thể ở các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), chỉ có 112 bếp được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Từ nhân nhượng trong xử lý…
Ngày 25/3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) về vấn đề VSATTP tại các KCX, KCN.
Theo thống kê của HEPZA, chỉ trong một năm, ở các KCX, KCN đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 700 công nhân bị ngộ độc.
Đoàn thanh tra của Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác VSATTP tại 83 doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn và nhận suất ăn từ bên ngoài. Đã xử phạt 49 doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh với tổng số tiền hơn 200 triệu.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã hết hạn đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với các bếp ăn tập thể nhưng đến nay vẫn còn nhiều cơ sở chưa chịu đăng ký.
Việc các bếp ăn không đăng ký VSATTP là sai quy định nhưng việc xử lý vẫn còn bị bỏ ngỏ. Những cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, trong khi công nhân phải hàng ngày đối diện với tình trạng ngộ độc thực phẩm rình rập.
“Việc bếp ăn tập thể không có giấy chứng nhận VSATTP thì chỉ có thể xử phạt về tội không có giấy, khi thấy xảy ra vấn đề nghiêm trọng thì mới tạm đình chỉ hoạt động được” - ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế phân trần.
“Nhiều cơ sở chưa có giấy chứng nhận VSATTP nhưng rất áy náy trong việc giải quyết mạnh tay vì nếu đóng cửa các bếp ăn đó thì công nhân sẽ không có chỗ ăn” - ông Lê Văn Tiếp - Phó trưởng ban HEPZA đồng tình.
Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu HEPZA tổ chức cho mỗi KCX, KCN có một bếp ăn tập thể nhằm đảm bảo VSATTP. Nhưng đến nay, việc thực hiện yêu cầu trên vẫn đang là bài toán khó và gần như rơi vào bế tắc.
Theo ông Tiếp, nguyên nhân là do không còn quỹ đất để xây dựng bếp ăn tập thể; kết cấu hạ tầng của các KCX, KCN đã cũ, khi thiết kế không tính toán vấn đề này nên không phù hợp để xây dựng; có những khoảng đất trống nhưng dùng để trồng cây xanh, công viên…
…đến coi nhẹ vấn đề VSATTP
Những khó khăn mà HEPZA lý giải cho việc không thể thành lập bếp ăn tập thể cho 3 KCX và 12 KCN trên địa bàn thành phố đã gặp phải những phản ứng từ phía các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội.
“Chúng tôi không đồng tình với lý giải của HEPZA về nguyên nhân không thực hiện được bếp ăn tập thể cho mỗi KCX, KCN theo yêu cầu của Sở Y tế. Có thể dùng quỹ đất dành cho trồng thảm cỏ, cây xanh… để xây dựng bếp ăn trước vì đây là vấn đề rất quan trọng” - ông Nguyễn Văn Minh - Ban Văn hóa - Xã hội nói.
Cũng theo ông Minh, bếp ăn nào không đủ điều kiện VSATTP phải phối hợp kiểm tra, yêu cầu đóng cửa đối với cơ sở đó, không nhân nhượng. Sau đó tiến hành cho các công ty phục vụ suất ăn công nghiệp đã đảm bảo vệ sinh đấu thầu cung cấp suất cơm cho công nhân.
|
Gần 300 công nhân Công ty Pousung VietNam bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu. (Ảnh: Quốc Quang) |
“HEPZA coi nhẹ việc thực hiện VSATTP quá, chưa kiên quyết trong công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm” - ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Ban văn hóa - Xã hội nhấn mạnh.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có quan điểm đứng về phía người lao động, cần can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho công nhân.
Theo ông Nghĩa, việc quản lý VSATTP không nên chỉ giải quyết vấn đề xảy ra ngộ độc cấp tính mà phải biết nhìn vào những tác hại mãn tính, mang mầm bệnh trong cơ thể từ việc thiếu vệ sinh gây ra.
“Tôi chính thức phê bình HEPZA về công tác quản lý trong lĩnh vực VSATTP. Phải nghiêm túc nhận khuyết điểm sửa sai” - ông Minh thẳng thắn.
Theo Vietnamnet.