Tăng hay phá giá VNĐ?Nhóm 9 giải pháp kích cầu đầu tư vẫn chưa làm rõ được mục tiêu cụ thể trong bối cảnh hiện nay.

Chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng chiến lược giảm giá. Việc hỗ trợ sản xuất trong nước chưa đủ mạnh nên sản phẩm kém cạnh tranh.

Hội thảo khoa học quốc gia về ngăn chặn suy giảm kinh tế đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN và ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức hôm 9-5, tại Hà Nội. Các gói kích cầu hiệu quả đến đâu; sau các gói kích cầu vừa qua, cần thêm những giải pháp nào để sớm phục hồi nền kinh tế... là những câu hỏi lớn được các nhà kinh tế đặt ra tại hội thảo.

Coi chừng hàng Trung Quốc hưởng ưu đãi kích cầu

GS-TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sau khi phân tích kinh nghiệm kích cầu từ các nước khác, đã đánh giá nhóm 9 giải pháp kích cầu đầu tư vẫn chưa làm rõ được mục tiêu cụ thể trong bối cảnh hiện nay.

Định hướng đầu tư vẫn theo tư tưởng dàn trải, chú trọng giải ngân vốn hơn là việc tái cơ cấu các khoản đầu tư. GS-TS Nam cảnh báo về việc chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh các mặt hàng chiến lược giảm giá, thậm chí còn tạo cơ sở cho DN tăng giá, như trường hợp EVN tăng giá bán điện.

Việc hỗ trợ lãi suất 4% và 6 nhóm giải pháp của chính sách tiền tệ còn bị hạn chế bởi chi phí lãi suất chỉ chiếm khoảng 5% giá thành. Trong khi đó, trong thời gian đầu, VN chỉ duy trì hỗ trợ lãi suất cho DN đến cuối năm 2009 (hiện đã kéo dài đến hết 2010)- khoảng thời gian quá ngắn.

Thậm chí, mức hỗ trợ 4% vẫn chưa thực sự phù hợp, các khoản vay để đầu tư mới và phát triển hạ tầng cần có mức hỗ trợ cao hơn. Việc hỗ trợ sản xuất trong nước chưa đủ mạnh nên sản phẩm kém cạnh tranh. Nếu không cẩn thận, kích cầu sẽ khuyến khích tiêu dùng hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng cho rằng nếu không có định hướng và giải pháp tốt, đối tượng được hưởng ưu đãi kích cầu chủ yếu sẽ là hàng Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, ông Vũ Duy Thái, đề nghị để việc hỗ trợ tài chính được công bằng và đỡ vướng mắc về kỹ thuật, nên giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN vừa và nhỏ, bắt đầu từ quý I/2008 đến hết lộ trình của Chính phủ đề ra.

Đồng thời, mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm 50% thuế GTGT cho hàng hóa vật liệu và dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu; mở rộng diện được hỗ trợ 4% lãi suất cho một số ngành hàng có ảnh hưởng lâu dài đến tăng trưởng và tính cạnh tranh cao.

Cơ hội tăng giá VNĐ?

Tại hội thảo, đã có không ít khuyến nghị về việc nới rộng tỉ giá hối đoái, thậm chí tính tới phương án phá giá đồng tiền VN (VNĐ). Kinh tế gia, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng tiếp cận theo chiều hướng ngược lại: Nếu giảm giá mạnh VNĐ với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu thì phải đáp ứng điều kiện cực kỳ ngặt nghèo là hàng xuất khẩu phải co dãn theo giá.

Trong khi đó, theo cơ cấu hàng xuất khẩu của VN, nông -  thủy sản, hàng may mặc, sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp chiếm một phần đáng kể. Đây là những mặt hàng có cầu hầu như ít co dãn theo giá, nên giảm giá chưa hẳn đã tăng cầu.

Hiện nay, 50% hàng xuất khẩu của VN thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu giảm giá VNĐ có thể làm cho giá hàng xuất khẩu giảm, song mức độ bán hàng trên thị trường nước ngoài không tăng. Cộng với hàng loạt lý do khác, ông  Nguyễn Thường Lạng cảnh báo việc giảm giá VNĐ vừa không đạt mục tiêu vừa có thể bị các nước trả đũa mạnh, lại tăng lạm phát nhập khẩu, gây bất ổn giá trong nước.

Theo ông Lạng, việc nâng giá VNĐ góp phần giảm đáng kể các khoản nợ nước ngoài, làm tăng nhập khẩu hàng hóa tăng thâm hụt thương mại. “Cơ hội để nâng giá VNĐ rất ít khi xảy ra trong lịch sử từ khi phát hành đến nay.

Chính phủ có gói kích cầu trực tiếp trị giá 1 tỉ USD đã tạo lòng tin của người dân và DN vào năng lực điều hành và những phản ứng chính sách tích cực và kịp thời. Nhân cơ hội này, nâng giá VNĐ sẽ tạo lòng tin vào khả năng tăng vị thế của VNĐ so với các đồng tiền khác” - ông Lạng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc nâng giá tương đối VNĐ so với USD cũng sẽ làm xuất hiện tình trạng dư cầu ngoại tệ rất lớn, đòi hỏi phải sử dụng một lượng dự trữ ngoại tệ lớn để điều tiết. Nếu VNĐ được nâng giá quá cao sẽ tạo nhu cầu về ngoại tệ càng lớn và lúc đó, áp lực phá giá VNĐ sẽ tăng lên.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương (Vietinbank) cho biết lượng ngoại tệ các cá nhân, tổ chức đang gửi trong các ngân hàng thương mại tới 14 tỉ USD và vài tỉ USD tiền mặt khác được lưu thông ở VN. Lượng USD này có thể tạo một “gối bảo hiểm” nếu nợ nước ngoài gặp khó khăn, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, Nhà nước có thể có chính sách khuyến khích để huy động.

Theo Người lao động.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC