Biển quảng cáo của các cửa hàng thuê công ty quảng cáo làm, do người dân tự chế có nội dung sai lỗi chính tả hoặc gây khó hiểu cho người xem vẫn xuất hiện nhan nhản trên đường phố Hà Nội.
"Sửa ti chất lượng, tại nhà!"
Nếu như để ý một chút, người đi đường sẽ dễ dàng bắt gặp những biển quảng cáo kiểu này.
Hai chỗ sửa xe đạp
Lỉnh kỉnh đồ nghề bày biện trước cổng trường Học viện An Ninh (Thanh Xuân – Hà Nội), bác Nguyễn Văn Trung tỏ vẻ ngập ngừng khi được hỏi về lỗi sai trên tấm biển quảng cáo. Trên hai tấm nhôm được gắn với nhau một cách sơ sài nổi lên hàng chữ đỏ được viết cẩu thả: “Xửa xe, lau dầu mỡ, cân vành”, "Xửa xe, bơm vá xe máy – xe đạp”.
Bác Trung lau vội đôi tay còn bám đầy dầu mỡ nói như thanh minh: “Cái biển này tôi tự làm lấy, mọi người đi qua có mấy ai để ý tới nó đâu, nhìn vào đống đồ nghề này là đủ biết tôi làm gì rồi mà”.
Có một số trường hợp nhiều chữ cái trên biển quảng cáo biến mất để lại những tình huống dở khóc dở cười. Trong một ngõ nhỏ của phố Huỳnh Thúc Kháng, ai nhìn thấy tấm biển treo trên cột điện quảng cáo sửa chữa Tivi làm cho nhiều người phải để mắt đến.
Chẳng hiểu vì chủ tấm biển ấy đã đổi nghề, hay vì mưa nắng dãi dầu mà chữ vi đã bị bong mất từ lâu, chỉ còn có chữ "Sửa chữa Ti… chất lượng, hiệu quả tại nhà".
"Xay bột trẻ em"
Không chỉ nhầm lẫn những lỗi chính tả như “tóc soăn”, “Thay bin đồng hồ”… ở một số biển quảng cáo còn viết những câu không đầy đủ ngữ pháp gây nên sự khó hiểu cho người đọc, chẳng hạn như “Tổ dịch vụ thương binh nặng” , “Xay bột trẻ em”, “Xí nghiệp sản xuất thương binh nặng”…
|
Trẻ em đi qua không dám nhìn |
Cụm từ “Xay bột trẻ em” kinh điển trong những câu chuyện tiếu lâm vẫn được ghi trên quảng cáo của cửa hàng Quân Béo, 50 Châu Long – Ba Đình, ngay gần trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba.
Tấm biển do làm từ lâu nên có chữ bị bong tróc nhưng mọi người vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng. Chị chủ quán cho biết: “Cửa hàng của chị làm dịch vụ này đã được hơn 6 năm, quán đặc biệt đông khách vào mùa hè”. Khi được hỏi về tấm biển quảng cáo của cửa hàng, chị cười nói: “Ở cửa hàng chị không chỉ xay bột trẻ em mà còn xay bột người lớn nữa”.
Có cùng cấu trúc ngôn ngữ với cụm từ “Xay bột trẻ em” là cụm từ “Tố dịch vụ thương binh nặng “ trên tấm biển quảng cáo đầu ngõ 31 Kim Mã – Ba Đình. Vì hàng dưới của tấm biển là “Nhận trông giữ và rửa xe ô tô 24/ 24” nên nghĩ mãi thì người đọc cũng lờ mờ hiểu theo nghĩa : đây là "Những dịch vụ do thương binh nặng làm, chứ không phải dịch vụ phục vụ thương binh nặng.
Những trường hợp sai lỗi chính tả ở những biển quảng cáo lớn thường không phải là do người dân tự làm mà chủ cửa hàng thuê các công ty quảng cáo. Lúc mới nhận về họ thường không để ý đến các lỗi sai đấy, nhưng khi phát hiện ra thì cũng chẳng mấy ai mặn mà với việc sửa lại cho đúng.
Chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Xuân – Hà Nội) bày tỏ: “Người đi đường thường không chú ý đến những lỗi sai như thế, nhưng nếu nó xảy ra nhiều sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và đến ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của nhiều người”.
Theo bee.net.