TP.HCM là nơi có nhiều khu quy hoạch cũng là nhiều dự án treo nhất nước. Khi nào quy hoạch treo vẫn còn thì những khổ ải, nhọc nhằn vẫn còn cứ đeo đuổi, cuộc sống không bao giờ yên.
Không thể ngay một lúc thực hiện tất cả các dự án hoặc xóa tất cả các khu “treo”. Tuy nhiên, nếu chính quyền thực tâm lắng nghe, cũng có thể có cách hỗ trợ để cư dân sống được thuận lợi và yên tâm. Hai nguyện vọng lớn nhất của người dân sống trong các khu quy hoạch là cần được minh bạch thông tin, và được thực hiện các quyền lợi hợp pháp như sửa chữa, xây dựng nhà để ở.
Tù mù thông tin, sống trong nơm nớp
Một khi Nhà nước ban ra cái lệnh “quy hoạch”, là toàn bộ sinh hoạt trong khu vực bị đình trệ. Như một cái án treo trên đầu, người dân sống trong chính ngôi nhà, miếng đất của mình nhưng vẫn cứ lo âu không biết sẽ bị đuổi đi khi nào.
Tuy nhiên, quy hoạch cũng không đáng sợ, mà lo nhất là quy hoạch như thế nào, thực hiện ra sao, người dân trong khu vực cũng tăm tăm mù mù, khiến không ai yên tâm, và cán bộ có dịp nhũng nhiễu dân.
Một lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết, quy hoạch cây xanh ở cù lao Ấp Doi đã hủy bỏ và thay vào đó sẽ xây dựng nơi đây thành khu dân cư nhà vườn sinh thái, nhưng thông tin này người dân trong khu vực không hề hay biết.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, 103/8A Văn Thân, P.8, Q.6 kể rằng, khi ông hỏi Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM về quy họach nơi ông ở, cán bộ Sở chỉ về Phòng Quản lý đô thị quận, còn Phòng QLĐT quận trả lời là đang đợi Thành phố. “Cuối cùng, tôi không biết là cơ quan nào phụ trách việc này”.
Tình trạng sở chỉ về quận, quận chỉ lên sở phổ biến như cơm bữa, mặc dù đã có quy định cung cấp thông tin. Có những khu quy hoạch đã được xóa, nhưng nếu sở và thành phố không có văn bản thì quận cũng không bao giờ dám xác nhận với dân. Còn việc sở đã có văn bản trả lời là đã xóa treo nhưng quận vẫn ậm ừ không cấp phép như trường hợp bà Thanh, bà Lan cũng không phải là hiếm.
Một người dân tên Việt ở đường HT37 phường Tân Thới Hiệp, Q.12 phản ứng: “Chúng tôi muốn quy hoạch khu nào, vào mục đích gì thì phải công bố chính thức cho dân được biết. Còn nơi nào không làm đến thì phải xóa bỏ và cho dân được biết. Không nên để úp mở, tạo đìều kiện cho kẻ biến chất trục lợi”.
Không được tước đoạt quyền làm chủ tài sản
Cư dân trong các khu quy hoạch cho rằng, họ chấp nhận chủ trương, quyết định của thành phố nhưng phải được chấp nhận các quyền lợi hợp pháp như sửa chữa nhà cửa. Trường hợp quy hoạch dài hạn, người dân vẫn phải được cấp các thủ tục sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
|
Bên trong một căn nhà trong khu quy hoạch treo ở Bình Chánh. (Ảnh: Đặng Vỹ) |
“Rõ ràng căn nhà này là của tôi, tôi đã xây dựng và ở đây từ trước năm 1960. Sao khi quy hoạch, bỗng dưng tôi không được quyền làm sở hữu nhà? Như vậy khác nào chúng tôi bị tước đoạt quyền làm chủ, quyền định đoạt tài sản của mình?”, một cư dân trong khu quy hoạch công viên cây xanh ở quận Thủ Đức thắc mắc.
Theo quy định của Nghị định 181 năm 2003, Nghị định 84 năm 2006 của Chính phủ và Chỉ thị 30 năm 2003 của UBND TP.HCM, trong khu quy hoạch chưa được thu hồi đất, người dân có quyền sửa chữa, có quyền xây dựng nhà cấp 4 để ở; các dự án sau 3 năm có quyết định thu hồi đất phải xóa treo… Tuy nhiên, việc này gần như không được chính quyền thực hiện.
Xóa "tư duy treo"
Theo Q.Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, ông Trần Chí Dũng, đội ngũ chuyên viên phụ trách công việc này của các quận, huyện còn non tay, trình độ thấp. Các đơn vị tư vấn vừa yếu nghiệp vụ lại vừa thiếu nên không thể hoàn thành công tác quy hoạch theo tiến độ.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng: "những cấm đoán về việc sửa chữa, cải tạo nhà ở, không cho chuyển nhượng... gây phiền hà cho người dân, là vi phạm pháp luật”. Ông còn cho biết, người dân có nhu cầu cấp thủ tục nhà đất có quyền khiếu nại, đề nghị xử lý hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 175 Nghị định 181.
Muốn xóa quy hoạch treo, trước hết phải xóa "tư duy treo". (Ảnh: Đặng Vỹ) |
Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa cho rằng, chính quyền thường đổ cho hàng loạt lý do khách quan mà không bao giờ chịu nhận lỗi về mình. “Lý do có thể phân tích sau, nhưng trước hết phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”.
Theo ông Khoa, một trong những lý do không kém phần quan trọng là tình trạng vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ. Ông chỉ ra tình trạng khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quy hoạch đã bao nhiêu năm không thực hiện, mà chính quyền cũng không trả lời là có xóa hay không, khiến người dân trong khu vực này sống trong chen chúc, đi thì cũng dở, ở không xong.
Chính vì vậy, muốn tháo dỡ quy hoạch treo, giải pháp đầu tiên và then chốt là tháo dỡ lối tư duy làm việc của cán bộ.
“10 năm sống trong môi trường quản lý Nhà nước về nhà đất, tôi thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Nhiều khi không phải do vướng quy hoạch mà là vướng cái kiểu làm việc quan liêu, sách vở, ấu trĩ của không nhỏ lực lượng cán bộ cũng như lãnh đạo địa phương”, một cán bộ làm trong lĩnh vực quản lý đô thị đã từng phát biểu.
Theo Vietnamnet.