Sập cầu, TNGT và hàng ngàn loại tai nạn “trên trời” rơi xuống gây tổn hại cho đất nước, gây đau thương cho hàng ngàn gia đình. Vậy mà có những kẻ lợi dụng những tai nạn này để kiếm tiền trên nỗi đau của người khác.
Ngay sau khi vụ nổ ở Hà Nội vừa đăng tải, nhiều người đã tổng hợp clip camera an ninh, hình ảnh máu me, tan nát rồi tung lên mạng youtube với lời lẽ vô cùng rùng rợn:
“Nổ ở Hà Nội, thi thể văng lên nóc nhà”, “Toàn cảnh hiện trường, thương vong vụ nổ khủng khiếp…”.
Sau đó, những hình ảnh tang thương, mất mát sau vụ nổ tràn khắp các diễn đàn, các trang facebook và đi kèm những lời bình rất khiếm nhã, chửi bới người đã khuất với những lời lẽ tục tĩu vì đã gây ra vụ nổ.
Gần đây nhất, nhiều người cảm thấy rùng mình, lạnh cả người và không tin tại sao lại có những người vô cảm đến mức đủ can cảm ngồi tổng hợp những góc quay vụ tai nạn khiến 3 người tử vong ở Hà Nội!
Hiện trường vụ xe Camry gây nạn ở Hà Nội
Ngay sau đó clip này được đưa lên youtube và đã thu hút gần triệu lượt xem - một con số không nhỏ. Ở clip này người ta tổng hợp rõ nét, rõ góc từ khi chiếc xe Camry bắt đầu tăng tốc độ đến cảnh gây tai nạn ra sao.
Ngoài ra, rất nhiều báo mạng, trang mạng, “hot face” liên tục đăng tải đoạn clip người phụ nữ bị hất tung với những tiêu đề như “Clip khoảnh khắc xe Camry đâm 3 người tử vong” hay “Clip cảnh 3 người chết bị tông bay lên không trung” để câu lượt truy cập.
Bên cạnh đó, cảnh tai nạn thương tâm, xác người phụ nữ nằm trơ giữa đường, cảnh xe máy ngổn ngang, tràn ngập các trang facebook với mục đích câu like và vô số những bình luận kiểu “đi bộ không đúng phần đường chết cũng đáng”.
Tim tôi thắt lại khi đọc dòng chia sẻ của cô giáo trường mầm non nơi cháu bé trong vụ tai nạn theo học. Cô nói, thấy người phụ nữ còn thoi thóp, cháu bé vẫn còn động đậy nhưng cô kêu công an nhờ gọi cứu thương nhưng được trả lời là giữ nguyên hiện trường chờ cảnh sát đến. Cô đón 2 chiếc xe nhờ đưa cháu bé đi bệnh viện nhưng xe nào cũng phớt lờ và đi thật nhanh.
Xem nhiều chia sẻ trên mạng, người ta không khỏi giật mình khi người đàn ông mới sáng đã nát rượu được cho là cầm lái sau khi tông chết người còn bình thản xuống xe bấm điện thoại, còn người nữ đi cùng cũng chỉ biết ngăn cản người dân không cho ghi hình họ.
Có những nỗi đau tưởng chừng đã ngủ yên, thời gian đã giúp nhiều gia đình người gặp nạn vơi đi nỗi buồn, bắt đầu một cuộc sống dần yên bình trở lại . Thế nhưng, nhiều khi thức giấc nhiều gia đình nước mắt ngắn dài khi trên mạng lại xuất hiện tràn lan những hình ảnh tai nạn, những hình ảnh ghi lại cận cảnh tử thần đã cướp lấy sinh mạng của những người thương yêu, ruột thịt của mình như thế nào.
Người ta đã giật mình khi hình ảnh đau thương của 13 người đi đi cứu trợ đồng bào ở Miền Trung gặp nạn khiến 12 người tử vong ở Nha Trang vào năm 2006. Clip này được đăng tải trên Youtube với hơn 300.000 lượt xem và ghi rõ ràng là “clip hot nhất năm 2015”.
Hay cảnh một chiếc ô tô chạy với tốc độ chóng mặt tông nhiều người chết và bị thương ở Lạng Sơn gây tai nạn kinh hoàng xảy ra đã lâu nhưng nhiều người lại bới móc clip rồi đăng lên facebook. Chưa hết, những người này đã ghi những lời lẽ xấc xược và vô nhân đạo khi đăng clip: “Hãy like và share ủng hộ để chúng tôi có thêm động lực để đăng tiếp”
Điều có thể nhận thấy rõ nét sau vụ tai nạn đó là sự vô cảm của nhiều người từ hiện trường đến thế giới ảo. Một người nằm xuống là hàng chục người trong gia đình họ đau đớn đến hết cuộc đời. Bản thân những người thương yêu ruột thịt khi có người thân bị tai nạn luôn cảm giác phập phồng, bấn loạn trong từng giấc ngủ; ngơ ngác giữa tiếng còn inh ỏi không biết phải cho xe qua trái hay về bên phải.
Vậy mà, người ta lại sử dụng những hình ảnh tang thương ấy với mục đích kiếm tiền. Có thể mường tượng ra rằng dịch vô cảm dường như đang nở rộ trong xã hội chúng ta khi người ta chỉ biết đứng nhìn người bị nạn, lan truyền những hình ảnh đau đớn tột cùng. Khi độ nóng của một facebooker được đo bằng độ khủng của lượt like, share, comment… cũng là một dấu hiệu của loại dịch vô cảm đang bùng phát trong giới trẻ.
Ai cũng đứng nhìn, ai cũng vô tư chia sẻ, vô tư bình luận trước nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Vậy có ai nghĩ rằng chính mình, gia đình mình sẽ quằn quại, ngập ngụa trong nỗi đau trước sự vô cảm của đồng loại hay không?
Phạm Dũng - NLĐ