Tàu hỏa của Deutsche Bahn tại nhà ga ở Hagen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 26/3, nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn thông báo đã đồng ý với công đoàn GDL rút ngắn tuần làm việc của các nhân viên lái tàu, chấm dứt các cuộc đình công kéo dài hàng tháng trời trên khắp đất nước.
Tại họp báo ở Berlin, Giám đốc Nhân sự của Deutsche Bahn, ông Martin Seiler cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa hiệp thông minh.”
Ông Seiler khẳng định: “Các đồng nghiệp của chúng tôi có thể tự quyết định giờ làm việc hằng tuần phù hợp với họ và lối sống của họ nhất.”
Ông gọi đây là giải pháp “hiện đại” mang lại “sự linh hoạt” cho ngành đường sắt vào thời điểm nước Đức đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao.
Tuy nhiên, người lái tàu sẽ có quyền lựa chọn làm việc nhiều hơn nếu họ muốn, lên tới 40 giờ mỗi tuần, với mức lương cao hơn 2,7% cho mỗi giờ làm thêm.
Cũng theo thỏa thuận, người lao động sẽ được tăng lương 420 euro (455 USD) mỗi tháng theo 2 giai đoạn và khoản thanh toán một lần là 2.850 euro để giúp bù đắp lạm phát.
Thỏa thuận này chấm dứt tranh chấp gay gắt giữa nhà điều hành và công đoàn GDL dẫn đến 6 đợt đình công kể từ tháng 11/2023, gây khó khăn cho việc đi lại của hàng nghìn hành khách và làm gián đoạn giao thông vận tải hàng hóa. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực đến cuối năm 2025.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công trên nhiều lĩnh vực trong những tháng gần đây, bao gồm du lịch hàng không, giao thông công cộng, siêu thị...
Đình công hàng loạt đã làm trầm trọng hơn bức tranh kinh tế vốn đã ảm đạm. Tăng trưởng kinh tế Đức giảm 0,3% vào năm 2023 và dự kiến khả năng phục hồi khiêm tốn trong năm nay.
Công ty đường sắt Deutsche Bahn - đã thua lỗ ròng 2,35 tỷ euro vào năm 2023, cho biết chỉ riêng đợt đình công năm ngoái đã khiến họ thiệt hại khoảng 200 triệu euro./.
(TTXVN/Vietnam+)