Tôi chết lặng người bên bàn nước cùng ly cafe sữa đá đang uống dở khi lưới nhà của đội tuyển Việt Nam rung lên! Liếc sang mấy bàn bên cạnh, vẻ mặt của ai cũng như "các vị La Hán chùa Tây Phương". Những gương mặt nhăn nhúm, căng thẳng và trầm tư cứ hiện ra rõ rệt.
Đứa em gái thân yêu đưa tay bám chặt lấy tôi, chắc bởi cũng không thể tin vào giây phút và cảnh tượng vừa rồi là sự thật. Tôi cố gắng vớt vát một câu để an ủi và động viên cô em gái: Vẫn còn thời gian và cơ hội để làm nên chiến thắng mà em!
Cả một buổi trưa đến chiều, tôi bận rộn với chiếc điện thoại, vì gọi và nhắn tin hô hào người thân, bạn bè hãy cổ vũ cho đội tuyển. Tôi cũng đã bàn và quyết định với cô em gái rằng: hai đứa sẽ ra quán để xem tường thuật trực tiếp cho có hào khí sôi nổi. Thế nhưng, khi ra đến quán quen thì cả trong lẫn ngoài đều chặt cứng người và xe. Loáng thoáng, tôi thấy các phóng viên báo chí cũng đã chuẩn bị sẵn camera trong quán để ghi lại những hình ảnh sôi động của người hâm mộ.
Tôi chở em gái đi dọc con phố để tìm quán cafe . Đi mãi, quán nào cũng đông ních người. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng được dừng chân tại một quán ở cuối phố. Chọn được chỗ ngồi cũng khá đẹp, chúng tôi yên tâm rằng chỉ chốc lát nữa thôi, khi trận cầu kết thúc, ngoài đường, phố phường sẽ đông vui lắm...
Khi thủ môn Tấn Trường bị thương do va chạm, chúng tôi rất lo lắng. Vì nếu anh Trường đau quá không thể tiếp tục thi đấu, thì thiệt thòi không nhỏ sẽ đến với đội tuyển VN. Ngay lúc đó, bà chị thân yêu của tôi đang học khiêu vũ ở đâu gọi tôi hỏi một câu duy nhất: "Em ơi, bên nào đá vào đấy mà chị vừa nghe thấy hò reo dữ quá?". Tôi vội vàng trả lời cho xong: "Chẳng có ai cả. Chị nhảy tiếp đi, em bận xem đã nhé!''.
Lúc thấy anh thủ môn dự bị khởi động, có vẻ như chuẩn bị vào thay thế cho thủ môn đang bị đau, tôi gần như không dám thở. Lũ bạn ở ngoài Hà Nội gọi điện vào "khích bác" khiến tôi nuối tiếc rụng rời: Chị ơi, về Hà Nội đi! Lát nữa trận đấu kết thúc và VN giành cup vàng, thì ngoài đường sẽ đông vui lắm đấy!". Tôi cũng chỉ biết ậm ừ cho nhanh.
Thế rồi, 90 % niềm tin và hy vọng trong tôi lụi tàn khi lưới nhà "bị phản" . Biết là trái bóng tròn và điều gì cũng có thể xảy ra trên sân cỏ nhưng tôi chẳng thể vui được nữa. Thời gian không còn nhiều và các chàng trai của chúng ta dường như cũng chẳng còn hào khí hăng say như những trận đấu trước nữa. Tôi chẳng còn muốn đứng dậy ra về, khi ông trọng tài thổi vang tiếng còi kết thúc trận đấu. Đứa em gái yêu quý đỡ tôi đứng dậy và nói là chở nó đi ăn. Việc ăn thì vẫn phải ăn thôi, mặc dù chúng ta đã không chiến thắng!
Ra đến ngã tư một cảnh tượng không kém buồn "đập" ngay vào mắt tôi. Chị bán cờ tổ quốc đã trực chờ để bán cho người hâm mộ, đang thu dọn những lá cờ để mang về. Chúng ta đã thực sự không chiến thắng. Bình thường thì tránh, chẳng muốn nhìn mấy chú cảnh sát giao thông nhưng hôm nay, hình như các chú ấy cũng đang "thất nghiệp" thì phải. Việt Nam không chiến thắng thì lấy đâu ra mấy thằng đua xe để mà dẹp.
Ngồi ăn bánh xèo với cô em gái mà cái mặt tôi chẳng khác nào cái bánh xèo. Cố gắng nuốt nhưng chẳng khác nào đang nhai rơm. Nghĩ đến những lời nói của bà chị thân yêu và nhớ đến những cô gái của đội tuyển bóng đá nữ mà tôi thấy thương thay cho họ. Cũng là một môn thể thao vua và họ liên tiếp giành chức vô địch... nhưng sự quan tâm và ái mộ của mọi người dành cho họ thì quá mờ nhạt.
Lùng bùng trong tâm tưởng của tôi và những lời nói cuối cùng để chấm dứt cho sự nuối tiếc này với cô em gái: Nếu có thật nhiều tiền, thì mình sẽ tài trợ cho đội bóng đá nữ Việt Nam!
Lan Hương.