Cô giáo chủ nhiệm năm lớp bốn dừng bài giảng sau khi bước ra ngoài nói chuyện với một người đàn bà.
Hồi hộp lắm, chẳng hiểu có chuyện gì nhưng ba chị em cũng líu ríu bước ra cửa. Và tất cả sự tập trung của sáu con mắt ngơ ngác đổ dồn về người đàn bà.
- Ủa, lạ hoắc hà, đâu phải người nhà đâu?
Nhưng người-đàn-bà-không-phải-người-nhà ấy, cho đến tận hôm nay, 22 năm trôi qua, hình ảnh vẫn không một chút phai mờ. Bà mặc chiếc áo bà ba đen in bông to, quần lụa đen, tay cắp chiếc nón lá và một cái giỏ xách căng đầy. Tóc bà bới cao, cặp mắt ầng ậng nước trên gương mặt thất thần nhưng vẫn làm cho một thằng nhóc 9 tuổi nhận ra đó là một người đàn bà đẹp, đẹp sang trọng khi bà vận một bộ đồ tưởng như bình dị nhất.
Người đàn bà ấy, không ai khác, chính là người đã mang nặng đẻ đau ra ba chị em tôi, người mà lẽ ra chúng tôi sẽ gọi bằng mẹ hoặc má. Cho đến giờ phút ấy, chúng tôi vẫn không biết cách xưng hô, bởi lâu quá rồi, khái niệm về một người mẹ, người má cũng đã mất, đã tan hết rồi.
- Tụi con hổng nhận ra má sao?
Người đàn bà ngồi xuống ôm chầm lấy hai chị tôi, ba người khóc òa. Bà đưa mắt nhìn tôi, tôi đọc được một tiếng gọi nhưng bất giác lùi vài bước về phía sau, tựa lưng vào tường. Những bước đi giật lùi vô thức ấy đã giày vò tôi đến tận hôm nay. Giá như tôi cũng làm được như hai chị, cũng ôm chầm và khóc... có lẽ mẹ tôi sẽ thanh thản hơn, sẽ không thấy rằng sự quay về sao mà khó bởi người ở lại, có kẻ đã quên mình, quên thật rồi, thì về để làm gì.
Tôi không oán trách nửa lời nhưng sự vô cảm bên ngoài ấy chẳng khác nào cầm một con dao bén ngọt cắt đứt sợi dây dắt đường về của đôi bàn chân đã mỏi.
Tôi vẫn đứng đó với cặp mắt ráo hoảnh và quan sát ba người như một kẻ xa lạ. Tôi thấy hai chị mỗi người được cho một con búp bê tóc vàng xoăn tít giống nhau. Đó là hai con búp bê đẹp nhất tôi từng thấy, có lẽ hai chị cũng thấy vậy nên đã nín khóc rồi. Mẹ đứng dậy bước đến gần tôi chìa ra một gói nhỏ "của con nè Út". Tôi không đón nhận mà để bà đặt nó xuống chân mình.
Mẹ ôm tôi vào lòng, vuốt tóc và dặn ráng học giỏi lớn lên nuôi ba, nhớ đừng một mình băng qua đường, xe cộ nhiều lắm. Lúc đó tim tôi như nhói lại nên không nghe hai chị được dặn dò những gì.
Rồi mẹ lưng tròng cắp nón quay đi, cô giáo tôi ôm hai chị vỗ về.
Mẹ đội nón che xụp khuôn mặt bước nhanh đến chiếc xích lô đang đợi sẵn trước cổng trường.
Tôi vụt chạy theo, chạy nhanh lắm. Tôi níu mạnh áo bà làm những chiếc nút áo bà ba bung toạc ra và hỏi một câu đúng năm chữ:
- Rồi chừng nào về nữa?
Mẹ tôi không trả lời mà bưng mặt bước lên xe. Tôi đứng ngóng theo chiếc xích lô đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ, thật nhỏ. Và con đường bắt đầu nhòe nhoẹt. Trưa thứ bảy ấy, tôi thấy mình... mồ côi.
Tan học về nhà, tôi mang cái gói nhỏ trèo lên cây me nhìn xung quanh, biết chắc rằng không một ai thấy, không một ai có thể đe dọa lấy mất nó, tôi hồi hộp mở ra, chậm, thật chậm.
Một bịch trái vải khô.
Thèm thuồng lắm nhưng không dám ăn. Mãi nhiều năm sau này, rất nhiều lần mấy trái vải lên mốc, tôi mang từng trái ra lau sạch, phơi khô rồi lại mang giấu vào nơi bí mật nhất mình có thể nghĩ ra. Công việc đó được làm với một sự nâng niu tỉ mẩn tuyệt đối bởi với tôi, bịch trái vải khô ấy là tất cả tình yêu của một người mẹ, nó hơn cả một báu vật.
Và tôi bắt đầu thấy nhớ.
Lúc đó tôi ước đừng có cuộc trở về, đừng có cuộc gặp gỡ để sự bình yên trong tâm hồn đứa trẻ chín mười không mất đi quá sớm. Bởi tôi luôn đau đáu với những câu hỏi không biết giờ này mẹ mình đang làm gì, đang ở đâu, có thương có nhớ mình không.
Mà nhớ quá thì phải đi tìm. Chẳng biết đi đâu cả nhưng nghe người lớn trong nhà nói mẹ hình như ở đâu đó Xa Cảng miền Tây.
Ừ, thì đi.
Sáng chủ nhật sau, tôi thức dậy thật sớm, khệ nệ vác một bao bố trong đó có bảy trái dừa khô mang bán cho bà Bảy hàng xóm, cộng với ít tiền xin được của bà nội chiều qua, chắc đủ tiền mua vé xe rồi đây. Tôi lén nhà ra bến xe, chọn chiếc có chữ "Xa Cảng miền Tây" và phóc lên.
Và trưa ấy, bến xe miền Tây đón một thằng khách 9 tuổi đen thui đầu trần, quần xà lỏn đi lang thang, đến đâu cũng hỏi cô ơi, chú ơi, biết má con ở đâu hôn, má con vầy vầy vầy nè, má con đẹp lắm...
Sau trưa ấy tôi mới biết mình gọi người sinh ra mình bằng... má.
Vì thấy thằng Mười bạn thân đối diện nhà gọi vậy mà.
Những lời nói thêm:
Kể ra cũng lạ khi ba chị em ruột học cùng một lớp. Hai chị sinh đôi, thằng út nhỏ hơn một tuổi nhưng khi hai đứa con gái vào lớp một, ba cho thằng út vào theo để đỡ tốn tiền mua sách. Ba ơi, con ngưỡng mộ ba vô cùng. Nếu ba có đọc được những dòng này, ba cho thằng út xin lỗi vì đã trốn nhà đi một ngày 22 năm trước, nhe ba.
Lê Ánh Hồng Hải.