Góc tâm linh của người Việt ở DresdenTrung tuần tháng 5 vừa qua, Nhà văn hóa thành phố Dresden, Đức, tạm thời trở thành một ngôi chùa Việt với cờ Phật rực rỡ… Gần 300 người Việt đang sinh sống tại Dresden đã có mặt ở đây cùng hai hòa thượng đến từ Việt Nam.

Trong ngôi chùa Việt này, bàn thờ được bài trí trang nghiêm, những bài ca Phật giáo êm ả. Ngoài sảnh, các mẹ, các chị bày băng đĩa, cúng trái cây và các món đồ ăn chay. Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc mang 4 xe chở phông màn, cờ, phướn, băng rôn, đèn nến, tượng Phật, chuông mõ, đàn organ.

Hơn 20 phật tử của CH Séc tới đây cũng xúm vào giúp việc cùng ban tổ chức. Các bô lão đi xe hàng trăm cây số từ sáng sớm, không nghỉ ngơi, tất bật lo lắng, cặm cụi sửa vuốt từng nếp vải trải bàn Phật, chăm từng bông hoa, trái cây, sửa từng cây hương.

Bài giảng ngắn Tuệ giác trong Đạo Phật của hòa thượng đã khai tâm cho những người lần đầu đến với Đạo Phật, làm tan giá lạnh của một ngày mưa châu Âu.

Dresden cổ kính và hiền hòa từ bao năm đã trở thành quê hương thứ hai của hơn 1.200 người Việt Nam. Họ tới định cư, lập nghiệp bên bờ sông Elbe hiền hòa này, nhưng vẫn đau đáu nhớ về sông Hồng, sông Lam, sông Mã, sông Tiền, sông Hậu...

Sau bao lo toan chuẩn bị, căng thẳng, hồi hộp của những người tổ chức, lần đầu tiên Dresden được đón Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại Đức Thích Trí Chơn, người đang tất bật hoàn thiện ngôi chùa và lo toan công việc của Ban Đại diện Phật giáo quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Hơn 20 câu hỏi được chuyển lên ban tổ chức, nhưng Đại Đức Trí Chơn chỉ có thời gian giải đáp hai câu. Phật tử thật thấm sâu lời giảng của Đại Đức. Tất cả các dòng sông khi đổ vào với biển đều không còn mang tên riêng nữa. Đạo Phật cũng như biển lớn vậy. Đại Đức Trí Chơn ân cần dặn dò, trước khi xây chùa bằng xi măng, gạch ngói, ta phải xây dựng được một ngôi chùa trong tâm mỗi con người.

Sau buổi lễ, ông Chủ tịch Trung tâm Phật giáo Dresden xin gặp riêng Hòa thượng Thích Chơn Thiện để đàm đạo hơn 20 phút.

Sau lễ tắm Phật trang nghiêm, mỗi người tới dự đều được nhận lộc là chiếc bánh cốm Hà Nội mà hai Đại Đức mang sang. Nước mắt của Phật tử An Thiện - người đã về Việt Nam thỉnh các thầy sang, đồng thời kiêm trưởng ban tổ chức là những giọt nước mắt xúc động, mừng vui. Những người con Việt xa quê nay nhận ra nhau trong một niềm cảm thông yêu mến.


Theo AFP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC