Những ai tình cờ đi vào nhà văn hóa Sao Mai ở Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, Đức, hôm 3/10 vừa qua, có lẽ sẽ ngỡ ngàng tưởng mình lạc vào... Hội Lim, bởi vì họ gặp ở đây rất nhiều "liền anh, liền chị" đang hát quan họ trong ngày gặp mặt lần thứ tư của Hội đồng hương Kinh Bắc.
Một điều gây ấn tượng rất mạnh là có nhiều cháu, nam cũng như nữ, tuổi còn rất trẻ, có lẽ sang Đức từ khi rất nhỏ, thậm chí được sinh ra trên nước Đức cũng xúng xính trong bộ áo dài mớ ba, mớ bảy hoặc áo the, khăn xếp, hát quan họ.
Đây không phải là điều dễ, vì các cháu lớn lên trong môi trường văn hóa, xã hội Đức, quen nghe nhạc hiện đại, hàng ngày nói tiếng Đức nhiều hơn tiếng Việt, vậy mà vẫn biết nhấn nhá các làn điệu dân ca quan họ, chịu ăn mặc theo trang phục truyền thống, thì phải nói rằng có lẽ nền văn hóa dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt các cháu, hoặc nề nếp gia đình, môi trường các hội đoàn đã có tác động tích cực đối với các cháu.
Duy trì được không gian văn hóa dân tộc trong những buổi gặp gỡ như thế này phải kể tới những hoạt động tích cực của Hội đồng hương Kinh Bắc, trong đó có anh Nguyễn Hoàng Lê, người phụ trách văn nghệ của hội.
Anh Hoàng Lê cho biết, vốn xuất thân từ làng My Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, suốt 14 năm trong quân ngũ, anh hay tham gia các hoạt động văn nghệ, vì mọi người ai cũng bảo "là người Bắc Ninh thì phải biết hát quan họ" và thế là anh thuộc những làn điệu dân ca quan họ lúc nào không biết. Trong khi đó, công việc chính của anh là chữa bệnh cứu người.
Trong thời gian ở quân đội, thấy anh có kiến thức y thuật nhờ học được của ông ngoại, cấp trên đã cử anh đi học thêm về ngành y và anh đã may mắn có thời gian được học Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia hàng đầu về châm cứu ở Việt Nam. Từ đó, anh làm việc trong trạm xá của quân đội cho tới khi được xuất ngũ và sang Đức năm 1989.
Tới thăm gia đình, anh Hoàng Lê cho tôi xem những chứng chỉ học ngành y trước đây, những bức ảnh chụp Giáo sư Nguyễn Tài Thu và học trò, trong đó có anh. Anh tâm sự, anh rất biết ơn Giáo sư Nguyễn Tài Thu, người thầy đã tận tình chỉ bảo cho anh những bí quyết trong nghề châm cứu để anh có được những thành công như ngày nay. Không chỉ dừng lại ở những kiến thức học được trước đây, thỉnh thoảng anh lại dành thời gian để về nước thăm thầy và học hỏi thêm.
Sau khi có điều kiện đưa gia đình sang Đức từ những năm 1990, anh cùng các con gái thường xuyên đi hát quan họ ở nhiều nơi để phục vụ bà con người Việt, mang lại một chút tình cảm quê hương cho những người con xa xứ.
Sau khi Hội Thiện từ tâm ở Berlin ra đời, anh Hoàng Lê và các cô con gái Thanh Ngọc, Ngọc Trang và Lan Anh tích cực tham gia các hoạt động của hội, đi biểu diễn nhiều nơi, lấy tiền phục vụ cho các mục đích từ thiện của hội như mua xe lăn gửi về cho những người tàn tật trong nước, tặng tiền cho những trường hợp cần tiền để phẫu thuật tim cho các cháu bị khuyết tật bẩm sinh, xây nhà tình nghĩa...
Mặc dù rất bận rộn với công việc ở phòng khám, chữa bệnh đông y, châm cứu, bấm huyệt... là công việc chính hiện nay, nhưng nhờ sự giúp đỡ của vợ là Trần Thị Thoa, một người cũng trong ngành y và các con, anh Hoàng Lê vẫn dành hai tối thứ ba và thứ sáu trong tuần để dạy quan họ, đạo diễn và luyện tập chương trình biểu diễn cho các hội viên, đặc biệt là các cháu hội viên trẻ.
Anh cho biết, ban đầu cũng không dễ, vì các cháu còn ngại ngùng, nhưng rồi dần dần, phong trào đã thu hút các cháu, mỗi khi được đi biểu diễn là các cháu rất thích, tranh nhau đi.
Đặc biệt, sau khi quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại tháng 9/2009, mọi người Việt, đặc biệt là người Kinh Bắc càng cảm thấy tự hào về nền văn hóa độc đáo của mình và số người theo học quan họ ngày càng đông.
Về trang phục của các "liền anh, liền chị" như nón quai thao, áo mớ ba, mớ bảy, áo the, khăn xếp, anh Hoàng Lê cho biết, trang phục của anh và các con do anh tự mua từ Việt Nam mang sang và một số người yêu thích mang sang tặng, số còn lại do Hội Thiện từ tâm mua mang sang cho anh chị em mặc đi diễn.
Đây cũng là một vấn đề, vì số tiền bỏ ra tuy không lớn, nhưng mua ở Việt Nam và mang sang được Đức cũng khá kỳ công. Anh Hoàng Lê trầm ngâm tâm sự, anh sang Đức đã hơn 20 năm, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, mới hiểu được công ơn trời biển của những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, có đi xa mới càng thấu hiểu tình cảm quê hương gắn bó tới nhường nào, vì vậy, anh càng cố gắng đem những hiểu biết của mình về quan họ truyền đạt lại cho những người đồng hương, nhất là thế hệ trẻ để chúng gắn bó mãi với quê hương đất nước.
H.V
Theo TTXVN