Kiều bào Đức Thế Dũng viết văn để được "trải lòng"Cộng cảm với những mảnh đời, những thân phận của người Việt xa quê, nhà văn Thế Dũng, người Việt ở Đức dễ dàng trải lòng mình… và với ông, mỗi lần trở về quê nhà cũng là những lần để ông cảm nhận và viết.

 

Ngày 15/12, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây có buổi giới thiệu ra mắt cuốn tiểu thuyết của ông mang tựa đề: Một nửa lá số. Cuốn Tiểu thuyết này lấy cảm hứng từ bối cảnh ở Việt Nam và con người Việt Nam ở Cộng hòa Liên Bang Đức, là cách lý giải của ông về số phận con người.

Nỗi niềm xa xứ

Nhà văn Thế Dũng định cư ở Đức từ năm 1989. Khi mới sang, ông làm công nhân của nhà máy Phanh Cộng hòa Dân chủ Đức. Những năm tháng sống ở nơi xa xứ, ông đã phải trải qua nhiều công việc để tự mưu sinh như: làm công nhân vệ sinh trong các toa tàu, công sở, bán hàng... Khi vốn tiếng Đức đủ để ông tự tin hội nhập ở nước sở tại, ông vào làm việc trong các trung tâm tư vấn cho người nước ngoài.

Nuôi giấc mơ theo đuổi văn chương, ngay từ những bài thơ đầu tiên ông viết năm 13, 14 tuổi và cũng là những tác phẩm đầu tiên được đăng báo Văn nghệ trong nước. Và như duyên tiền định, mặc dù trong thời gian đầu mới sang Đức định cư, cuộc sống nơi đất lạ còn gặp nhiều khó khăn nhưng ông cũng vẫn luôn trăn trở, dằn vặt với những con chữ, những mảnh đời, những số phận tha hương, để rồi khi có thời gian, có điều kiện, những suy tưởng ấy lại hiện về, bật ra thành những vần thơ, những bản trường ca và cả những cuốn tiểu thuyết có sức sống, sức lay động và lản tỏa trong lòng bạn đọc.

 

Từ những năm 1990 cho tới nay, nhà văn Thế Dũng đã xuất bản hơn 10 đầu sách, nhiều tác phẩm của ông còn được dịch và phát hành tại Đức. Các tác phẩm chính có thể kể đến: Hoa hồng đến muộn (1990), Người phiêu bạt (1992), Mùa xuân dang dở (2003), Từ Tâm (2005); và 5 tập truyện, tiểu thuyết: Tiếng người trong đá Giáp Sơn (1993), Chuyện tình dang dở (2000), Hộ chiếu buồn (2003), Tình cuội (2006).

Trở về để... cảm nhận và viết

 

 

Đọc thơ và tiểu thuyết của ông, người đọc cảm nhận được từ ở đó không hẳn chỉ có nỗi buồn của người xa xứ mà ở đó còn là sự tìm về cái tính từ tâm, bản ngã của con người Việt. Với ông, “quê hương trong tâm cảm tôi là trạng thái thường trở đi, trở lại. Mằc dù sống ở nước ngoài hơn 20 năm nhưng cái tâm thế phương Đông, tâm thế của người Việt nó là cái căn cốt, giống như cái căn cước về tinh thần cố hữu.” Chính vì điều đó là thơ của ông thường có nhưng dự tính liên quan đối nỗi niềm của người xa xứ. Ông đã viết về Mỵ Châu Trọng Thuỷ, về xứ phương Đông với những câu thơ chất chứa nỗi niềm ám ảnh với hồn quê:“Giàu giây lát cũng là lời đứt ruột/Để tỏ lòng thăm thẳm với hồn quê”

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, dù công việc ở nơi xa xứ có bận rộn đến mấy, nhưng nhà văn Thế Dũng vẫn sắp xếp cho một một khoảng thời gian nhất định để trở về. Với ông, trở về để cảm nhận được sự bình yên sau mỗi sáng thức giấc, được về những miền quê thưởng ngoạn vẻ đẹp của cánh đồng chiều trong những mùa gặt để tận hưởng làn gió trong lành mang theo hương lúa mới và còn rất nhiều điều không thể nói thành lời, ông giữ lại cho riêng mình, và cứ thế quê hương được ông thẩm thấu rồi trải lòng bằng những vần thơ, những câu chuyện lãng mạn, nhưng chân xác như hời thở của cuộc sống.

Ông bảo: “Văn chương đối với ông là đời sống, hãy sống hết mình, xả thân vì cuộc sống và rồi hãy dũng cảm thuật lại một cách chân thực tất cả thì người đọc sẽ nhận diện được gương mặt của mình qua những tác phẩm ấy. Tôi đã và đang tập làm điều này trong những cuốn tiểu thuyết của mình”. Đó cũng là lý do khiến ông thường xuyên trở về, bởi với ông đời sống của đất Mẹ đã cho ông những cảm xúc thực trong tâm hồn, nó tiếp thêm nguồn nhựa sống để ông có thể viết những gì mình biết, những gì mình nghĩ và cả những khát vọng sống trong đời sống đương đại. Một nhà văn Việt xa quê hương, nếu không về, không năm bắt được cái hơi thở của quê hương, không hiểu được ngôn ngữ của lớp trẻ, cách ứng xử trong giao tiếp thì không thể viết về quê hương một cách chân thực …

Tuy chưa thể về sinh sống tại quê nhà, vì còn những công việc dở dang đang thực hiện ở Cộng hòa Liên Bang Đức nhưng trong dự tính của mình, ông sẽ trở về để thể thả bộ ra bờ sông Hồng cuộn đỏ phù sa, để được thong dong nơi phổ cố, hay được tận hưởng cái cảm giác se lạnh đầu đâu, thoang thoảng mùa hoa sữa nơi quán cóc ven đường, để cảm nhận và để viết.

Theo Đất Việt.

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC