Tháng 7-2009, thật vui khi tôi nghe tin Mai Linh - một sinh viên gốc Việt từng bỏ ngang việc học tại một đại học danh tiếng ở Hamburg - đã trở thành giảng viên của ba học viện thiết kế và mỹ thuật công nghiệp Đức.
Tôi không lạ gì Mai Linh. Năm Mai Linh 14 tuổi, cậu là tác giả trình bày bìa cuốn truyện ngắn Vàng xưa của tôi với kỹ thuật 3-D. Mang về VN bức tranh bìa sách ấy cùng nhiều bức ảnh chụp tranh khác của Mai Linh, từ chì than tới sơn dầu, họa sĩ Thành Chương xem xong nói: “Đây là một họa sĩ có tài!”.
Từ bức chân dung em trai
Mai Linh sinh năm 1984, sang Đức khi 5 tuổi. Bố mẹ Linh tới Đức lao động xuất khẩu năm 1988. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, gia đình Mai Linh như nhiều gia đình khác thất nghiệp, làm nhiều nghề kiếm sống và nay họ có một tiệm bán quần áo ở Moelln - thành phố nhỏ sát thành phố cảng Hamburg.
Ngay từ lúc 4 tuổi Mai Linh đã tỏ ra có năng khiếu hội họa. Ở trường tiểu học mỗi tuần chỉ có một giờ vẽ. Sau hơn năm, cậu lấy chì than vẽ đứa em ngồi học. Bức tranh bố cục rất lạ. Nhân vật giấu mặt, quay lưng lại, ánh sáng chiếu ngang làm thầy dạy vẽ ngạc nhiên. Thấy con thích vẽ, gia đình tìm một thầy dạy vẽ tại Moelln cho Mai Linh.
Sau nửa năm, ông thầy tuyên bố: “Tôi hết khả năng dạy con ông bà, hãy cho cháu lên Hamburg hay Berlin tìm thầy khác!”. Mai Linh không lên Hamburg. Tại Moelln, trong nhiều năm, ở tiểu học rồi trung học, cậu vẽ rất nhiều. Trong một ngày giúp mẹ trông cửa hàng, Mai Linh chả chào mời khách. Bất kỳ ai đi qua quầy trả tiền cậu đều tóm lấy họ đặt lên trên giấy. Khách thấy lạ quay lại, ai cũng nhận ra mình song hóm hỉnh và thật hài hước. Hôm ấy mẹ Mai Linh bán được nhiều hàng hơn.
Mai Linh nổi tiếng ở Moelln bắt đầu từ thời trung học phổ thông. Không chỉ trong trường, ở Moelln nhiều người biết tới họa sĩ nhí Mai Linh. Rồi chuyện ấy lan lên tới Hamburg vì nhiều khi cần tranh cổ động cho thiếu nhi thành phố, Hội đồng thanh thiếu nhi thành phố Hamburg lẫn Moelln đều đặt tranh apphich cho Linh vẽ. Thật ra năng khiếu chỉ một phần. Mai Linh dành tất cả tiền cha mẹ cho, cả tiền nhuận bút tranh, mua rất nhiều sách, kể cả những cuốn tiếng Anh rất đắt tiền dành cho họa sĩ chuyên nghiệp phân tích về giải phẫu học các sắc tộc khác nhau trên thế giới và về những vấn đề mới của nghệ thuật hội họa hiện đại.
Bản thiết kế 3D rồng vàng bay lên của Mai Linh cho chương trình quảng cáo truyền hình ZDF (Đức), quảng bá cho lễ khai mạcOlympic Bắc Kinh 2008 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đến biểu tượng công ty
Năm cuối của trung học, gia đình Mai Linh gặp khó khăn. Mai Linh được Derkuhne, một công ty môi giới mỹ thuật tại Hamburg, mời hợp tác bán thời gian. Cậu vẽ cho Derkuhne nhiều họa phẩm trên màn hình PC, hoàn thành nhiều hợp đồng giá trị mà ngay cả sinh viên mỹ thuật công nghiệp vừa ra trường có mơ cũng không nhận được đơn đặt hàng.
Mai Linh làm công ty môi giới trên rất hài lòng khi cậu đảm nhận xuất sắc nhiều hợp đồng với nhiều hãng nổi tiếng thế giới, như vẽ quảng cáo nhiều lần cho Hãng cà phê Tchibo, cho NGI - hãng truyền thông Internet, Hãng ôtô Opel và đặc biệt là lần tạo biểu tượng con lợn vàng cho hãng trang sức quốc tế nổi tiếng Jette Joop.
Con lợn vàng (kỷ vật của bà cố, người sáng lập ra Hãng Jette Joop từ thời bà ở New York) này được Công ty trang sức Jette Joop lấy làm biểu tượng cho in trên tất cả các ấn phẩm giao dịch và thiệp chúc mừng Noel trong những năm sau đó. Bức tranh gốc nhỏ bằng khổ giấy A4, chất liệu bột màu, được Mai Linh tái tạo sinh động và rực rỡ hơn. Noel năm ấy bức tranh nhỏ này được Jette Joop bán với giá 8.000 euro và Mai Linh đồng ý để hãng đóng góp vào quỹ ủng hộ trẻ em tàn tật trên thế giới.
Tốt nghiệp trung học xuất sắc, Mai Linh thi vào khoa mỹ thuật Trường ĐH Khoa học ứng dụng tại Hamburg. Ông Mai Lâm, cha Mai Linh, kể lại: “Hơn 2.000 thí sinh từ khắp châu Âu tới thi vì đây là một khoa danh tiếng. Thí sinh khác đứa bay máy bay tới, đứa theo cha mẹ trên những chiếc “Mẹc” lộng lẫy và khênh theo những bức tranh khổ lớn. Cha con tôi tới bằng chiếc ôtô cọc cạch. Thấy Mai Linh chỉ mang dăm bức tranh vẽ bằng khổ giấy A4 tôi lo lắng chắc gì con mình vào được trường”. Thế mà với những bức tranh giấy khổ A4 ấy và đặc biệt sau một ngày vẽ trước các giám khảo, Mai Linh đã được nhập học, một trong 90 tân sinh viên năm ấy chọn từ hơn 2.000 thí sinh tranh tài.
Biết tài năng hiếm có của Mai Linh, Công ty thiết kế và quảng cáo Schoenheitsfarm Post Production Hamburg mời ngay cậu về làm việc với tư cách chuyên gia vẽ thiết kế đồ họa 3-D. Tại đây, trong gần hai năm, Mai Linh hoàn thành nhiều hợp đồng mà hãng giao. Cậu đã thiết kế thành công nhiều đoạn phim đòi hỏi kỹ thuật vẽ trên máy tính rất phức tạp. Đáng kể nhất là Mai Linh đã giúp Công ty Schoenheitsfarm Post Production Hamburg thắng thầu trước hàng trăm công ty thiết kế mỹ thuật khác trên toàn thế giới, bằng bản vẽ thiết kế 3-D những con rồng bay lên trong lễ khai mạc Olympic 2008 tại Trung Quốc.
Hamburg cũng tự hào về đóng góp nói trên của công ty Mai Linh làm tại Thế vận hội Trung Quốc 2008. Vài tháng trước khi khai mạc Olympic, khắp các đường phố lớn ở Hamburg người ta treo đầy apphich những bức tranh rồng của Mai Linh. Cũng chính vì sự kiện này, thương hiệu công ty Mai Linh làm việc thắng thầu thiết kế rồng trở nên danh tiếng hơn và họ đã dành hẳn ba trang viết về chuyên gia Mai Linh trong cuốn sách giới thiệu chào hàng của công ty phát hành ở châu Âu và châu Mỹ.
Một giấc mơ khác
Năm 2008, Mai Linh được Công ty Crytek tại Frankfurt mời làm việc với mức lương gấp đôi công ty cũ, với tư cách là chuyên gia thiết kế các giải pháp hình ảnh 3-D cho phim hoạt hình và trò chơi. Đây là công ty con của công ty mẹ, Hãng Crytek chuyên sản xuất DVD game nổi tiếng ở Mỹ.
Một chi tiết đầu con vật quái đản trong một trò chơi mà Mai Linh thiết kế trong thời gian làm việc tại Công ty Crytek - Ảnh do nhân vật cung cấp
Công việc mới không chỉ đòi hỏi khả năng về hội họa một cách chuyên nghiệp mà lập trình viên phải nắm chắc ngôn ngữ điện ảnh, và đặc biệt là khả năng tự sáng tạo những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm để các game thủ mua DVD game mới. Mai Linh đã hoàn thành rất tốt công đoạn được giao, kể cả nhiều lần các chuyên gia của Crytek tận Mỹ sang kiểm tra từng tháng.
Công ty cũ của Mai Linh tại Hamburg mất một chuyên gia hiếm hoi đã đánh tiếng mời cậu quay lại với mức lương gấp đôi Công ty Crytek đã trả, nhưng Mai Linh lại có kế hoạch khác và không quay trở lại Hamburg. Mai Linh cũng quyết định rời bỏ công ty tại Frankfurt.
Thì ra, trên các thông tin thu thập được thời gian qua, đầu năm 2009 hai học viện Games Academy ở Berlin và Frankfurt, rồi Trường thiết kế Schwerin đều mời Mai Linh về làm giảng viên. Nhận thức có thời cơ để thử thách sức mình, lại vừa có thể tự nghiên cứu và giảng dạy cho thế hệ trẻ tiếp cận nhanh với công nghệ vẽ 3-D, Mai Linh đã đồng ý làm một người thầy vừa giỏi về lý thuyết vừa điêu luyện về thực hành trong nghệ thuật 3-D.
Nhưng với Mai Linh thì chặng đường đã qua chỉ là... một cuộc chơi. Tâm sự với tôi, Mai Linh không giấu giếm: “Tôi làm thế này chỉ để chơi thôi. Còn sâu xa, tôi mong muốn trở thành một đạo diễn phim nổi tiếng không chỉ ở châu Âu mà toàn thế giới, bởi vì tôi vẫn là người VN”.
NGUYỄN VĂN THỌ (Postdam, CHLB Đức)