Đi tàu điện ngầm ở Berlin chắc chắn bạn sẽ bắt gặp không ít cảnh đồng bào mình bán hoa tươi tại các ga tàu điện ngầm hun hút gió lạnh, thường ở ngay cửa ga - chỗ ra vào nhiều nhất.

Ngoài ra, trên đường phố cũng nhan nhản quầy bán hoa tươi của người Việt.

Một người Việt có thâm niên bán hoa tươi cho tôi biết, ước tính toàn Berlin có tới 500 cửa hàng của người Việt.

Nghề bán hoa tươi của người Việt_0
Một góc chợ hoa bán buôn tại Berlin  - Ảnh: V.H

Độc chiếm thị trường hoa tươi

Theo đánh giá, hiện người Việt đang độc chiếm thị trường hoa tươi tại Berlin, còn lĩnh vực nhà hàng cũng chỉ đứng sau người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Berlin rất yêu hoa, còn người Việt thì đã chọn trúng những nơi đắc địa để bán hoa.

Berlin có một hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn) và nổi (S-Bahn) thuộc loại hiện đại, lớn nhất châu Âu, chuyên chở khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Người Berlin có thói quen đi làm hoặc đi đâu đó bằng tàu điện chắc bởi tính cực kỳ tiện lợi, đúng giờ (thường trung bình khoảng từ 5 - 7 phút/chuyến), và đặc biệt là không hề có kiểm soát vé như ở những nước khác.

Tất cả các ga tàu điện ngầm đều thông thống không có barie soát vé, người người ra vào lên xuống tấp nập. Đây là một minh chứng cho tính tự giác đã đạt tới trình độ rất đáng khâm phục của người Đức.

Ai đi tàu cũng đều tự giác mua vé, dập vé (để ghi ngày giờ bắt đầu sử dụng), đến nỗi nhiều người Việt mình sống lâu năm bên này nói : Bây giờ mỗi khi đi tàu điện ngầm mà vô tình quên mua hay dập vé tự nhiên không bước nổi lên tàu nữa, chân cứ nặng như chì và rồi giật mình nhớ ra mình quên chưa mua vé, phải quay lại thôi.

Té ra, thói quen tốt hay xấu của con người lâu ngày rồi cũng ngấm vào máu, tùy theo môi trường chúng ta sinh sống mà thôi. Tuy nhiên, để tạo ra thói quen tốt phải có chế tài: Không mua vé phạt gấp 20 lần !

Có thời gian tôi đi tàu điện ngầm suốt 3 tháng ở Berlin mà chỉ duy nhất một lần gặp người kiểm tra vé đột xuất, khắp toa tôi ngồi không thấy ai trốn vé cả.

Như vậy nhân công tiêu tốn cho việc kiểm tra vé rất ít, lại không phải thiết lập hệ thống barie soát vé tự động (vào và ra), rõ ràng người Đức đã tiết kiệm được một chi phí lớn nhờ vào văn hóa tự giác rất cao của họ.

Chuyện dông dài về đức tính tự giác đã trở thành thói quen của người Đức và cả một số người Việt mình bên này, cũng để muốn kể về một thói quen khác mà người Berlin đang góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người Việt, đó là hễ mua hoa là phải mua của người Việt. Đơn giản hoa của người Việt bó rất đẹp, mẫu mã phong phú, giá cả lại rẻ hơn hẳn hoa bán trong tiệm của người Đức.

Nghề bán hoa tươi của người Việt_1
Một quầy hoa tươi của người Việt tại Berlin - Ảnh: V.H
Ngoài ra người Việt thường rất chiều khách, niềm nở và hay cười... Bên này, mỗi cửa hàng hoa của người Việt bao giờ cũng có một lượng khách quen rất ổn định, thường là cư dân quanh khu vực hay khách đi tàu, xe đi làm qua.

Nhưng, chính cái giá cả rẻ rúng ấy nhiều khi lại làm phương hại đến cộng đồng mình, bởi người Việt đua nhau hạ giá để cạnh tranh lẫn nhau, rốt cục bán nhiều nhưng lãi ít. Nhất là thời buổi khủng hoảng, kinh tế khó khăn hiện nay, người Đức phải từ bỏ một số thói quen xa xỉ, họ mua hoa ít đi trông thấy. 

Anh Hà có cửa hàng hoa ở phía Tây Berlin cho biết: Ế lắm, nếu như trước đây bán được 10 phần thì nay chỉ được 2 - 3 phần thôi. Bây giờ chỉ bán chạy nhất vào mỗi tuần đầu tiên của các tháng vì dân Đức mới lĩnh lương, càng về cuối tháng càng ế. Hy vọng dịp Noel sắp tới sẽ khá khẩm hơn.

Ngày làm việc bắt đầu từ 3h sáng…

Cái nghề bán hoa tươi lấy công làm lãi cũng vất vả cực nhọc lắm. Sau nhiều lần gạ gẫm, cuối cùng tôi được anh Hà đồng ý cho đi tác nghiệp để tìm hiểu cái nghề độc quyền của người Việt tại Berlin này.

Ba giờ sáng, trời rét buốt, tuyết rơi trắng xóa... đang ngủ say tôi bị dựng dậy. Chiếc xe tải đỗ ngoài đường của anh tuyết phủ kín. Cầm chiếc xẻng trong tay, anh nhanh chóng đục một lỗ nhỏ trên tấm kính chắn gió đủ để nhìn được ra bên ngoài.

Nuốt vội ngụm cà phê loãng, rít điếu thuốc cho tỉnh ngủ, tôi leo lên chiếc xe tải chuyên dùng để chở hoa nhằm hướng Cổng Brandenburg thẳng tiến, gần khu vực này có một chợ bán buôn hoa nhập từ Hà Lan sang, do một ông chủ người Đức điều hành. Phía Đông Berlin cũng có một chợ tương tự, nhưng chủ chợ lại chính là người Việt mình.

Càng gần đến chợ hoa, càng bắt gặp nhiều xe tải của người Việt từ khắp nơi chạy đến. Giờ này Berlin đương ngủ say, đường phố vắng ngắt không một bóng người, dưới ánh đèn đường vàng hắt hiu kia là màn tuyết trắng xóa giăng giăng khắp nơi...

Chỉ có những bóng dáng bé nhỏ, cần mẫn của người Việt nơi xứ người ra vào cái chợ hoa bán buôn này, để sáng hôm sau khi người Berlin thức dậy thì trên mỗi góc đường, mỗi bến tàu điện ngầm lại tươi rói những bó hoa tươi của người Việt.

Cứ như vậy, suốt từ 3 - 4 giờ sáng đến tận 7 - 8 giờ tối, suốt 365 ngày mỗi năm, gánh hàng hoa của người Việt xa xứ luôn hiện diện khắp Berlin để mưu sinh, để nuôi con ăn học, để gửi tiền về gia đình nơi quê nhà và cũng để làm đẹp cho cả thành phố này.

Bước chân vào khu chợ hoa rộng hàng ngàn m2, tôi choáng ngợp với vô số loại hoa đẹp lộng lẫy vừa mới được chuyển từ Hà Lan qua. Nhưng ấn tượng hơn chính là một không gian thuần Việt tràn ngập khắp chợ, người Việt mình vừa mua bán vừa tranh thủ trò chuyện, tán gẫu...

Mua hoa ở chợ bán buôn này phải dùng xe đẩy, chọn được mớ nào ưng ý thì vứt lên xe, cuối cùng thì đẩy xe ra quầy thanh toán.

Dạo một vòng quanh chợ, cuối cùng tôi cũng gia nhập được một nhóm tán gẫu. Một anh người Hải Phòng cho biết, dạo này ế ẩm nên mới có thời gian nói chuyện phiếm thế này, chứ bình thường phải tranh nhau mua ấy chứ.

Một cậu người Nam Định chêm vào, em ra đây chơi cho đỡ buồn vì đã thành quen cứ giờ này là thức giấc nằm cũng không ngủ được, chứ có bán được đâu mà mua, hôm nay mua mỗi vài chục đồng (euro) cho vui thôi.

Một phụ nữ lướt qua, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, đeo cặp kính cận xinh xắn, một cậu trong nhóm nhanh nhảu : Này cô em, sao thân gái lại lọ mọ một mình thế kia ? Cô nhoẻn miệng cười và trả lời bằng một cú hích vai vui vẻ.

Lang thang suốt hai tiếng ở chợ, tôi nhận ra rằng, tất cả người Việt ở cái chợ hoa này đều biết nhau tuốt, không biết tên thì cũng biết quê và nhẵn mặt.

Hỏi ra, ở cái chợ hoa này người Việt mình thuộc diện có học nhất chợ chứ chả chơi, tốt nghiệp đại học trong nước, ngoài nước cũng không ít, không biết tiến sĩ, thạc sĩ có không chứ chợ Bốn Con Hổ bên Budapest tôi đã sang thì nhiều lắm, còn chợ Đồng Xuân ở Berlin này thì kỹ sư, bác sĩ cũng không ít.

5 h sáng, tôi và anh Hà rời chợ với dăm mớ hoa tươi. Bên ngoài tuyết vẫn rơi…

Nghề hàng hoa cũng lắm công phu, trước hết phải đòi hỏi sự khéo tay, biết bó hoa đẹp và nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra cũng cần có một số bí quyết giúp hoa tươi lâu.

Cửa hàng hoa của anh Hà vốn nổi tiếng là có nhiều mẫu mã độc đáo được khách hàng ưa chuộng. Hơn chục năm trong nghề, có thời kỳ ăn nên làm ra anh từng thuê hẳn một góc siêu thị với vài người làm thuê mà cũng không kịp bán.

Cửa hàng anh bán đủ thứ, từ hoa tươi đến cây cảnh, bonsai. Mẫu mã một phần do anh sáng tạo ra, một phần phải liên kết với vài trường dạy cắm hoa ở Đức, nhưng quan trọng nhất là phải hiểu được văn hóa Đức.

Anh cho biết, tôi hiểu được văn hóa của họ, giải thích ý nghĩa của bó hoa, chậu cây cảnh cùng những phụ kiện đi kèm, thuyết phục được họ rồi thì lần sau họ lại tìm đến mình.

Anh vốn là một kỹ sư nên nhiều phụ kiện trang trí đi kèm đều tự làm được từ xưởng của mình. Nghề hoa một vốn bốn lời, trung bình cũng lãi tới 50%, dạo này kinh tế khó khăn anh Hà cho biết chỉ đủ ăn không có tích lũy, chứ thời hoàng kim vào dịp noel có ngày anh kiếm cả ngàn euro...

Nhìn căn hộ 70m2 đầy đủ tiện nghi giữa tây Berlin mà vợ chồng anh đang ở, tôi biết nghề hoa tươi một thời từng đem lại thu nhập rất khá cho người Việt, giờ đây họ đang hy vọng nước Đức sẽ nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, và người Berlin lại sẽ mua nhiều hoa tươi. 

Ký sự của Nguyễn Việt Hùng.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC