Một lần, tại nhà máy điện nguyên tử Laushamer (miền Đông nước Đức) trong lúc nghỉ giải lao, nhóm công nhân trẻ người Việt Nam giải trí bằng cách thi nhau ném vỡ vỏ chai.
Họ lấy các vỏ chai nước ngọt đã uống hết xếp thành hàng trên bờ đất rồi đứng từ xa dùng sỏi, đá “chọi” vào hàng vỏ chai đó. Cứ mỗi lần có người chọi trúng mục tiêu, một tiếng nổ “bụp” vang lên như tiếng pháo nổ, cái chai vỡ tan từng mảnh trong tiếng cười đùa khoái trá của đám công nhân trẻ. Giữa lúc cả nhóm đang hò hét sôi nổi, thì một tiếng quát rất to bằng tiếng Đức vang lên: “Dừng lại! Các anh đang làm gì thế?”.
Cả nhóm dừng tay ngơ ngác. Ông tổ trưởng người Đức phăm phăm đi đến nhặt những cái vỏ chai còn lại. Ông tiến đến giơ lên trước mặt cả nhóm nói gay gắt: “Các anh đang phá hoại, đang ném đi những đồng tiền trong túi mình đấy! Mỗi cái vỏ chai có giá 30 xu, thử tính xem các anh đã vứt đi mấy bữa ăn của mình rồi?”.
Nhìn nhóm công nhân trẻ đứng im, gượng gạo, ông ôn tồn: “Nếu ai cũng như các anh, sau khi uống ném hết vỏ chai đi thì chúng tôi sẽ lại phải mất công sản xuất. Thời gian ấy các nhà máy của chúng tôi có thể dùng để sản xuất ra những mặt hàng hoá khác phục vụ cho xã hội. Hơn nữa, những mảnh chai vỡ của các anh vô tình gây khó khăn khi phải sản xuất trên vùng đất ấy. Hãy nhớ lấy, đừng bao giờ làm như thế này nữa nhé!”
Một lần khác tại nhà ga Lepzig, nhà ga lớn nhất Đông Đức với 26 đường tàu toả đi khắp châu Âu. Trong quán ăn, một nhóm người Việt Nam (chắc mới sang) sau khi ăn xong trên đĩa mỗi người còn thừa rất nhiều thức ăn. Bởi khi vào quán, quen như ở Việt Nam mỗi người cứ lấy đầy một đĩa đủ loại từ gà quay, dăm bông, chân giò hầm…đến khi ăn chẳng thể nào “tải” nổi. Nhìn những đĩa thức ăn thừa, rất nhiều khách người châu Âu trong quán chỉ khe khẽ lắc đầu với một ánh mắt tỏ ý không đồng tình. Đối với họ hầu như không có thức ăn thừa, bởi khi lấy thức ăn họ đã lượng sẵn sẽ ăn được những gì, nên trên đĩa của họ khi ăn xong bao giờ cũng sạch bong. Khi nhóm người Việt Nam đứng lên, người quản lý nhà ăn nhã nhặn nói: “Xin cảm ơn các Ngài đã vào quán. Nhưng cảm phiền, lần sau đừng bao giờ lãng phí như thế này. Chúng tôi biết tiền từ trong túi các Ngài bỏ ra mua, nhưng của cải là của chung xã hội, mỗi người chúng ta phải biết trân trọng, không nên lãng phí.”
Hai câu chuyện trên xảy ra đã hàng chục năm nay, thế nhưng tính giáo dục thì vẫn còn nguyên giá trị. Người Việt Nam có một đặc tính lạ là cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đôi khi lại không thực tế như việc ném vỡ vỏ chai nước chẳng hạn. Vào thời điểm ấy, một bữa ăn tại công trường thường chỉ hết từ 2,5 đến 3 Mark (tiền Đông Đức) nếu chịu khó, chỉ cần xách sáu, bảy vỏ chai đi đổi là một người có đủ tiền cho một bữa ăn no bụng. Trong khi công nhân các nước Đức, Ba Lan, Nga, Nam Tư… có thể đi cả cây số đến căng tin đổi các vỏ chai lấy nước uống hoặc qui ra tiền thì những công nhân Viêt Nam lại thi nhau ném vỡ! Ngoài việc lãng phí về tiền bạc, còn là việc làm ô nhiễm môi trường… Việc lãng phí thức ăn thì thực tế ở Việt Nam còn nhiều hơn, đặc biệt là hiện nay “thói xấu” này vẫn hiển hiện khắp nơi, từ quán cóc vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng. Đi vào bất cứ nhà hàng, quán ăn nào của chúng ta hiện nay, sau khi thực khách đứng lên trên bàn ăn sẽ còn lại rất nhiều thức ăn thừa! Một thói quen lãng phí rất đáng phê phán của người Việt Nam là hễ đã vào quán là phải gọi thật nhiều, cho dù ăn chẳng đáng bao nhiêu. Có vẻ như người ta cho rằng cứ phải gọi nhiều thức ăn, bày ê hề ra bàn mới “oách” mới thể hiện “đẳng cấp” và cứ phải để lại thức ăn thừa mới là người “giàu sang” hay sao ấy! Mấy năm gần đây, dịch vụ nhà hàng tự chọn phát triển mạnh với mức tiền trọn gói cho mỗi người một bữa ăn thì việc lãng phí tại đây càng thể hiện rõ. Chẳng biết có phải do tâm lý ăn hay không thì cũng chừng ấy tiền, nên người ta cứ lấy bừa đi, không ăn được thì bỏ. Thế nên có nhiều “thượng đế” cứ nhìn thấy món nào “vui mắt” là lấy mặc dù sau đó không hề động tới, bởi là món chưa từng ăn bao giờ. Hoặc có vị thấy món ăn ngon, hợp khẩu vị thì cố lấy cho thật nhiều để rồi ăn không hết lại bỏ đi.(!)
Hiện tượng lãng phí của người Việt Nam thì còn nhiều, chỉ xin nêu một vài chuyện nhỏ để cùng suy ngẫm! Có lẽ chỉ đến bao giờ chúng ta nhận thức được “tiền từ trong túi các Ngài bỏ ra mua, nhưng của cải là của chung xã hội, mỗi người chúng ta phải biết trân trọng, không nên lãng phí” như của người quản lý quán ăn tại ga tàu Lepzig xa xôi kia từ mấy chục năm về trước thì hiện tượng này may ra mới giảm!
Theo Gizmag.