Với những thế hệ người Việt xa xứ, không gì khó khăn và quan trọng bằng việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ bởi nhờ đó, bản sắc dân tộc mới không bị nhạt nhoà. Nhưng có ở xứ người mới thấy, hành trình này không giản đơn.

Thế hệ “gồi”

Hân (tên tiếng Đức là Hana) sing năm 1985, tại Stuttgart, Đức, bố mẹ là người Việt. Hân biết nói từ lúc được một tuổi rưỡi. Đến năm ba tuổi, Hân đã nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Việt khá tự nhiên. Đến tuổi này, giống trẻ em khác, Hân đi vườn trẻ và bắt đầu tập nói tiếng Đức.

Tiếng Việt nơi xứ người_0
Trẻ em Việt kiều mặc áo dài lên chùa tại Atlantta - Mỹ.

 Khi cô bé đã nói được Đức khá chuẩn như bạn bè trong lớp thì cha mẹ phải thường xuyên sửa lại tiếng Việt của con mình cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Đây là một vấn đề song ngữ phổ biến nơi trẻ nhỏ Việt Nam ở hải ngoại.

Đến năm sáu tuổi, Hân vào tiểu học. Hết tiểu học, Hân lên trung học. Suốt 13 năm đi học, Hân chỉ học toàn tiếng Đức. Ở nhà Hân vẫn nói tiếng Việt với cha mẹ. Mỗi cuối tuần cô bé còn được gửi đi học thêm ở lớp tiếng Việt do người Việt tổ chức.

Mặc dù có cơ hội trao dồi tiếng Việt, nhưng đối với Hân, muốn diễn đạt một điều gì bằng tiếng Việt quả là khó hơn bằng tiếng Đức.

Nghe ai gọi điện thoại muốn nói chuyện với mẹ, thỉnh thoảng Hân trả lời là: “Con mẹ không có nhà”. Đúng ra phải nói là “Mẹ con không có nhà”. Lỗi ngữ pháp này xuất phát từ thói quen của trẻ Việt là nghĩ trong đầu bằng câu tiếng bản xứ trước, rồi sau đó mới dịch sang tiếng Việt. Người Việt ở hải ngoại gọi vui thế hệ như Hân là thế hệ “gồi” bởi các em dù không muốn cũng đã nói tiếng Việt như những người ngoại quốc.

“Đây” nói thành “tây”, “rồi” nói thành “gồi”… Nói lớ. Nói giọng nhẹ, có ngữ điệu. Tuy câu tiếng Việt không có ngữ điệu mà chỉ có thanh âm, các em vẫn lên giọng xuống giọng như nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp…

Người Việt ở hải ngoại có buồn không? Buồn lắm chứ vì những đứa con máu đỏ da vàng mình đẻ ra dần dần đã không thuộc về mình nữa. Vào thăm gia đình một chủ báo tiếng Việt, thấy anh ngập ngừng khi nhắc con chào khách: “Chào bằng tiếng Việt đi con”.

Nhưng cô bé xinh đẹp chỉ nói được đúng một câu “Chào!”, sau đó bắt chuyện với bạn của bố bằng thứ tiếng Anh của người bản ngữ. Anh tần ngần hồi lâu, rồi nói: “Mình viết nhiều sách tiếng Việt, nhưng rồi người đọc không phải con mình. Gắng dạy cho bọn trẻ học tiếng Việt, nhưng thực ra khó lắm”.

Thanh âm nhọc nhằn

Người Việt hải ngoại lao động cực nhọc hơn người trong nước mường tượng. Phong cách làm việc Tây phương thoả đúng nghĩa lao động: làm năm phút là năm phút, một tiếng là một tiếng. Sau giờ làm việc trở về, ai cũng mệt mỏi; khả năng kiểm soát, sinh hoạt với con cái giảm hẳn.

Sự mệt mỏi dễ dẫn đến sự dễ dãi rồi buông xuôi trước việc con cái nói ngoại ngữ thay vì tiếng Việt. Thời gian trôi qua, tiền lệ tạo thói quen. Thói quen nói ngoại ngữ làm thẩm năng tiếng Việt của đứa bé yếu dần.

Ở hải ngoại, ít có nơi tiếng Việt được đưa vào chương trình học phổ thông. Hầu hết các nơi dạy tiếng Việt đều do các cơ sở tôn giáo, hội đoàn người Việt tự nguyện đứng ra tổ chức. Học phí không đáng kể.

Giáo viên nghiệp dư, làm việc vì tấm lòng, gồm phụ huynh, tu sĩ, người tự nguyện. Ở hải ngoại không có một lực lượng ngôn ngữ học hùng hậu như ở Việt Nam. Người làm về ngôn ngữ học đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Cái thất lợi lớn đầu tiên mà nhóm di dân thiểu số phải chấp nhận là khoảng cách địa lý. Người Việt thuộc nhóm này. Người thì ở trên núi, người thì ở miền xuôi, người thì ở thành thị, người thì ở thôn quê, muôn vàn cách trở.

Cái cộng đồng tiếng nói bị băm ra thành từng mảnh. Người Việt thiếu người Việt để giao tiếp, tiếng Việt kể như không còn đất dụng võ ngoài cái không gian bé nhỏ của gia đình.

Nhưng đó cũng vẫn không phải là nguyên nhân chính của việc tiếng Việt trở nên yếu thế ở xứ người so với các ngôn ngữ khác. TS tâm lý học Huỳnh Duy Quang ở Đại học Melbourne cho biết: “Nếu xét một cách sâu xa thì người Việt thường có tâm lý tự ti, không dám thể hiện bản sắc của mình khi va chạm với những nền văn hoá khác.

Đó chính là điều cản trở sự phát triển tiếp nối của ngôn ngữ khi nó bị tách xa cộng đồng. Tự hào về một ngôn ngữ mạnh là một điểm quyết định. Tiếng Ả Rập, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà là các ngôn ngữ mạnh, gắn liền với những nền văn minh, lịch sử đáng kể của thế giới và được nhiều người sử dụng, chính điều này giúp ngôn ngữ đó có thêm sức sống”.

Tiếng Việt nơi xứ người_1
Trung thu 2009 tại chùa Tây Phương, bang Georgia, Mỹ.

 Khát vọng tiếp nối

Người Việt có một lịch sử bốn ngàn năm văn hiến huy hoàng, rất đáng tự hào, tại sao phải mặc cảm? Người Việt đến xứ người với hai bàn tay trắng nhưng rất nhiều người đã có sự nghiệp, con cái được ăn học đàng hoàng, chẳng thua kém ai để phải mặc cảm, nhưng tại sao trẻ em vẫn yếu tiếng Việt?

Cái biên cương ngăn cách các quốc gia về địa lý, những cột mốc vô hình trên bản đồ thế giới liệu có thể xoá nhoà được bản sắc của một dân tộc cho dù những thế hệ di dân đã vững chân trên đất mới. Hãy đến để nghe những nơi người ta nói tiếng Việt ngọt lịm trong hàng quán ở các khu Little Sài Gòn, Virginia, Kansas, San Fransico hay San Jose (Mỹ).

Cũng những món ăn y như ở Việt Nam, người ta có thể vừa ăn vừa nghe ca sĩ Mỹ Linh hát “Hà Nội đêm trở gió” cũng như rất nhiều băng đĩa ca sĩ trong nước được bán ở đây. Có lẽ, món ăn và ngôn ngữ luôn nằm ở cùng một trục trặc của bộ nhớ.

Ở Kansas, có một điều ngạc nhiên là người ta tổ chức không chỉ lớp tiếng Anh cho người Việt lớn tuổi khó thích nghi môi trường mới, mà còn cả lớp tiếng Việt cho trẻ em người Việt.

Luật sư Megan Tan Minh Bùi cho biết, tuy bận nhiều việc, nhưng cô vẫn tham dự lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em vào cuối tuần. Tuy Bùi sang Mỹ từ khi 7 tuổi, nhưng đến nay, sau 30 năm, cô vẫn nói sõi tiếng Việt. “Đó là nhờ gia đình tôi luôn giữ nếp truyền thống, về nhà là nói tiếng Việt”.

Chiều cuối năm, luật sư Bùi lại thướt tha áo dài cùng mẹ đến một ngôi chùa Việt ở Kansas để cầu cúng cho tổ tiên ông bà, trong tiếng “Nam mô A di đà”, tiếng Việt lại thêm một lần được ngân lên, ngọt dịu.

TS. Vũ Quang Huy (từ Melbourne, Australia)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC