Về hưu sớm để được làm việc tại quê hươngXuất thân là dân kỹ sư cơ khí, đã tròn 40 năm sống ở Đức, từng làm việc cho nhiều công ty, tập đoàn lớn về xây dựng nhà máy chế tạo động cơ xe hơi như Oberndorfer, Lopex, Rücker, Adam Opel, Lurgi...

Nguyễn Ngọc Tân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và không ít thành tích của anh được ghi nhận bằng những giải thưởng khoa học kỹ thuật trong nghề.

Dù thành công trong sự nghiệp ở xứ người như thế, nhưng sau nhiều lần về thăm quê, anh đã quyết định về hưu sớm sáu năm để trở về Việt Nam để bắt tay vào làm những công việc theo sự mách bảo của trái tim là làm việc gì có ích cho quê hương.

Người Việt Nam không thua kém ai

Cũng giống như nhiều người Việt ở nước ngoài, biết mình không có nhiều lợi thế bằng người bản xứ, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Tân đã quyết tâm học thật giỏi để chứng minh mình cũng không thua kém ai. Tốt nghiệp ngành cơ khí tại Đại học Stuttgart, anh học thêm hai trường đại học là Konstanz (1977) và Kỹ thuật Darmstadt (1979), sau đó làm kỹ sư thiết kế cho nhiều công ty chế tạo máy của Đức và nước khác đặt trụ sở tại Đức.

Từ năm 1992 đến nay, anh đảm nhận vị trí kỹ sư kế hoạch công trình tại Công ty Adam Opel (Rüsselsheim, Đức). Những cống hiến của anh đã nhận được những giải thưởng khoa học như giải thưởng của Công ty GM (Mỹ) cho đề tài 3D Math based Visualization (Ứng dụng toán học trong sinh động hóa), giải thưởng của Công ty Opel (Đức) cho đề tài Global 3D Virtual Factory (Nhà máy ảo 3D)...

Mới đây, có mặt trong Hội nghị về người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội, anh rất phấn khởi khi thấy đông đảo bà con kiều bào có dịp tề tựu, cùng nhau bàn thảo những kế sách ích nước, lợi nhà. “Lẽ ra nên có những cuộc hội nghị như thế sớm hơn, nhưng không bao giờ là muộn để bắt đầu làm những việc tốt đẹp” - anh nói.

Trái tim luôn hướng về Việt Nam

Năm 2001, trong một lần về Việt Nam, khi anh em, bạn bè gặp nhau hàn huyên tâm sự, một người thân thắc mắc rằng có chuyên môn giỏi mà sao anh chỉ làm cho nước ngoài, không nghĩ đến việc làm có lợi cho đất nước mình. Thật ra, anh đã nghĩ đến điều đó từ lâu, vì lĩnh vực anh nghiên cứu vận dụng còn rất mới mẻ ở Việt Nam, chắc sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Nhưng rồi cuộc sống có nhiều ràng buộc nên nhiều năm đã trôi qua mà anh chưa thực hiện được tâm nguyện ấy.

Ở Đức, anh có một ông hàng xóm người bản xứ, từng tham chiến tại Việt Nam, có lần ông này hỏi anh: “Tôi thấy đất nước Việt Nam thật xinh đẹp, con người Việt Nam cũng rất tuyệt vời, vậy tại sao anh lại sống ở đây?”. Rất bất ngờ và xúc động trước câu hỏi của người bạn Đức, anh trả lời bạn: “Tôi sẽ về sống ở quê hương tôi, chắc chắn là như thế. Nhưng cho dù sống ở đâu thì trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam”. Kể từ lúc ấy, anh đã suy nghĩ và từng bước thực hiện kế hoạch cho “ngày trở về”.

Thay vì chỉ làm việc chuyên môn, anh tập trung nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều lĩnh vực khác hoặc có liên quan như kế hoạch xây dựng nhà máy (bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề xây dựng nhà máy...), phương thức ứng dụng tin học trong thiết kế... với mục đích tập hợp lại thành sách đem về Việt Nam xuất bản để làm tài liệu học tập cho sinh viên các ngành kỹ thuật.

Đồng thời, anh liên hệ, đặt vấn đề với một số trường đại học ở TP.HCM và Hà Nội như Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Bách khoa, Đại học Kiến trúc... về ý định trình bày những báo cáo khoa học về CAD (Computer Aided Design - Hỗ trợ thiết kế bằng vi tính) và đều được các trường nhiệt tình hợp tác. Anh thấy vui và nôn nao như ngày nào cậu sinh viên mới ra trường nhận được việc làm.

Niềm vui ngày trở về

Công việc viết sách không đơn giản đối với một người làm kỹ thuật, nhưng với quyết tâm cao, anh đã dồn sức thực hiện. Trong ba năm (2002-2004), anh đã hoàn thành ba quyển sách (CAD trong thiết kế cơ khí, CAD trong xây dựng và kiến trúc và Tiêu chuẩn châu Âu trong kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất) - tập hợp những kiến thức và kinh nghiệm làm việc của anh trong vài chục năm qua.

Sau khi biên soạn sách xong, anh thường xuyên về Việt Nam, tranh thủ dịp lễ, ngày phép, có khi vài tuần, có khi được một, hai tháng để triển khai việc xuất bản sách. Đây là những tài liệu chuyên môn rất cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu và thực hành mà anh tặng cho thư viện các trường đại học.

Song song đó, anh trình bày những báo cáo chuyên đề tại một số trường đại học có ngành kỹ thuật ở TP.HCM. Có sinh viên Trường đại học Kiến trúc dựa trên báo cáo chuyên đề của anh đã mô phỏng, sáng tạo và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tất cả những việc anh làm đều nhằm mục đích thiện nguyện. Số tiền bản quyền viết sách anh cũng chuyển vào quỹ hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học.

Sau mỗi lần về Việt Nam, thấy lĩnh vực CAD có sự phát triển nhanh và sâu, anh đánh giá Việt Nam đã có những bước tiến đáng mừng, nhưng anh cũng còn không ít những băn khoăn, trăn trở. Người Việt Nam rất giỏi, khả năng làm việc, sáng tạo không thua ai, nhưng có lẽ do chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa chưa đúng mức, nên ngành công nghiệp nước nhà vẫn chưa tương xứng với sự phát triển nguồn nhân lực.

Một ví dụ điển hình là Việt Nam được xem là “vương quốc của xe máy”, nhưng lại chưa có chiếc xe máy nào gắn mác “Made in Việt Nam”. Anh hy vọng một ngày không xa, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ làm được điều này một cách dễ dàng.

Trước khi trở về Đức đón Giáng sinh và mừng năm mới cùng gia đình, anh cho biết đã quyết định về hưu sớm để về hẳn Việt Nam trong năm tới, vì đã đồng ý tham gia giảng dạy môn học “Tiêu chuẩn trong kế hoạch xây dựng nhà máy” tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật và Đại học Bách khoa TP.HCM.

Được biết trong tháng 12-2009, ngoài hai trong ba quyển sách đã xuất bản được tái bản, anh còn kịp biên dịch, xuất bản thêm hai quyển Phòng chống cháy nổ trong kỹ nghệ và Mô phỏng trong kỹ nghệ xe hơi. Đúng 40 năm ở xứ người, giờ đây anh mới cảm nhận trọn vẹn được niềm hạnh phúc được sống làm việc trên quê hương mình.

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC