Bóng đá Đông Đức, 20 năm nhìn lạiCó 2 cột mốc liên quan đến bóng đá đông Đức trong thời gian này, nói chung đều buồn. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Đức thống nhất, bảng hạng Nhất Bundesliga không còn đại diện nào đến từ miền đông. Hertha Berlin rút cuộc cũng đã sụp đổ. Thật ra, Hertha thuộc Tây Đức cũ (ở Tây Berlin), nhưng ít ra thì đấy cũng là đội bóng thuộc miền đông về mặt địa lý.

Chứ nếu chỉ tính các CLB từng thuộc Đông Đức cũ, thì bóng đá Đông Đức đã bị Bundesliga xóa sổ từ khi Hansa Rostock và Energie Cottbus lần lượt rớt hạng. Cột mốc thứ hai: người ta vừa nhắc đến sự kiện tròn 20 năm kể từ ngày đội tuyển Đông Đức cũ đá trận cuối cùng (thắng 2-0 trên sân Bỉ vào ngày 12-9-1990, Matthias Sammer ghi cả 2 bàn). Chỉ nhắc thế thôi, chứ cũng chẳng có gì để kỷ niệm trận đấu chẳng được ai nhớ đến ấy.

Vấn đề đặt ra: vì sao miền đông trong làng bóng Đức vẫn cứ lụn bại, dù nước Đức đã thống nhất 20 năm nay, và dù là miền Đông hay miền Tây thì đều không thiếu tài năng bóng đá?

Nguyên nhân đầu tiên vẫn là lý do muôn thuở: không có tiền. Tuy nhiên, hãy phân tích kỹ hơn: vì sao các đội phía đông không có tiền? Đấy là do họ không có khả năng kêu gọi nhà tài trợ, thiếu trình độ huấn luyện và còn do cả một lịch sử yếu kém về năng lực quản lý. Ngày xưa, CHDC Đức là một cường quốc thể thao, đặc biệt rất mạnh trong những môn thiên về thể lực như điền kinh hay bơi lội. Nhưng CHDC Đức chưa bao giờ là cường quốc bóng đá.

Bóng đá Đông Đức, 20 năm nhìn lại_0

Tài năng vĩ đại của bóng đá Đông Đức Matthias Sammer.

Không phải ngẫu nhiên mà hồi đầu những năm 1990, Thomas Doll, Andreas Thom hoặc Matthias Sammer đều trở thành ngôi sao bóng đá, tỏa sáng ở mức độ trước đó bóng đá CHDC Đức không có. Đấy là vì các ngôi sao này đã chuyển sang phía Tây và được truyền đạt những phương pháp huấn luyện mới. Sammer là cầu thủ của Đông Đức thật. Nhưng anh chỉ nổi tiếng ở Stuttgart, Inter Milan, Borussia Dortmund.

Trước đây, Đông Đức cũng có không ít đội bóng khá thành công như Lokomotive Leipzig, Magdeburg hoặc Dynamo Dresden. Nhưng các CLB ấy không bao giờ phải tự mình kiếm nhà tài trợ. Họ không có nhu cầu kinh doanh bóng đá để tự sống bằng năng lực tài chính của mình. Họ cũng chẳng cần cố gắng lùng sục tài năng, tuyển trạch. Bây giờ, mọi chuyện đều đã thay đổi, nhưng cách làm cũ không dễ lập tức chuyển mình. Đấy là đặc điểm chung ở những nền bóng đá đông Âu khác. Nhưng ít ra, những nơi khác như Sparta Prague tại CH Séc, Dynamo Kiev ở Ucraina hoặc CSKA Moscow ở Nga đều khá hơn bóng đá Đông Đức cũ về mặt truyền thống. Hơn nữa, những nơi ấy, Nga chẳng hạn, không hẳn là thiếu tiền trong giai đoạn này.

Bây giờ, nơi từng là bóng đá Đông Đức cũ thuộc về NOFV tức LĐBĐ Đông - Bắc Đức. Chủ tịch NOFV Georg Moldenhauer bình luận: “Suốt 20 năm qua, chúng tôi thường chỉ than vãn là giới tài trợ đã quên lãng khu vực này, không đổ tiền vào khu vực này để giúp phát triển bóng đá. Ít ai tự hỏi, vì sao chúng tôi không thể kêu gọi tài trợ”. LĐBĐ Đức cũng đã có những kế hoạch giúp đỡ để phát triển khu vực miền đông, nhưng không đủ. Trong bóng đá chuyên nghiệp, không bao giờ là đủ, nếu như người ta chỉ chờ sự giúp đỡ để phát triển.

Bóng đá Đông Đức 20 năm ngày thống nhất: Sụp đổ theo Bức tường Berlin

20 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, bóng đá của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) đã vắng bóng ở sân chơi Bundesliga, vốn là nơi thể hiện sức mạnh của các đại diện Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) trước ngày thống nhất.

Ngày 9/11/1989, bức tường dài 156,4 km nằm chia cắt Đông Đức và Tây Đức, trong đó có 43,7 km nằm trong thành phố Berlin, đã chính thức sụp đổ. Hai miền Đông Đức và Tây Đức hòa hợp trong một nước Đức thống nhất, dẫn đến nhiều sự thống nhất khác, trong đó có bóng đá. Giải vô địch quốc gia Đức thống nhất ra đời vẫn dựa chủ yếu trên giải vô địch quốc gia Tây Đức trước kia, cộng thêm hai đại diện của Đông Đức ở mùa 1991-1992 là Hansa Rostock và Dynamo Dresden. Bundesliga từ chỗ chỉ có 18 đội đã mở rộng thành 20 đội ở mùa giải đó nhằm chào đón sự hiện diện của những người anh em Đông Đức.

 Bóng đá Đông Đức, 20 năm nhìn lại_1
Energie Cottbus, đại diện Đông Đức gần nhất góp mặt ở Bundesliga 

Tuy nhiên, luật lệ cũng thay đổi theo với 4 suất xuống hạng thay vì 2 như trước đó, nhằm đưa giải trở về 18 đội sau mùa “quá độ” này. Do sự khác biệt khá lớn về trình độ cũng như điều kiện kinh tế lúc bấy giờ, bóng đá Đông Đức tỏ ra lép vế so với Tây Đức. Ngay trong mùa đầu tiên, 1991-1992, Hansa Rostock đã phải nói lời từ biệt với Bundesliga khi chỉ xếp thứ 3 từ dưới lên, để lại một mình Dynamo Dresden ở giải vô địch quốc gia. Gắng gượng được 4 mùa, Dynamo Dresden cũng “đội nón ra đi”. May sao trước đó một năm, VfB Leipzig đã kịp thời vươn lên để duy trì sự góp mặt của bóng đá Đông Đức ở Bundesliga.

Từ ngày thống nhất cho đến nay, chưa bao giờ bóng đá Đông Đức có nhiều hơn 2 đại diện ở Bundesliga. Chỉ có 5 mùa giải là Đông Đức có 2 đại diện, còn lại chỉ có 1. Thậm chí, mùa 2005-2006, bóng đá Đông Đức còn vắng bóng trên bản đồ Bundesliga và thảm họa ấy tiếp tục diễn ra ở mùa giải này. Cuối mùa trước, Cottbus xếp thứ 3 từ dưới lên và phải đá play-off với đội thứ 3 từ trên xuống ở giải hạng Nhì. Kết quả là Cottbus thất bại sau 2 lượt trận và phải xuống đá ở hạng Nhì, nhường suất dự Bundesliga cho Nuremberg. Ngày nay, những cái tên lừng lẫy một thời của bóng đá Đông Đức như 1. FC Magdeburg hay FC Carl Zeiss Jena thỉnh thoảng mới xuất hiện và để lại chút ấn tượng ở... Cúp quốc gia Đức.

Trên phương diện đội tuyển, thành tích của bóng đá Đông Đức trước đây cũng bị “xóa sổ”. Thay vào đó, đội tuyển Đức bây giờ thừa hưởng mọi thành quả của đội tuyển Tây Đức trước kia. Trong nhiều thống kê chính thức, mảng thành tích của đội tuyển Đông Đức trước đây cũng bị “bỏ quên”, dù FIFA vẫn công nhận những đóng góp của họ (đội tuyển Đông Đức trở thành thành viên của FIFA vào tháng 2/1951). World Cup 1974 tổ chức ở Tây Đức là giải đấu lớn duy nhất mà đội tuyển Đông Đức góp mặt. Hai đội tuyển Tây Đức và Đông Đức đã nằm chung một bảng. Họ hòa nhau 1-1 ở trận đấu cuối cùng vòng bảng thứ nhất. Trong khi Tây Đức giành chức vô địch thì Đông Đức đã bị loại ở vòng bảng thứ hai.

Kỷ lục của Joachim Streich, ghi 53 bàn trong 102 trận cho đội tuyển Đông Đức, không được tính đến trong bảng thống kê các chân sút hàng đầu của đội tuyển Đức bây giờ. Trong số những người từng khoác áo cả 2 đội tuyển, Đông Đức trước kia và Đức sau này, nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến Ulf Kirsten (100 trận/34 bàn, tính cả 2 thời kỳ), Matthias Sammer (74 trận14 bàn), Andreas Thom (61 trậ/18 bàn) hay Thomas Doll (47 trận/8 bàn). Sammer chính là Cầu thủ xuất sắc nhất EURO 1996 - giải đấu gần nhất mà đội tuyển Đức đăng quang. 20 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, bóng đá Đông Đức đã sụp đổ theo...

Theo AP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC