Khi ngày trở lại của Ribery đã cận kề, Chủ tịch Uli Hoeness phát biểu chẳng liên quan: “Nếu việc gia hạn hợp đồng với cậu ấy thất bại, chúng tôi sẽ bán Ribery. Mức giá từ 50-60 triệu euro”. Đó là một dạng “tối hậu thư”?
Tính thời điểm của phát ngôn ấy chỉ hợp lý ở một điểm: Kỳ chuyển nhượng mùa Đông sắp mở cửa, và nếu Bayern muốn bán Ribery thật thì họ không phải chờ lâu nữa. Còn lại, thật khó giải thích tại sao Hoeness lại bắn tin chẳng lành ấy cho “Gã mặt sẹo” đến ngay lúc này, khi anh đang háo hức tập luyện để trở lại cống hiến cho Bayern. Thế nhưng nếu nhìn nhận kỹ lưỡng, thực tế là Hoeness đã “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói, bởi ông đã có đủ lý do để đưa ra phát ngôn ấy vào thời điểm này.
Thường thì để tránh sai lầm trước khi đưa ra một quyết định, người ta sẽ cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại (nếu thiệt hại lớn hơn thì không làm). Phát biểu của Hoeness có thể kích thích sự tự ái trong Ribery và khiến ý định gia hạn hợp đồng đổ bể. Thế nhưng khi hợp đồng của anh chỉ còn hạn đến tháng 6/2011 (thực tế là đến ngày 1/1/2011, bất cứ đội bóng nào cũng có thể tiếp cận anh với tư cách là cầu thủ tự do), Bayern cũng không thể để anh cứ “im ỉm” như hiện tại để rồi đứng trước nguy cơ mất trắng cầu thủ mà họ đã từng bỏ ra 25 triệu euro để đưa về từ Marseille năm 2007.
Hoeness không nói chơi. Nếu bán Ribery ngay lúc này đúng với giá trị mong muốn (50-60 triệu euro), Bayern lãi gấp đôi. Không có anh, đội bóng xứ Bavaria vẫn đang chơi cực hay với sơ đồ kim cương mà Louis Van Gaal đang áp dụng. Tóm lại, ngay cả khi Ribery có nổi xung trước ý định của Hoeness và quyết định không gia hạn hợp đồng, Bayern vẫn còn gần một năm để lo việc tống anh đi. Níu giữ được Ribery thì tốt, bởi anh vẫn là một trong những tiền vệ công hàng đầu Thế giới tại thời điểm này, nhưng truyền thống của Bayern là không lưu luyến ai muốn ra đi. Và trên hết, ở Olympia trước kia và Allianz hiện tại, “chủ nghĩa dân tộc” luôn được đề cao lên tất thảy.
Có vẻ là Bayern đang đánh mất bản sắc. HLV của họ là Louis Van Gaal, băng đội trưởng của họ đeo bên cánh tay của Mark Van Bommel, đều là người Hà Lan. Các CĐV Bayern từng đau đớn theo chấn thương của Ribery, một người Pháp. Đội bóng xứ Bavaria từng sống trên đôi cánh Pháp - Hà Lan (Ribery – Robben). Và thời của Ottmar Hitzfeld trên băng ghế chỉ đạo, còn những Franz Beckenbauer, Stefan Effenberg, Oliver Kahn là biểu tượng trên sân cỏ đã qua rồi?
Không hề. Ở thượng tầng, Hoeness và CEO Rummenigge sẽ luôn đưa Bayern trở lại với đúng quỹ đạo truyền thống. Ribery trở lại thì sao? Anh ta đã từng nằng nặc đòi đến Real Madrid hồi đầu mùa (thậm chí bỏ cả tập), và không biết đến bao giờ cái cảnh dở khóc dở cười ấy sẽ tái diễn. Nhiều người có thể lầm tưởng rằng tiền vệ người Pháp có thể trở thành một biểu tượng ở Allianz, với tài năng và tầm ảnh hưởng lớn đến lối chơi, nhưng người Đức chưa bao giờ muốn có một lá cờ đầu không mang ba màu Đen-đỏ-vàng. Khi sơ đồ kim cương, cách sắp xếp “lăng xê” hai sản phẩm “cây nhà lá vườn” Bastian Schweisteiger và Thomas Mueller, đang đem đến thành công, Hoeness chẳng ngại gì mà không “cảnh cáo” nhẹ nhàng với Ribery.
Bây giờ, bóng ở trong chân tiền vệ người Pháp. Anh đã hiểu mình đơn giản vẫn chỉ là người làm thuê. Ribery không phải người Đức, mà kể cả có là người Đức nhưng không trung thành (Ballack là một ví dụ), Bayern cũng chẳng bao giờ giữ. Bởi những người như thế không thể là một phần lịch sử của họ. Một phần của tính cách Đức.
Theo TTVH.