Mang đến Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam bản tiếng Đức cuốn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp vừa mới phát hành tại Đức, dịch giả Gunter Giesenfeld cho biết, ông hiện đang quan tâm đến các tác giả nữ của Việt Nam và sẽ tìm hiểu để dịch các tác phẩm của họ trong thời gian tới.
- Thưa ông, ông ấn tượng với tác giả nào của văn học Việt Nam?
- Tôi từng quen biết và trở thành bạn của nhà thơ Chế Lan Viên. Khi ông ấy sang Đức, đã qua nhà tôi chơi. Ông đọc cho tôi nghe những bài thơ của ông ấy và tôi - mặc dù bất đồng ngôn ngữ- nhưng thấy rất hay. Sau đó chúng tôi làm việc cùng nhau để dịch những bài thơ đó ra tiếng Đức. Ông ấy dịch nghĩa và tôi chuyển thành thơ. Tôi cũng thích những bài thơ của Nguyễn Đình Thi, trong sáng, tha thiết mà hào sảng.
Tìm hiểu về danh mục sách Việt Nam.
- Ông có thể nói thể nói rõ hơn cảm nhận của mình về thơ Chế Lan Viên?
- Thơ Chế Lan Viên giàu nhịp điệu, suy tư. Thơ nói về những cảm xúc trong tâm hồn mình mà làm bật lên được tinh thần của cả một dân tộc. Tôi rất thích tập Ánh sáng và phù sa của ông.
- Văn học Việt Nam đương đại, ông quan tâm đến tác giả nào?
- Theo tôi biết, văn học Việt Nam hiện đại có nhiều tác giả nữ. Các nhà văn nữ Việt Nam rất sâu sắc. Họ chịu khó tìm tòi cả về nội dung lẫn cấu tứ. Tôi đang dự định sẽ lần lượt dịch các tác phẩm của các nhà văn nữ này ra tiếng Đức.
- Ông đã từng dịch và xuất bản nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Đức, vậy ông có thể cho biết độc giả Đức đón nhận những tác phẩm đó như thế nào?
- Tôi chưa nhận được một phản hồi nào từ phía độc giả Đức. Các cuốn sách mà tôi dịch và in với số lượng ít, và cũng phát hành trong phạm vi hẹp. Tôi thực sự không biết phản hồi của độc giả Đức thế nào.
- Vậy theo ông, làm thế nào để giới thiệu văn học Việt Nam ở Đức một cách tốt nhất?
- Quan trọng nhất là tìm được dịch giả giỏi và biên tập viên giỏi. Dịch giả phải có kiến thức nền cơ bản về văn hóa, lịch sử và phong tục Việt Nam thì mới chuyển tải được hết cái hay của tác phẩm. Tất nhiên không hẳn tác phẩm hay là có thể bán chạy trên thị trường, điều này cần nhiều yếu tố khác. Song tôi vẫn cho rằng, dịch và biên tập vẫn là khâu quan trọng đầu tiên. Tôi nghĩ rằng văn học chính là cầu nối để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt - Đức. Nên càng chuyển tải được nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Đức, thì việc làm này càng có ý nghĩa. Riêng tôi, sau hội nghị này tôi sẽ bắt đầu dự án dịch các tác giả nữ vừa nói trên, và một số truyện lịch sử, tiểu sử nữa.
- Vâng, xin cám ơn ông và chúc ông thành công với những dự định của mình.
Thu Trang - TH.