Nhà soạn nhạc Đức Ludwig van Beethoven (17/12/1770 - 26/3/1827) từng gây xúc động nhiều người với âm nhạc của mình và đến giờ vẫn vậy.
Khi Liên hoan Beethoven 2010 (Beethoven Festival) bắt đầu diễn ra (từ ngày 10/9 đến 9/10), nhiều người đặt vấn đề nghiên cứu xem yếu tố gì khiến các nhạc phẩm của nhà soạn nhạc này vẫn làm say mê nhiều thế hệ công chúng.
Beethoven Festival là sự kiện âm nhạc được tổ chức vào tháng 9 hằng năm, trong đó gồm khoảng 70 chương trình hòa nhạc của các dàn nhạc, nghệ sĩ solo và dàn đồng ca quốc tế được tổ chức ở hơn 20 địa điểm của Bonn và nhiều nơi khác ở xung quanh. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1845 nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Beethoven.
Nhiều người cho rằng, nhạc của Beethoven đã được trình diễn nhiều hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào khác. “Ngày nay Beethoven vẫn gây được nhiều quan tâm khắp thế giới”, ông Michael Ladenburger, giám đốc kiêm nhà điều hành của bảo tàng Beethoven ở Bonn, cho hay.
“Âm nhạc của Beethoven không chỉ là một sản phẩm âm nhạc mà mọi người thường nghe khi họ đang trong một tâm trạng nhất định, mà thay vào đó nhiều người trên toàn cầu cho rằng nhạc của Beethoven làm phong phú cuộc đời họ theo cách rất riêng tư và trực tiếp. Nói một cách nào đó, âm nhạc của Beethoven rất cần thiết cho cuộc sống của họ”.
Các nhạc phẩm thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt
Có không ít minh chứng cho thấy sức mạnh lâu dài của nhà soạn nhạc, như ở thành phố Kinshasa thuộc miền Trung châu Phi, một nhóm nhạc sĩ không chuyên đã thành lập dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của khu vực và trình diễn nhạc Beethoven. Nhà soạn nhạc này còn là một phần trong chương trình giáo dục âm nhạc cho giới trẻ mang tên El Sistema của Venezuela. Thậm chí các tù nhân trong các trại tập trung trong Thế chiến II cũng đã thành lập những nhóm nhạc và chơi các nhạc phẩm của Beethoven, coi đó là cách để họ đối diện với nỗi thống khổ của mình. Nhưng tại sao âm nhạc của ông lại nhận được sự cổ vũ đầy say mê như vậy?
“Một phần do thực tế là mọi người biết được cuộc đời của Beethoven, những vấn đề về sức khỏe, bệnh điếc của ông, những vận xấu trong cuộc đời và cuộc vật lộn đối chọi với tất thảy những điều đó của ông”, Ladenburger cho biết. Song đó không phải là tất cả: “Khác với hầu hết các nhạc sĩ, Beethoven đã đổ nhiều máu, mồ hôi và nước mắt để tìm ra được một “form” lý tưởng cho các tác phẩm của mình”.
Thông điệp đạo đức vô tận
Beethoven đã soạn những nhạc phẩm cho các dịp và sự kiện đặc biệt, song nhiều tác phẩm của ông còn thể hiện lý tưởng đạo đức và người hâm mộ ông nhận thấy điều đó. Đây là lý do góp phần giải thích tại sao những người “sùng bái” ông lại tụ nhau lại và trình diễn nhiều lần các nhạc phẩm của ông. Tuy nhiên, ông Ladenburger không đồng tình khi nhiều nhạc phẩm của Beethoven được trình diễn “không đúng chỗ”. “Thật đáng tiếc khi Bản giao hưởng số 9 trình diễn quá nhiều mà không được cân nhắc. Nếu còn sống chắc hẳn Beethoven sẽ không hài lòng khi bản giao hưởng này và nhiều nhạc phẩm khác của ông được chơi vì sự vui thú chứ không hề để ý gì đến thông điệp đằng sau chúng”.
Bảo tàng Beethoven ở Bonn nổi tiếng thế giới là nơi giúp người hâm mộ hiểu rõ hơn về nhà soạn nhạc. Kể từ khi bảo tàng này đưa bộ sưu tập của mình lên mạng internet thì đã có nhiều câu hỏi về nhạc sĩ bậc thầy này hơn bao giờ hết. Trong Diễn đàn Beethoven, mọi người có thể hỏi bất cứ câu gì, chẳng hạn như Beethoven có thích câu cá không (ông không thích) và ông có thể trải nghiệm cuộc sống ngày nay như thế nào.
Theo ông Michael Ladenburger, Beethoven đã tự đặt vấn đề xử lý với danh tiếng và là người của công chúng một cách sâu sắc. “Beethoven tự hỏi: là một người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa gì đối với mình và điều đó mang lại những lợi lộc và kết quả thực tế gì”. Tuy nhiên, ông Ladenburger có lý do để tin rằng Beethoven có khả năng thích ứng được với xã hội đương đại và tin chắc ông sẽ là một triệu phú bằng việc nhận tiền bản quyền các sáng tác của mình!”.
Theo AFP.