Tương lai của Kuranyi tại ĐT Đức vẫn chưa được quyết định. HLV Joachim Loew tiếp tục "treo" Kuranyi, trước sự phản ứng từ mọi phía.
Các CĐV, các chuyên gia, thậm chí cả Hoàng đế Beckenbauer đều lên tiếng ủng hộ tiền đạo của Schalke, nhưng Loew vẫn im lặng. Cánh cửa đến với VCK World Cup 2010 của Kuranyi chưa khép lại, nhưng nó sẽ rất khó mở ra dù anh đang là tiền đạo Đức hay nhất ở mùa giải năm nay!
Từ trước đến nay, chưa bao giờ có ĐTQG nào lại bỏ “Vua phá lưới” ở nhà trước một giải đấu lớn. Nhưng với ĐT Đức có sức mạnh tập thể, điều gì cũng có thể xảy ra. Kể từ VCK World Cup 1990 đến nay, ĐT Đức luôn có những tiền đạo hay nhất tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Có thể họ là những người có khả năng ghi bàn tốt nhất thời điểm đó như Bierhoff năm 1998 (27 bàn), S.Kuntz năm 1994 (18 bàn), hay Klose năm 2006 (25 bàn). Nhưng trái lại, ĐT Đức cũng trọng dụng những công thần có hiệu suất ghi bàn rất thấp như Littbarski năm 1990, chỉ có 8 bàn cho Cologne, Riedle chỉ ghi 4 bàn khi dự VCK World Cup 1994, F.Mill có 2 bàn trước khi đến VCK World Cup 1990, hay C.Jancker chẳng có bàn thắng nào ở Bayern khi dự kỳ World Cup 2002. Với ĐT Đức, đẳng cấp và bản lĩnh chinh chiến ở đấu trường quốc tế, cùng phần nào là tiếng tăm mới là những người chắc suất. Chính vì thế mà dù có sa sút phong độ tệ hại nhưng Podolski, Klose, Trochowski, Hitzlsperger, A.Friedrich, Schweinsteiger… vẫn là những người được Loew chọn đầu tiên, chứ không phải Kuranyi, Kiessling, Kroos…
Với 18 bàn sau 30 vòng đấu tại Bundesliga, cả Kiessling lẫn Kuranyi đều xứng đáng có mặt tại Nam Phi. Nếu tính số bàn thắng, họ còn xếp thứ Năm trong danh sách những tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất tại giải VĐQG từng góp mặt ở World Cup. Thế nhưng, với Loew bàn thắng không phải là tất cả. Tính kỷ luật, sự ăn khớp trong đấu pháp và tính hiệu quả trong lối chơi mới là điều quan trọng. Kiessling không phù hợp với đấu pháp, còn Kuranyi lại vô kỷ luật. Đó là lý lẽ của Loew!
Trên thực tế, những “Vua phá lưới” tại giải VĐQG không hẳn đã là những người hữu dụng nhất tại World Cup. Khi ĐT Pháp vô địch World Cup 1998, HLV Aime Jacquet cũng đã tin dùng “Vua phá lưới” Ligue 1 là Stephane Guivarc’h, thậm chí tiền đạo này còn là mũi nhọn duy nhất trên hàng công. Kết thúc giải đấu đó, Guivarc’h ra sân 5 trận và không ghi nổi bàn nào. Năm 2002, bộ ba “Vua phá lưới” Cisse (Ligue 1), Henry (Premiership), Trezeguet (Serie A) không có bàn thắng nào trong tấn thảm kịch của ĐT Pháp (bị loại ở vòng bảng với 1 điểm và 0 bàn thắng). Khi đó, nếu Loew loại Kuranyi cũng không hẳn vô lý!
TH.