“Nụ hôn anh em” là tên một bức tranh của họa sĩ người Nga Dmitry Vrubel (sinh năm 1960), được thể hiện ở phần phía đông của bức tường Berlin.
Trên bức bích họa, họa sĩ đặc tả nụ hôn giữa cựu Tổng Bí thư đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev và nhà lãnh đạo lâu năm của Đảng CS Đức Eric Honecker.
Tháng 6 năm 1990, khi được mời đến “tô điểm” cho bức tường lịch sử, Dmitry Vrubel không thể ngờ rằng, chính bức vẽ ấy đã khiến họa sĩ trẻ trở nên nổi tiếng, và tên tuổi Vrubel đi vào lịch sử nhờ miếng bê tông 2mx2,6m độc đáo!
Trong 20 năm qua, biết bao lượt khách du lịch từ các nước trên thế giới đã ghi lại hình ảnh của mình bên cạnh “nụ hôn” chính trị này.
Bức tường Berlin từng được dự đoán có tính bền vững qua một trăm năm, bất chấp xe tăng, súng ống. Nhưng khí hậu ở Berlin có vẻ như mạnh hơn cả xe tăng, đã bào mòn bức tường cùng những bích họa được thực hiện cách đây 19 năm, gồm các tác phẩm của 118 họa sĩ đến từ 21 quốc gia trên thế giới.
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, một nhóm họa sĩ đứng đầu là họa sĩ người Iran Kani Alavi lập ra East Side Gallery’s Artists’ Association, một tổ chức phi thương mại, đặt ra mục tiêu gìn giữ cho thế hệ mai sau những phần còn lại của bức tường Berlin. Ý tưởng phục chế lại các bức bích họa lịch sử đã được Kani Alavi trăn trở nhiều năm nay.
Năm 2000, ông đã thử cho tu tạo khoảng 300 mét tường và sau đó ráo riết chuẩn bị tài chính cho dự án. Tính đến mùa thu 2008, Alavi đã thu được 2 triệu Euro dành cho việc này
Theo hãng tin RIA, trong mùa hè 2009, 91 họa sĩ trong số 118 người nói trên đã và đang tập trung tại thủ đô nước Đức để phục chế lại những bức tranh của mình trên đoạn tường dài 1300 mét, hướng tới kỷ niệm 20 năm hàng rào ngăn giữa hai phần đông - tây của Berlin bị phá bỏ.
Dự kiến việc phục chế tranh sẽ hoàn thành trước tháng 11/2009. Mỗi họa sĩ sau khi hoàn thành công việc này sẽ được nhận 3 nghìn Euro, ngoài ra được tài trợ chi phí ăn ở đi lại, vé máy bay.
Riêng họa sĩ Dmitry Vrubel tuyên bố không nhận tiền thù lao từ East Side Gallery và từ chối ký hợp đồng với công ty này. Ông muốn tự tay làm hồi sinh đứa con tinh thần ngày nào của mình.
Ông tỏ ý thất vọng vì những điều kiện cho “công nghệ” phục chế tranh do East side Gallery đặt ra, đó là… xóa bỏ hoàn toàn những phần còn lại của các bức tranh trên tường, rồi vẽ lại chúng.
Theo Vrubel, đây là quá trình “làm nhái” bức tường xưa chứ không phải là phục chế! Quả vậy, đó cũng là ý tưởng của Alavi, muốn bức tường phải được làm lại bằng phẳng, và các bích họa phải được thể hiện một cách hoàn hảo nhất.
Tháng 3/2009, người ta bắt đầu tẩy rửa tất cả những dấu vết còn lại của các bức tranh trên phần tường. Cả Brezhnev lẫn Honecker và nụ hôn lịch sử đã biến mất không còn dấu vết!
Ngày 16/6/2009, cùng với vợ là họa sĩ Viktoria Timopheeva, Vrubel đã bắt tay vào công việc của mình tại nước Đức. Ngoài “Nụ hôn anh em”, họa sĩ người Nga còn một bức khác cần phải vẽ lại ở đây, với tên “Cảm ơn Andrei Sakharov!”
Việc phục chế bức tranh này sẽ được hoàn thành trong vòng tháng 7 năm nay
Vrubel cho biết, hai bức tranh sẽ được hoàn tất trong vòng một tháng nữa. “Nụ hôn” mới này sẽ không hoàn toàn giống nguyên bản của nó, mà sẽ có những chi tiết khác biệt nho nhỏ. Gần 20 năm trước, họa sĩ chỉ mất có một tuần để hoàn thành “Nụ hôn anh em”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA, Dmitry Vrubel nói: “Đây có thể nói là một trường hợp nghệ thuật đã chiến thắng chính trị.” Vrubel hy vọng rằng, sau khi bức bích họa được phục chế, người ta sẽ đến đây xem tranh với tâm trạng vui vẻ mà quên đi tất cả những rắc rối lịch sử liên quan đến bức tường này.
Thế nhưng, nhiều người cho rằng, bức tường Berlin ngoài việc là chứng nhân của lịch sử và mang giá trị kinh doanh du lịch thì giá trị về nghệ thuật không có nhiều. Nhà phê bình nghệ thuật Đức Kathrin Becker đã nhận định như vậy về các bức bích họa.
Bà chỉ đánh giá cao duy nhất trường hợp “Nụ hôn anh em” của Dmitry Vrubel. Theo bà, bức tranh này từng là một điểm nhấn độc đáo cho phần còn lại của bức tường, và nhiều người đến đây… vì nó.
Một điều thú vị cần nói thêm rằng trong lịch sử ngoại giao giữa Liên Xô cũ với các quốc gia khác, khái niệm “Nụ hôn anh em” là khái niệm đặc biệt mà người Nga đã đem đến cho lãnh tụ các nước xã hội chủ nghĩa. 3 lần hôn vào môi – là thủ tục ngoại giao quan trọng một thời. Lần cuối người ta thực hiện “thủ tục” này là thời của cựu Tổng thống LB Nga Boris Eltsin.