Tùng Dương: "Tôi chỉ là sóng ngầm"Trong khi nhiều nam ca sĩ cùng trang lứa đang trở thành các hot boy của làng nhạc thì Tùng Dương lại chọn cho mình một lối đi riêng, không "đụng" hàng với bất kỳ ai. Anh tự ví mình chỉ là con sóng ngầm dưới đáy biển, làm nghệ thuật vì đam mê chứ không vì tiền.

- Là ca sĩ có phong cách gắn liền với chữ “quái”, anh hiểu chữ “quái” này như thế nào?

- Mỗi ca sĩ trước khi bước lên sân khấu phải có một chút điên, chút ngầu trong phong thái. Tôi chỉ thực sự thăng hoa trong nghệ thuật khi bước lên sân khấu. Nhưng nếu chỉ thăng hoa không thì người ca sĩ nào mà chẳng có. Không thể gọi nó là quái được.

Tôi muốn đi theo xu hướng Indie music (âm nhạc độc lập) mà ở đó, tôi có thể tự do vùng vẫy thể hiện mọi sự sáng tạo mà không có gì cản trở. Điển hình là album Những ô màu khối lập phương, trong đó có trạng thái điên điên, tỉnh tỉnh của những số phận đau khổ. Tôi không hát những ca khúc vui vẻ, hạnh phúc như các đồng nghiệp khác mà lại khai thác đề tài trái ngược hẳn là bởi tôi muốn chia sẻ với họ.

Khi tôi hát về họ, tôi cũng hát cho chính bản thân mình. Tôi thực sự hoá thân vào nhân vật trong bài hát. Âm nhạc của tôi luôn kích thích được trí tưởng tượng của người nghe. Không phải khi họ về nhà trong tình trạng mệt mỏi, quăng cái cặp xuống và bật nhạc Tùng Dương lên mà họ phải tìm nghe đúng vào thời điểm trùng với tâm trạng của họ.

Tùng Dương:

"Âm nhạc của tôi không hề dễ dãi, dễ tính mà phải có gu"

- Một khoảng thời gian anh để đầu trọc, đi chân đất trên sân khấu hát “Con cò” khiến khán giả shock và hậu quả là anh ế show. Điều đó cho thấy, việc làm của anh không nhận được sự đồng cảm từ phía khán giả?

- Tôi có một số người bạn làm bầu show, họ ghi tên tôi vào danh sách các ca sĩ hát trong chương trình nhưng nhà tài trợ lại gạch tên tôi đi. Họ cứ nghĩ tôi đến đó sẽ xuất hiện với phong cách như thế, đi chân đất và hát như nhập đồng.

Bài Con cò có lời ca, giai điệu rất đẹp, chứa đựng hình ảnh của người Việt Nam và tôi nghĩ, để làm cho nó thật thăng hoa thì tôi phải cho nó một cái gu. Tất cả hình thức mà tôi thể hiện như để đầu trọc, đi chân đất… chỉ là giúp cho tôi thăng hoa hơn mà thôi.

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi bản thân, sao mình không được cái này mà được cái kia. Ông trời cũng công bằng, bù đắp cho tôi nhiều thứ. Những ca sĩ cùng thời điểm với tôi toàn trở thành các hot boy trong làng nhạc nhưng tôi thì lại đứng ở một sân riêng. Tôi không phải là họ, tôi biết nên đứng ở đâu chứ tôi không muốn mình trở thành trò lố. Trong nghệ thuật, chỉ cần mình làm quá mức đi một chút thì lập tức nó sẽ trở thành cái lố bịch. Người nghệ sĩ phải đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó.

Tôi chỉ là sóng ngầm

Tùng Dương:
"Tôi hiểu rõ công việc tôi đang làm, thị phần của tôi trong thị trường âm nhạc ra sao. Tôi không phải là người nổi trội, đang hot trên thị trường, tôi làm nghệ thuật với những gì tôi muốn"

- Anh không thấy chạnh lòng hay sao khi cùng biểu diễn trên một sân khấu, khán giả chỉ hò reo tên ca sĩ đang hot trên thị trường mà không chú ý đến anh?

- Fan của tôi không phải lúc nào cũng đi theo tung hô, hò reo khi tôi biểu diễn trên sân khấu hay tôi phải trả tiền cho họ để họ cổ vũ. Tôi hiểu rõ công việc tôi đang làm, thị phần của tôi trong thị trường âm nhạc ra sao. Tôi không phải là người nổi trội, đang hot trên thị trường, tôi làm nghệ thuật với những gì tôi muốn.

Sau Sao Mai Điểm hẹn, rất nhiều ca sĩ đầu quân về chỗ A, chỗ B nhưng riêng tôi thì chưa từng nhận được bất kỳ lời mời nào từ phía các công ty giải trí. Như vậy để thấy rằng tôi không phải là người được số đông đón nhận. Cái quan trọng với tôi là thuyết phục được những người làm trong nghề, nếu không thuyết phục nổi họ thì chẳng còn chuyện gì để nói cả. Nói thật là những người trong nghề chẳng ai phục ai cả và nếu phục nhau thì cũng chỉ giữ âm ỉ trong bụng chứ không bao giờ nói ra. Nhưng tôi biết những ánh mắt của họ dành cho tôi. Cái tôi mong muốn nhất là họ và khán giả hiểu và trân trọng những giá trị nghệ thuật của tôi.

Tôi không đòi hỏi khán giả của tôi phải có trình độ thế này, thế kia mà họ hãy cảm nhận âm nhạc của tôi bằng trái tim, rung cảm riêng của họ. Có hai bức tranh, một trừu tượng, một chân dung nhưng tuỳ vào gu của từng người mà họ sẽ chọn bức tranh nào treo trong nhà họ. Âm nhạc của tôi cũng thế, nó không hề dễ dãi, dễ tính mà phải có gu.

Tùng Dương:
Tùng Dương tự ví mình chỉ là con sóng ngầm dưới đáy biển, làm nghệ thuật vì đam mê chứ không vì tiền.

- Anh tự cho mình không nổi trội, vậy hoá ra anh cho mình là cơn sóng ngầm dưới đáy biển?

- Tôi nghĩ là như thế. Mục tiêu làm nghệ thuật của tôi là để lại những giá trị nghệ thuật trong đời sống âm nhạc chứ không phải nổi lên như một con sóng dữ và nhanh chóng tan thành bọt biển trong chốc lát.

- Nhưng cũng có lúc, sóng ngầm lại bung phá một cách rất mãnh liệt?

- Tôi không thích mình trở thành những đợt sóng bung phá như thế. Tôi làm nghệ thuật là vì cái tâm còn tất cả những thứ khác chỉ là phù du mà thôi. Hôm nay tôi đoạt giải thì ngày mai nó sẽ bị trôi vào quá khứ, tôi lại phải lao động để có đón nhận những thành quả mới. Mỗi ca sĩ có một mục tiêu để chinh phục và chẳng ai nói rằng tôi cảm thấy mình "đã" với chính mình và không biết mình lên đến đỉnh khi nào. Có thể người ta được danh hiệu cao quý này, cao quý kia nhưng chưa chắc họ là người lên đến đỉnh. Các diva, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân mà người ta trao cho bạn chỉ để khẳng định đẳng cấp của bạn đang ở đâu.

Tôi không phải là người thích đi kiếm tiền. Nếu như thế tôi sẽ trở thành một con robot biết hát như nhiều ca sĩ bây giờ. Họ được đào tạo để đi hát như một con robot, thậm chí còn chưa đạt đến trình độ robot biết hát. Họ không có thực tài. Nói thực, khi ngồi quán café nghe các bạn ca sĩ trẻ hát, tôi thực sự thấy buồn và không hiểu họ đang hát cái gì. Nhiều người cùng tuổi tôi hoặc lớn hơn cũng hát những ca khúc hời hợt, biến thái, lời ca được viết ra chỉ cho đúng với nốt nhạc chứ không có một cái cảm xúc gì.

Nhiều người nói, “Sao Dương dại thế, không tận dụng cái nghề mà kiếm sống, sao không vào Sài Gòn để làm ăn. Bây giờ phải nghĩ đến lợi ích về kinh tế chứ?”. Nhưng tôi có vấn đề của riêng mình và tôi cố gắng cân bằng mọi thứ. Với mức tiền tôi kiếm được cộng với đồng lương của bố mẹ bây giờ chỉ đủ ăn chứ chẳng dư dả gì. Tôi tin ông Trời đã cho mình cái số mệnh như thế rồi. Tôi không thể trở thành con buôn. Có đi coi bói thì thầy cũng phán rằng cái số tôi mà làm ăn, buôn 10 thì chỉ được 7 hoặc 6. Tôi cũng không phải là người quá tin vào chuyện bói toán nhưng tôi nghĩ mình không có cái năng khiếu ở mảng đó. Tôi sinh ra chỉ để hát và làm nghệ thuật thôi.

Cát-xê cao nhất là 50 triệu

Tùng Dương:
Tùng Dương từng nhận được số tiền 50 triệu cho một event.

- Giữa hai chữ danh và lợi anh sẽ chọn chữ nào?

- Tôi sẽ chọn cái danh bởi vì đã theo con đường nghệ thuật, trở thành ca sĩ thì bạn phải nổi tiếng, có một thương hiệu. Nó không cần lúc nào cũng phải hot trên thị trường, phải nhiều scandal nhưng công chúng phải biết đến anh, không thì anh mãi mãi sẽ chỉ là một ca sĩ hạng 3, hạng 4 mà thôi. Nếu bạn làm nghệ thuật mà không vì chữ danh thì bạn chẳng có động lực nào thúc đẩy bạn lao động cả.

- Nhưng không có lợi thì làm sao anh nuôi nổi cái danh?

- Bởi vậy mà mình phải cân bằng giữa hai cái đó. Đâu thể so sánh với các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới như Celine Dion, Michael Jackson, Madonna khi họ giữ được tính nghệ thuật nhưng vẫn đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Ở Việt Nam không có trường hợp đó.

Những tỷ phú về âm nhạc thì chỉ có trên thế giới mà thôi. Ngôi sao của họ sống bằng ánh hào quang và chỉ mỗi việc bán đĩa thôi cũng giúp họ trở thành tỷ phú. Trong khi đó, tôi vừa ra đĩa, ngoài thị trường đã tràn lan đĩa lậu, lãi thì chả thấy đâu mà toàn lỗ tịt ngấm tịt ngầm. Mỗi lần phát hành album là một lần tôi cắn răng chịu đựng vì bỏ một đống tiền ra mà chẳng thu về được bao nhiêu. Điển hình là Những ô màu khối lập phương, sức tiêu thụ cực chậm, thậm chí không bằng album trước nhưng tôi tự hào về nó.

Đối với tôi, kinh tế là quan trọng nhưng nó không phải là thứ yếu. Cái thúc đẩy tôi lao động là niềm đam mê nghệ thuật chứ không phải vì tiền. Tôi là một ca sĩ nghèo. Các bạn ca sĩ cùng trang lứa với tôi bây giờ có cả xe Mercedes nhưng tôi vẫn đi xe ôm, taxi hoặc người trợ lý chở đi bằng xe máy.

Tôi nghĩ, mức cát-xê hiện nay chưa xứng đáng với những công sức mà tôi bỏ ra. Tôi không so bì với nhiều ca sĩ khác bởi nếu họ là một cái tên hot trên thị trường thì tất nhiên mức cát-xê mà họ nhận được cũng sẽ nhiều hơn tôi.

- Vậy hỏi thẳng, cát-xê cao nhất của anh là bao nhiêu?

- Một lần duy nhất từ khi đi hát đến bây giờ tôi nhận được số tiền 50 triệu cho một event. Thực tế, cát-xê của tôi chỉ bằng 1/2 số tiền đó nhưng vì tôi hát quá hăng say và nhiệt tình mà họ thưởng thêm cho tôi. Tôi quý trọng điều đó vì họ hiểu được giá trị của tôi, yêu mến tôi.

Tôi cũng như các bạn ca sĩ khác rất ngại nói về chuyện cát-xê trên mặt báo, nhưng tôi đã nói ra mức cát-xê cao nhất của mình thì bạn cũng sẽ đoán ra mức cát-xê trung bình của tôi là bao nhiêu.

Theo Tintuconline.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC