Trên văn đàn Đức vừa xảy ra scandal khi một tài năng trẻ mới bắt đầu tỏa sáng đã bị bóng đen về chuyện đạo văn bao phủ.
Helene Hegemann mới 18 tuổi nhưng các phương tiện thông tin đại chúng đã gọi cô là tài năng văn học mới của nước Đức. Tiểu thuyết Axolotl Roadkill (tạm dịch: Axolotl vỡ nát) của cô xuất bản tháng 2/2010 được đánh giá rất cao. Tác phẩm này kể về một thiếu nữ 16 tuổi sớm trải đời, nghiện ma túy và chấp nhận quan hệ tình dục để đổi lấy “thuốc”. Tuổi thơ bị đánh cắp, tuổi dậy thì lại sa ngã nên cô bé cảm thấy mệt mỏi trước cuộc sống. Từ tên gọi đến tình tiết cuốn Axolotl Roadkill chứa đựng ý nghĩa ẩn dụ: Axolotl là ấu trùng một loài cá đặc biệt, chúng có thể sinh sản mà không cần đợi đến giai đoạn trưởng thành. Nhân vật chính có lá bùa là một con axolotl nhưng nó lại bị vỡ nát. Cô bé trong cuốn tiểu thuyết cũng là một dạng axolotl, sa đà vào sex khi chưa kịp lớn.
Cuốn tiểu thuyết này đã gây xôn xao văn đàn Đức. Một cô gái còn quá trẻ như Hegemann lấy đâu ra sự từng trải để đề cập đến một chủ đề nhạy cảm, có ý tưởng táo bạo và các chi tiết rất “đắt” như vậy? Nhưng rất nhanh chóng, “tài năng văn học trẻ” bị lôi vào một vụ tai tiếng lớn. Cô bị buộc tội đạo văn, cụ thể là ăn cắp ý tưởng, tình tiết, từng đoạn văn và hình mẫu nhân vật của hai tác giả.
Tờ Berliner Morgenpost cho biết: Không lâu sau khi Axolotl Roadkill được phát hành, một blogger đã mô tả trên mạng về sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa tác phẩm của Helene Hegemann với cuốn tiểu thuyết Strobo xuất bản năm 2009. Tiếp đó, chàng sinh viên Benjamin Teske học khoa đạo diễn cũng tố cáo Hegemann sao chép luận văn của mình. Teske cho biết rằng anh tình cờ đọc những bình luận trên mạng có nhắc đến tên mình và đã tìm ra sự thật. Anh khẳng định Hegemann đã “sao chép cuốn phim tốt nghiệp của tôi” kể về mối quan hệ giữa một người đàn ông với cô gái rất trẻ. Phim của Teske có nội dung dựa vào tác phẩm được viết bởi nhà văn Pháp Martin Page. Teske đã xin phép và được Page đồng ý cho sử dụng cốt truyện để làm một tác phẩm điện ảnh phi thương mại. Bộ phim này được chiếu đầu năm 2009 tại Liên hoan phim Max Ophuls ở Saarbrucken.
Teske cho rằng Hegemann đã xem phim và sử dụng nội dung phim trong cuốn tiểu thuyết của cô. Anh nói: “Tôi hoàn toàn không muốn kiện, vấn đề là chúng ta vẫn sử dụng cốt truyện của ai đó nhưng luôn nêu tên tác giả. Nói cho cùng thì điều đầu tiên chúng tôi được học ở trường là chẳng tốt đẹp gì khi đạo văn của người khác”.
Helene Hegemann sinh ngày 19/2/1992. Bố cô là nhà văn và giáo sư ở Trường Kịch nghệ Leipzig (Đức).
Axolotl Roadkill không phải là kinh nghiệm đầu tiên của Hegemann trong lĩnh vực viết lách. Trước đó, cô đã viết kịch bản lẫn đạo diễn bộ phim Torpedo từng chiếu ở Đức hồi năm ngoái và được giải thưởng của LHP Max Ophuls. Cô cũng là tác giả của nhiều truyện ngắn và kịch bản sân khấu. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hegemann không học tiếp mà dành thời gian cho sự nghiệp văn chương.
Chưa rõ “vụ án đạo văn” này sẽ diễn biến ra sao. Có lẽ Hegemann sẽ chỉ phải đối diện với tòa án dư luận nhưng như thế cũng đã là quá nặng nề đối với một cô gái mới 18 tuổi.
Theo Berliner Morgenpost.