Sự xuất hiện của generative AI như ChatGPT đang hỗ trợ hiệu quả cho công việc và học tập, như viết các bài tiểu luận, lập trình... Mặc dù nhiều trường học và giáo viên cấm sử dụng ChatGPT vì lo sợ sinh viên khai thác các công cụ này để gian lận, hai giáo sư tâm lý giáo dục Kui Xie và Eric M. Anderman từ Đại học Tiểu bang Ohio (Mỹ) đưa ra những lời khuyên để sử dụng ứng dụng này hiệu quả hơn trong môi trường học tập.
Theo hai tác giả, lý do chính khiến sinh viên gian lận là động cơ học tập của họ. Ví dụ, đôi khi người học chỉ có động lực để đạt điểm cao, trong khi những lúc khác, người học có động lực để học thực sự chắc chắn kiến thức của một lĩnh vực nào đó.
Do đó, quyết định gian lận hay không thường liên quan đến cách xây dựng và đánh giá các bài tập và bài kiểm tra, chứ không phải dựa trên sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ.
"Chúng tôi tin rằng các đơn vị giáo dục có thể sử dụng ChatGPT để tăng động lực học tập của học sinh", hai giáo sư chia sẻ.
Học viên tại Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX sử dụng ChatGPT để học công nghệ. Ảnh: FUNiX
Đối tác học tập
Nghiên cứu của Kui Xie và Eric M. Anderman chứng minh rằng học sinh có nhiều khả năng gian lận hơn khi các bài tập được thiết kế theo cách khuyến khích các em thể hiện tốt hơn các bạn cùng lớp. Ngược lại, học sinh ít có khả năng gian lận hơn khi giáo viên giao nhiệm vụ học tập khuyến khích họ hợp tác làm việc và tập trung vào việc nắm vững nội dung, thay vì đạt điểm cao.
Coi ChatGPT như một đối tác học tập có thể giúp giáo viên chuyển trọng tâm của học sinh từ cạnh tranh và hiệu suất sang cộng tác và làm chủ.
Ví dụ, một giáo viên khoa học có thể giao cho học sinh làm việc với ChatGPT để thiết kế một vườn rau thủy canh. Trong kịch bản này, sinh viên có thể khai thác ChatGPT để thảo luận về các yêu cầu ngày càng tăng trong trồng rau, lên ý tưởng thiết kế cho hệ thống thủy canh và phân tích ưu và nhược điểm của thiết kế.
Các hoạt động này được thiết kế để thúc đẩy người học tăng khả năng nắm vững nội dung vì chúng tập trung vào các quá trình học tập hơn là chỉ vào kết quả trong giai đoạn cuối môn.
Giúp sinh viên tăng sự tự tin
Hai chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng, khi sinh viên cảm thấy tự tin rằng họ có thể thực hiện thành công công việc được giao, họ sẽ chuyên tâm thu nạp kiến thức hơn là tìm cơ hội gian lận. Một cách quan trọng để nâng cao sự tự tin của người học là cung cấp cho họ cơ hội để trải nghiệm thành công .
ChatGPT có thể tạo điều kiện cho những trải nghiệm như vậy bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cá nhân và chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành những thử thách hoặc nhiệm vụ nhỏ hơn.
Giả sử, sinh viên được yêu cầu thiết kế một chiếc xe có thể sử dụng xăng hiệu quả hơn một chiếc ô tô truyền thống. Sinh viên có thể sử dụng phần mềm này để chia vấn đề lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn. AI có thể đề xuất trước tiên họ nên phát triển một khái niệm tổng thể cho phương tiện, sau đó mới đến xác định kích thước và trọng lượng của phương tiện, cũng như quyết định loại nhiên liệu nào sẽ được sử dụng. Giáo viên cũng có thể yêu cầu sinh viên so sánh các bước do ChatGPT đề xuất với các bước do các nguồn khác đề xuất.
Đưa ra phản hồi hỗ trợ
Phản hồi được cá nhân hóa hỗ trợ những cảm xúc tích cực của người học, bao gồm cả sự tự tin. ChatGPT có thể được định hướng để đưa ra phản hồi bằng cách sử dụng ngôn ngữ tích cực, đồng cảm và khích lệ.
Ví dụ, nếu một học sinh hoàn thành sai một bài toán, thay vì chỉ nói với học sinh đó "Bạn sai và câu trả lời đúng là..." đây là phản hồi thực tế do ChatGPT tạo ra: "Câu trả lời của bạn không đúng, nhưng việc thỉnh thoảng gặp lỗi hoặc hiểu sai trong quá trình thực hiện là điều bình thường. Đừng nản lòng bởi trở ngại nhỏ này; bạn đang đi đúng hướng! Tôi ở đây để hỗ trợ bạn và trả lời bất kỳ câu hỏi nào bạn có thể có. Bạn đang làm rất tốt!"
Điều này sẽ giúp người học cảm thấy được hỗ trợ và thấu hiểu trong khi nhận phản hồi để cải thiện. Giáo viên có thể dễ dàng chỉ cho học sinh cách điều khiển ChatGPT để cung cấp cho họ những phản hồi như vậy.
Khi giáo viên sử dụng ChatGPT và các chatbot AI khác một cách thận trọng - đồng thời khuyến khích học sinh sử dụng những công cụ này một cách có trách nhiệm trong bài tập ở trường - các công cụ này trở nên hữu ích và trở thành trợ lý học tập hiệu quả. Khai thác AI đúng cách giúp người học có động cơ học nhiều hơn và cũng giúp giáo viên hạn chế nguy cơ bị gian lận hơn, hai giáo sư kết luận.
Thế Đan
Tại Việt Nam, Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX đang là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các xu hướng công nghệ mới của thế giới vào học tập. FUNiX đã cung cấp tài khoản ChatGPT cao cấp cho toàn bộ học viên sử dụng, giúp trả lời hơn 50.000 câu hỏi của học viên về lập trình, kỹ thuật code, kiến thức công nghệ và cách tự học hiệu quả. Hiện, FUNiX tiếp tục cải thiện, nâng cấp để ChatGPT trở thành trợ lý học tập năng suất hơn.
Nguồn: VNEXPRESS.NET