Libra là gì?
Trước khi chính thức công bố đồng Libra vào ngày 18-6, những tin đồn trước đó đã râm ran về "tiền Facebook", với những tên gọi như Global Coin (tiền toàn cầu), hay Facebook Coin (tiền Facebook).
Coin chính là thuật ngữ được giới tiền mật mã, tiền số, tiền điện tử ưa sử dụng, như Bitcoin, Litecoin…
Libra cũng là một dạng tiền mã hóa - cryptocurrency - còn được gọi là tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền mật mã, tiền điện tử, tuy nhiên, hình dạng như thế nào, giá trị bao nhiêu… thì vẫn phải chờ đến năm sau, 2020, khi đồng tiền này được chính thức ra đời theo kế hoạch.
Các thành viên sáng lập của Hiệp hội Calibra - Ảnh: NEW YORK TIMES
Libra khác Bitcoin như thế nào?
Bitcoin, hay các đồng tiền số khác trong cộng đồng encrycurrency, thường được "đào" bằng hệ thống máy tính và giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị.
Để có được một đồng Bitcoin, những người khai thác, hay còn gọi là "đào", phải trang bị hệ thống máy vi tính công suất lớn nhằm giải mã được thuật toán khá tinh vi, điều được cho là ngốn điện rất lớn, nên gặp khá nhiều chỉ trích.
Trong khi đó, Libra lại khác, không phải "đào" mà dùng tiền thật – tiền truyền thống – để mua. Sẽ có một "rổ tiền tệ" được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho Libra, như đồng đô la Mỹ (USD), euro hay yen Nhật. Libra, nói cách khác, ra đời nhằm mục đích thanh toán.
Khác với Bitcoin, vốn rất dễ hơi giá trị. Vì có những lúc Bitcoin lên giá đến gần 20.000 USD rồi đột ngột rớt xuống chỉ còn vài ba ngàn USD.
Mua Libra như thế nào?
Bạn có thể được Facebook tặng một ít Libra, kiểu như Calibra hay một số ví điện tử tặng tiền cho bạn để khuyến khích bạn gia nhập vậy.
Còn nếu mua, thì bạn cứ đặt lệnh mua Libra bằng cách chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, hay thẻ ghi nợ của mình.
Khi đó, số tiền bạn mua sẽ được ký quỹ nằm trong tài khoản ngân hàng và nằm chết ở đó, không ai đụng vào được, và những đồng tiền bằng USD, euro hay yen này là dùng để bảo đảm cho các đồng Libra kia.
Đây chính là điểm mấu chốt. Tiền ở ngân hàng thì sẽ được hưởng lãi suất. Và phần lãi suất này chính là "lợi nhuận" dùng để trả cho các nhà đầu tư ban đầu của đồng Libra này.
Chính cơ chế này làm cho đồng Libra vừa có giá trị ổn định, lại vừa không bị giới hạn số lượng như đồng Bitcoin hay các đồng tiền mật mã khác.
Vậy giá libra là bao nhiêu?
Chưa biết, vì Libra chưa ra đời. Nhưng giá của từng đồng libra này sẽ do giá của rổ tiền mà đồng libra này bảo chứng quyết định. Nghĩa là nếu bạn dùng yen mua thì giá khác, euro thì giá khác và USD thì cũng giá khác. Libra phụ thuộc vào các đồng tiền "bảo đảm" đó.
Ứng dụng được cho là ví điện tử Calibra trên điện thoại - Ảnh: NEW YORK TIMES
Bạn có thể làm gì với đồng Libra?
Giả dụ mọi thứ thuận lợi theo kế hoạch, đồng tiền này ra đời vào năm sau, được nhiều nơi chấp thuận, thì bạn chỉ việc "sắm" một chiếc ví điện tử, kiểu Calibra của Facebook chẳng hạn.
Sau đó, bạn có thể mua sắm, thanh toán ở những nơi chấp nhận Libra, như trả tiền quảng cáo cho Facebook chẳng hạn (dĩ nhiên rồi), hay đi trả tiền cho Uber nếu đặt xe hãng này, hay đăng ký Spofify… chẳng hạn, hay trả tiền cà phê, trà sữa…
Bạn có thể chuyển tiền Libra cho một người dùng Facebook khác, miễn là người kia có ví điện tử chấp nhận Libra.
Cái hay của hình thức này là hầu như không mất phí, và cực nhanh. Nếu bạn chuyển tiền qua ngân hàng thì một khoản phí không nhỏ. Đây chính là điểm mà các ngân hàng sẽ phải lo nếu Facebook thành công với Libra. Còn ở góc độ người dùng thì bạn là người được hưởng lợi.
Nếu không muốn xài Libra nữa thì sao?
Lúc này, bạn có thể chuyển lại thành tiền truyền thống như USD hay euro… chẳng hạn. Khi đó, tiền của bạn sẽ về tài khoản của bạn, chỉ với một thao tác trên ví điện tử.
Khi nào được xài Libra?
Kế hoạch là sẽ nửa đầu năm 2020, Facebook và các đối tác sẽ tung ra đồng tiền này. Tuy nhiên, để có thể có "hình hài" của Libra, các thành viên của Hiệp hội gồm các nhà đầu tư này sẽ phải thống nhất thiết kế của đồng tiền này trước đã.
Sau đó, họ phải đi tìm được các ngân hàng nào chịu nắm giữ tiền cho cái khoản bảo đảm đồng Libra vì chỉ khi có tài sản đảm bảo từ các định chế tài chính này thì đồng Libra mới có thể lưu hành ổn định được.
Nhưng một rào cản khác không thể không nhắc tới: Phải có sự gật đầu của chính quyền các nước chấp nhận, vì đồng tiền gắn liền với chủ quyền quốc gia. Những Bitcoin, Litecoin hay các đồng tiền số khác đang gặp phải sự lưỡng lự không ít từ nhiều quốc gia, tổ chức. Vì thế, nếu không vượt ra được những rào cản này, Libra sẽ không thể ra đời vào năm sau, nếu không muốn nói tệ hơn là sẽ bị ngưng lại.
Thêm một vấn đề khác: Sau khi Facebook dính một loạt scandal về dữ liệu, người dùng có còn tin tưởng để ch oFacebook quản lý mảng tài chính, túi tiền và các giao dịch của mình hay không?
Cơ hội cho Facebook?
Các mạng xã hội trên thế giới như PayPal, VenMo, Wechat… có ví điện tử của mình, nhưng chưa có ai đủ sức tung hoành trên toàn thế giới như Facebook cả, vì thế cơ hội ra rất lớn. Và dĩ nhiên, mục tiêu là tăng doanh thu cho mạng xã hội này.
Nguồn: Tuổi Trẻ