Người dùng có thể phản ánh thông tin giao thông TP.HCM qua ứng dụng Zalo - Ảnh: ZALO
Trước đó, Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp 2 tên miền là Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của Công ty cổ phần VNG.
Lý do của quyết định thu hồi 2 tên miền nêu trên là do Zalo đã hoạt động mạng xã hội không phép.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trình tự thu hồi các tên miền nêu trên sẽ được tiến hành khi các bên liên quan (nhà đăng ký tên miền Việt Nam và quốc tế, Trung tâm internet Việt Nam - VNNIC) tiếp nhận yêu cầu xử lý từ Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM.
Sau đó các bên liên quan sẽ xử lý yêu cầu và thông báo lại phía Zalo, đồng thời tiến hành thu hồi tên miền và báo cáo lại cơ quan chức năng.
Theo yêu cầu của Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, các bên liên quan sẽ phải dừng cung cấp tên miền Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19-7.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-7, đại diện Trung tâm internet Việt Nam - cơ quan quản lý tên miền quốc gia - lẫn đại diện nhà đăng ký tên miền iNet (nơi Zalo đăng ký tên miền Zalo.vn) đều cho biết chưa nhận được văn bản yêu cầu chính thức nào từ phía Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM.
Đại diện VNNIC cũng cho biết sau khi nhận văn bản chính thức từ cơ quan chức năng, họ phải đối chiếu các nội dung trong văn bản xem Zalo có vi phạm các quy định phải thu hồi tên miền hay không rồi mới có thể ra quyết định.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực cho biết Zalo hiện tại như một nền tảng gồm rất nhiều ứng dụng và hoạt động như mô hình của một mạng xã hội.
Tương tự Facebook, Zalo cũng cho phép người dùng sử dụng các dịch vụ của mình thông qua việc truy cập từ trình duyệt (cả trên máy tính và thiết bị di động) hoặc từ ứng dụng cài đặt trực tiếp (cả trên máy tính và thiết bị di động).
"Việc truy cập qua trình duyệt thì cần có tên miền nhưng truy cập qua ứng dụng thì không cần tên miền. Trong khi đó, lượng người dùng các dịch vụ Zalo đại đa số là thông qua ứng dụng trên di động, lượng truy cập qua tên miền trên trình duyệt web không nhiều.
Do đó, xét về mặt lý thuyết, việc cơ quan chức năng thu hồi các tên miền Zalo nêu trên sẽ chỉ ảnh hưởng đến một lượng nhỏ người dùng truy cập qua trình duyệt mà thôi, người dùng ứng dụng vẫn truy cập và sử dụng bình thường", vị chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, nếu xét Zalo đang là một mạng xã hội không phép, ông Phan Thanh Giản, giám đốc điều hành dịch vụ truyền hình internet Clip TV, cho rằng:
"Trong đơn xin giấy cấp phép mạng xã hội có quy định bao gồm cả phần phân phối dịch vụ qua ứng dụng di động cũng nằm trong văn bản nên app (ứng dụng) cũng bị ảnh hưởng. Như vậy, nếu xét Zalo là mạng xã hội thì hàng chục triệu người dùng các dịch vụ khác nhau của Zalo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), việc quan trọng là xác định Zalo hiện tại đang hoạt động với tư cách là một mạng xã hội hay một ứng dụng OTT (Over The Top).
Nếu là một mạng xã hội, việc cơ quan chức năng xử phạt Zalo do không có giấy phép như trên là đúng và thậm chí có thể ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống Zalo.
Nhưng nếu là ứng dụng OTT, hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể nào để quản lý loại hình ứng dụng này và như vậy cũng không thể "phạt" Zalo được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều lần thông tin trên các phương tiện truyền thông, cả Công ty VNG lẫn Zalo Group đều nói họ đang hoạt động theo mô hình ứng dụng OTT.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại xếp Zalo vào mô hình hoạt động xã hội. Ngay cả trong một số văn bản chính thức của Bộ Thông tin - truyền thông cũng đã xác định Zalo là một mạng xã hội.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online