Một người lính Ukraine điều khiển máy bay không người lái ở tiền tuyến vùng Mykolayiv - Ảnh: AP
Theo báo Financial Times, trên chiến trường Ukraine hiện nay, công nghệ được tích hợp với các phương pháp tác chiến trực tiếp, trong đó ranh giới giữa việc sử dụng công nghệ dân sự và quân sự bị xóa nhòa.
Thử nghiệm sản phẩm mới ở Ukraine
Tỉ phú Alex Karp tuyên bố công ty phần mềm Palantir của ông đang tạo ra sự khác biệt mang lại lợi ích cho Ukraine như giúp xác định mục tiêu kẻ thù thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ khi bắt tay với Tổng thống Volodymyr Zelensky, tháng 6-2022, công ty đã mở văn phòng tại Kiev. “Sức mạnh của các thuật toán tiên tiến hiện nay lớn đến mức tương đương với việc sở hữu vũ khí hạt nhân chống lại kẻ thù”, ông Karp nói.
Cựu giám đốc Google Eric Schmidt đã tới Ukraine gặp các quan chức trong văn phòng của Tổng thống Zelensky, bộ trưởng quốc phòng của nước này và vạch ra các cơ hội đầu tư trong tương lai. Hiện họ đang hỗ trợ một vườn ươm khởi nghiệp địa phương về công nghệ quân sự.
Bộ trưởng kỹ thuật số của Ukraine Mykhailo Fedorov cũng không thể phủ nhận dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk thực sự là "máu" của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông của Ukraine.
Công ty AI Clearview đang phải đối mặt với án phạt vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư ở châu Âu nhưng cũng đến Ukraine tài trợ miễn phí công nghệ phần mềm nhận dạng cho đất nước này.
Báo Financial Times nhận định việc sử dụng miễn phí các hệ thống của Clearview ở Ukraine chắc chắn không chỉ để hỗ trợ Ukraine mà còn nhằm đánh bóng danh tiếng của công ty.
Ukraine hào hứng với "giấc mơ xa"
Tỏ vẻ ít hào hứng về sự phụ thuộc của quân đội ngày càng tăng vào các công ty công nghệ thương mại, giới chức quân đội Mỹ cũng lo lắng về sự thống trị của tỉ phú Elon Musk thông qua vệ tinh Internet.
Trong đó có việc ông Musk từ chối yêu cầu của quân đội Ukraine trong việc bật Starlink gần bán đảo Crimea (sáp nhập vào Nga năm 2014) và việc ông Musk thúc đẩy “kế hoạch hòa bình” có lợi cho Nga.
Ông William LaPlante, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì khí tài, đã tạt một gáo nước lạnh vào vai trò tham gia của các công ty công nghệ tư nhân trên chiến trường Ukraine. Đồng thời giảm bớt sự cường điệu của các CEO công nghệ khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này tự tin sản phẩm của họ có thể đóng góp vào kết quả của cuộc chiến.
Ông LaPlante cảnh báo khả năng chiến đấu của Ukraine không phải do "Thung lũng Silicon" tạo nên, “mặc dù họ (các công ty công nghệ - PV) sẽ cố gắng ghi công cho điều đó”.
Nhưng các quan chức Ukraine lại khác, họ hy vọng dòng chảy công nghệ phương Tây sẽ có tác động tích cực lâu dài đối với đất nước. Chính phủ Ukraine đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm cho tất cả các loại công nghệ đổi mới, có thể được phát triển từ các công nghệ quân sự mà họ cần để bảo vệ đất nước hiện nay.
Ukraine còn đặt mục tiêu xa hơn với hy vọng một ngày nào đó có thể dựng nên một Thung lũng Silicon của riêng mình.
Bộ trưởng Fedorov của Ukraine đã so sánh những gì có thể đạt được ở Ukraine với “mô hình của Israel” về tăng trưởng kinh doanh công nghệ cao. Ông đã chủ trì việc số hóa các dịch vụ của chính phủ, từ đơn xin giấy phép đến dịch vụ công dân và căn cước công dân.
Tuy nhiên, theo Financial Times, để quốc gia khởi nghiệp phát triển, người dân Ukraine trước tiên cần phải được sống trong hòa bình.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online