Một số nước đã luật hóa và đang trên đà luật hóa việc cấm trẻ em dùng smartphone (điện thoại thông minh) trong một số trường hợp như tại lớp học để giảm bớt tình trạng nghiện mạng thời 4.0.

1 Nhieu Nuoc Bung Tinh Truoc Hiem Hoa Smartphone

Nhóm người trẻ Trung Quốc chăm chú bấm điện thoại di động trên băng ghế tại công viên ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AFP

Mới đây Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đề xuất hạn chế thời gian sử dụng smartphone của trẻ vị thành niên.

Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc - một trong những nước có số người dùng Internet lớn nhất thế giới - nhằm giảm bớt tình trạng nghiện Internet và game online, vấn đề đang ngày càng nhức nhối trong giới trẻ.

Cần học cách dùng điện thoại hợp lý

Theo dự thảo hướng dẫn được đăng trên trang web của CAC hôm 2-8, những người dưới 18 tuổi ở Trung Quốc sẽ không được dùng smartphone vào mạng từ 22h tới 6h hôm sau.

Người dưới 8 tuổi chỉ được dùng tối đa 40 phút/ngày, từ 8-16 tuổi là 1 giờ/ngày, còn thiếu niên từ 16-17 tuổi là 2 giờ/ngày.

Theo Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc, Trung Quốc là một trong những nước có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, với khoảng 1,07 tỉ người/1,4 tỉ dân truy cập mạng.

Tính đến tháng 12-2022, có khoảng 1/5 số người dùng Internet ở nước này trong độ tuổi từ 19 tuổi trở xuống.

CAC giải thích các biện pháp mới sẽ giúp "cải thiện vai trò tích cực của Internet, tạo ra môi trường mạng phù hợp, ngăn chặn tình trạng nghiện Internet của trẻ vị thành niên và hướng dẫn các em hình thành thói quen sử dụng Internet tốt".

Theo Hãng tin AFP, các quy định mới thuộc diện nghiêm ngặt nhất thế giới ở lĩnh vực này. CAC sẽ lấy ý kiến của công chúng về dự thảo trong một tháng, đến ngày 2-9, nhưng chưa nói rõ khi nào các biện pháp mới có hiệu lực.

Trước đó vào năm 2019, Trung Quốc đã giới hạn thời gian trẻ em có thể chơi game là 90 phút/ngày vào các buổi tối trong tuần và có thể chơi tới 3 giờ/ngày vào cuối tuần.

Đến năm 2021, họ ra quy định mới, cho phép trẻ em chỉ được chơi 3 tiếng/tuần. Năm ngoái Trung Quốc cấm những người dưới 16 tuổi phát trực tuyến (livestream) và cấm trẻ vị thành niên trả tiền cho những người livestream trên mạng.

Thực thi ra sao?

Theo bà Sun Sun Lim - giáo sư truyền thông và công nghệ tại Đại học Quản lý Singapore, hiện vẫn chưa rõ các biện pháp đang đề xuất nói trên sẽ được thực thi thế nào.

Tuy nhiên theo Hãng tin AP, thường thì các công ty Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thực thi những quy định đó. Chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty như Tencent (công ty game online lớn nhất Trung Quốc) và ByteDance (công ty điều hành nền tảng video ngắn nổi tiếng Douyin).

Theo báo New York Times, nếu dự thảo trên được thông qua, các ứng dụng, cửa hàng ứng dụng, smartphone sẽ phải tích hợp "chế độ dành cho người trẻ" vào sản phẩm. Mục đích là để hạn chế thời gian dùng smartphone của trẻ và nội dung các em có thể đọc hoặc xem.

Trong những năm gần đây CAC đã thúc đẩy thiết lập "chế độ dành cho giới trẻ" trên các nền tảng. CAC đánh giá: "Kể từ khi chế độ này ra mắt, đã có những tác động tích cực trong việc giảm tình trạng nghiện Internet của giới trẻ và giảm tác động của những thông tin không mong muốn".

Hiện nay các nền tảng video Trung Quốc như Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc), Bilibili và Kuaishou đều đã có chế độ dành cho người trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức về mặt kỹ thuật.

Năm nay Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải điều tra 20 app và phát hiện chúng thiếu một số chức năng kiểm soát hoặc các chức năng này không sử dụng được.

Một số app hoàn toàn không hiển thị nội dung khi bật "chế độ dành cho giới trẻ" hoặc hiển thị các video "quá đơn điệu và khô khan".

1/4 quốc gia có luật hoặc chính sách cấm

Không chỉ Trung Quốc, thời gian qua nhiều nước khác cũng đã tìm cách cấm/hạn chế trẻ em sử dụng smartphone trong một số trường hợp sau khi chứng kiến những hệ lụy đáng kể từ đó.

Tháng 7-2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công bố "Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023", trong đó kêu gọi chỉ sử dụng công nghệ ở lớp học khi điều đó hỗ trợ kết quả học tập. Họ đã cảnh báo về những rủi ro của smartphone trong trường học.

UNESCO cho biết các thiết bị di động có thể gây mất tập trung, gây rủi ro cho quyền riêng tư của học sinh và dẫn đến bắt nạt trên mạng. Theo UNESCO, hiện có gần 1/4 số quốc gia trên thế giới đã có các luật hoặc chính sách cấm sử dụng smartphone trong trường học, từ Bờ Biển Ngà, Colombia cho tới Ý và Hà Lan.

UNESCO đánh giá các lệnh cấm phổ biến hơn ở châu Á. Cả Bangladesh và Singapore đều đã cấm sử dụng smartphone trong lớp học (không phải toàn bộ khuôn viên trường).

Pháp cũng có lệnh cấm tương tự, nhưng có ngoại lệ với một số nhóm học sinh (như học sinh khuyết tật), hoặc khi smartphone được dùng để giảng dạy. Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ cấm hầu hết điện thoại di động, máy tính bảng và đồng hồ thông minh trong các lớp học từ ngày 1-1-2024.

Trong khi đó có những nước cũng đã cấm dùng một số ứng dụng nhất định trong môi trường học tập. Đan Mạch cấm dịch vụ Google Workspace trong trường, còn Đức cấm các sản phẩm của Microsoft ở một số bang. Tại Mỹ, một số trường cũng đã bắt đầu cấm TikTok.

Người trẻ Trung Quốc dùng Internet qua con số

93%: Theo Hãng tin Quartz, có 175 triệu người dưới 18 tuổi (tương đương 93,1%) trẻ vị thành niên ở Trung Quốc dùng Internet vào năm 2019. Trong khi đó, 97% thanh thiếu niên Mỹ dùng Internet.

24 triệu: Số thanh thiếu niên Trung Quốc được xác định là nghiện Internet.

3: Số giờ tối đa hằng tuần mà trẻ em Trung Quốc được phép chơi game.

Phụ huynh Trung Quốc ủng hộ

Theo Đài CNN, trả lời phỏng vấn đài này các phụ huynh Trung Quốc bày tỏ ủng hộ những biện pháp mới mà CAC đề xuất. Một bà mẹ hai con ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, chia sẻ: "Tôi nghĩ đề xuất này sẽ tốt. Một mặt, nó giúp bảo vệ thị lực của bọn trẻ vì nhiều đứa cứ dán mắt vào xem những thứ chúng thích mà không thể tự thoát ra. Mặt khác, những người làm cha mẹ như chúng tôi cũng sẽ dễ dàng kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của con mình hơn".

Một ông bố hai con ở TP Châu Hải, đông nam Trung Quốc, cho rằng hiệu quả của các biện pháp đó có thể sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của phụ huynh. Ông cho biết trẻ em đôi khi sử dụng tài khoản của cha mẹ để truy cập Internet.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC