Thiết bị trông giống như rover tự hành (khoanh tròn) được phát hiện gắn trên tàu đổ bộ mặt trăng Hằng Nga 6 của Trung Quốc (Ảnh: CAST).
Ngày 3/5, Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) đã phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga 6 (Chang'e 6), với tham vọng trở thành sứ mệnh đầu tiên thu thập các mẫu đất đá từ nửa tối của Mặt Trăng và mang chúng về Trái Đất.
Trong bức ảnh chụp tàu Hằng Nga 6 trước khi nó được đưa ra bệ phóng, một vật thể nhỏ giống như chiếc xe tự hành mini gắn phía trên, góc trái của tàu đã thu hút sự chú ý của giới quan sát.
"Nó trông giống như một chiếc xe tự hành mini chưa được tiết lộ trước đây, gắn vào tàu đổ bộ Hằng Nga 6", nhà báo Andrew Jones, người theo sát các chương trình không gian của Trung Quốc, chia sẻ trên mạng xã hội X.
Thông tin này làm dấy lên những câu hỏi xung quanh mục tiêu chính của tàu thám hiểm Hằng Nga 6 sau khi nó thành công đáp xuống Mặt Trăng. Một số chuyên gia cho rằng động thái "úp mở" của Trung Quốc cho thấy sứ mệnh lịch sử của họ có thể có mục tiêu khác.
Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hiện chưa có thông tin giải đáp thắc mắc này.
Hình ảnh mô phỏng tàu Hằng Nga 6 hạ cánh trên Mặt Trăng (Ảnh: CNS).
Trung Quốc hé lộ rất ít về sứ mệnh Hằng Nga 6, dù đây được xem sứ mệnh mang theo mục tiêu lớn, và có thể tạo ra bước ngoặt đáng kể trong cuộc chạy đua đưa người lên Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những thiết bị khoa học được tàu Hằng Nga 6 mang lên Mặt Trăng cũng chưa được giới chức nước này hé lộ, ngoài việc một thông tin thứ 3 cho biết con tàu sẽ mang theo các tải trọng từ Pháp, Thụy Điển, Ý và Pakistan, tờ Space News cho biết.
Theo dự kiến, tàu Hằng Nga 6 sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào đầu tháng 6, nếu không có trục trặc gì xảy ra. Địa điểm được lựa chọn là miệng núi lửa Apollo rộng 2.500km tại cực nam Mặt Trăng.
Tại đây, tàu sẽ thu thập dự kiến khoảng 2kg đất đá. Trong đó, một số sẽ được khoan từ độ sâu tới 2 mét bên dưới lòng đất.
Những mẫu vật này sau đó được đưa vào bên trong một viên nang, rồi phóng lên khỏi bề mặt Mặt Trăng, trước khi được thu thập bởi tàu quỹ đạo.
Mục tiêu cuối cùng của loạt sứ mệnh Hằng Nga là đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Trước đó, CAST sẽ bắt đầu phóng thử một loại tên lửa tái sử dụng cỡ lớn vào năm tới. Tuy nhiên, cũng giống như thiết bị robot mới được phát hiện, chi tiết về sứ mệnh này hiện vẫn được giữ kín.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí