Đại diện công ty sản xuất ra robot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Anan khẳng định, mô hình phi hành gia trong buổi ra mắt là của Trung Quốc, công ty chỉ sản xuất ra phần mềm.

1 Robot Ai Anan Cua Viet Nam Chung Toi Chi San Xuat Phan Mem Con Mo Hinh Cua Trung Quoc

Vietnamnet/ Ảnh chụp màn hình Ali Express

Hôm 2/4, báo điện tử Vietnamnet có bài báo với tiêu đề "Việt Nam sẽ có robot AI giáo dục cạnh tranh với ChatGPT", trong đó giới thiệu sản phẩm mới nhất của công ty cổ phần quốc tế ETT "có khả năng thực hiện các cuộc đối thoại bằng ngôn ngữ tự nhiên dựa trên công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo". 

Giữa cuộc họp báo là con robot phi hành gia đeo tai nghe và một tay cầm cờ Việt Nam giơ lên cao, tuy nhiên người dùng mạng xã hội nhanh chóng nhận ra con robot này không khác gì sản phẩm trưng bày bằng nhựa của Trung Quốc được bán trên các trang thương mại điện tử như Ali Express. 

"Chúng tôi chỉ sản xuất phần mềm!"

Trên trang thương mại điện tử của Trung Quốc bày bán một bức tượng phi hành gia bằng nhựa giống y hệt, cao 130 cm (tính luôn phần bóng bay) dùng để trang trí phòng khách có giá hơn 90 đô la Mỹ.

Theo thông tin giới thiệu sản phẩm, phần tai nghe của mô hình này có loa bluetooth có thể kết nối với các thiết bị khác qua bluetooth để chơi nhạc, khác biệt duy nhất là robot AI Anan cầm cờ Việt Nam còn sản phẩm của Trung Quốc cầm một quả bóng bay.

Hôm 8/4, giám đốc công ty ETT khẳng định với phóng viên Đài Á Châu Tự Do, mô hình phi hành gia là của bên Trung Quốc do các báo viết không rõ ràng dẫn đến hiểu lầm. 

"Bên mình sản xuất phần mềm chứ không sản xuất phần cứng. Một số bài báo về sau này mình có nói rõ, đó là hình ảnh con robot của người khác chứ không phải là sản phẩm của bên mình. 

Cái mẫu phi hành gia của bên Trung Quốc là của người ta mình đang mượn của họ chứ không phải sản phẩm của mình sau này sẽ như vậy", ông Trần Thiện Toàn, giám đốc công ty nói qua điện thoại. 

Ông Trần Ngọc Thiện, người phụ trách chính cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo của công ty cho biết: "Cũng rất tiếc vì VietNamNet đặt một cái tít ghê quá mà lại không giải thích kỹ ở bên trong. Hai số báo sau của Dân Việt và Quân đội nhân dân đều ghi chú rất rõ ở trong ấy."

Theo ông, từ trong họp báo đã tuyên bố là mới "chỉ phát triển phần mềm, đang làm việc với đối tác thì mượn đúng cái con họ đang có trên thị thị trường để tạo tình huống cho mọi người giao tiếp với con robot."

Ông cho biết sắp tới sẽ sẽ tổ chức một cuộc họp báo khác để đính chính chi tiết về thông tin này. 

Giống và khác với ChatGPT

Ông Trần Ngọc Thiện cho biết, từ năm 2019 ông đã quy tụ 12 lập trình viên từ Úc, Mỹ, Canada và Việt Nam dự định ban đầu là xây dựng một nền tảng để học giáo lý dùng cho người Việt Nam. 

"Tuy nhiên khi triển khai và với các thành tựu hỗ trợ cho AI sau này thì tôi thấy khả năng làm thương mại của nó lớn hơn rất nhiều nên đã quyết định đi một bước đi xa hơn. 

Đó là không chỉ dừng lại ở một con robot dạy giáo lý  nữa mà triển khai (robot) phục vụ các hoạt động khác liên quan đến giao tiếp theo quy trình như bán hàng, dạy học hay tư vấn", ông Thiện người đang xây dựng cấu trúc ngôn ngữ cho robot AI Anan cho hay. 

Cũng theo ông Thiện, điểm giống nhau của robot AI Anan và ChatGPT là "đang sử dụng chung ngôn ngữ lớn transformer". 

Transformer được hiểu nôm na là một mô hình học sâu (deep learning) được một nhóm tác giả tại Google Brain giới thiệu năm 2017, được dùng chủ yếu ở lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và thị giác máy tính (CV). 

"Chúng tôi đang xây dựng hệ thống dựa trên NLP, nó có khả năng hiểu được hệ thống ngôn ngữ tự nhiên y như con người, sau khi đã dạy nó hiểu được điều đó rồi thì anh có thể dạy cho nó bất kỳ chủ đề nào trong một thời gian rất ngắn," ông Thiện nói. 

Ông này chia sẻ, đội ngũ kỹ thuật của công ty sử dụng cấu trúc mô phỏng hệ thống transformer của Google vì sự khác nhau của tiếng Việt và các thứ tiếng khác trên thế giới.  

"Chúng tôi dựa trên hệ thống đó để chúng tôi xây dựng một hệ thống ngôn ngữ mới được dựa trên transformer chứ chúng tôi không sử dụng chung platform với OpenAI đang làm. Tức là bộ ngôn ngữ hiện nay do chúng tôi xây dựng"- ông Thiện khẳng định. 

Điểm khác lớn nhất của sản phẩm của công ty cổ phần quốc tế ETT với của OpenAI chính là  "ChatGPT được trả lời tự do, còn hệ thống này của chúng tôi, chúng tôi phải kiểm soát câu trả lời."

Ông cho rằng, lý do chính là "các yếu tố liên quan đến an ninh mạng, tính chịu trách nhiệm với các câu  trả lời cho người dùng, nên chúng tôi sẽ đưa ra một hệ thống những câu được phép nói và những câu không được phép nói ra bên ngoài, đó là cách chúng tôi đang vận hành hệ thống."

Người tốt nghiệp trường kiến trúc tiết lộ, công ty đang phát triển phần mềm và tìm một số đối tác về phần cứng và khoảng một năm nữa sẽ ra sản phẩm thiết kế chính thức để phục vụ cho trường học hay các công sở. 

Nguồn: RFA




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC