Cơ chế xác thực SuperNode gây nghi ngờ về tính phi tập trung của blockchain do vẫn được đội ngũ Pi Network đứng sau kiểm soát.
Pi Network bị tố là lừa đảo, hoạt động kém minh bạch
"Có ai chạy Node hoặc SuperNode giải thích cho tôi nó là gì không? Ai đã vận hành nó hãy cho tôi một ít kinh nghiệm", một tài khoản đặt câu hỏi trên diễn đàn Reddit.
Ngay sau đó, tài khoản tự nhận là của nhóm Pi Core Team (PCT) - đội ngũ đứng sau dự án Pi Network - đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, nội dung bị đánh giá mơ hồ vì chỉ giải thích vai trò kỹ thuật của SuperNode nhưng không mô tả cách người dùng có thể vận hành.
Trong khi đó, nhiều người chạy Node cũng cho biết trong nhiều tháng, họ không nhận được Pi thưởng - tức số Pi tăng thêm khi vận hành Node. Một số nghi ngờ chỉ người có kết nối nội bộ hoặc phần cứng cao cấp mới đủ điều kiện, ngược với lời của Pi Network là "giải pháp tiền số tiếp cận được với mọi người". Họ cũng đặt câu hỏi nếu sự tham gia bị hạn chế, Pi Network có phải vẫn do đội ngũ đứng sau "ban phát" token, qua đó không thực sự phi tập trung hay không.
Chuyên gia cảnh báo về Pi Network
.
Trong bài viết ngày 20/3, Bons tuyên bố: "Cảnh báo: Pi là một trò lừa đảo trắng trợn".
Ông nhấn mạnh rằng ứng dụng "khai thác" trên thiết bị di động của Pi Network thực chất không đóng góp vào cơ chế đồng thuận blockchain, mà chỉ là một chiêu trò để thu hút người dùng. Theo ông, mọi giao dịch trên hệ thống này đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi đội ngũ phát triển, khiến dự án không thực sự phi tập trung như những gì đã quảng bá.
Chuyên gia này cũng chỉ trích công nghệ của Pi Network, cho rằng nó chỉ là bản sao lỗi của Stellar. Ngoài ra, mô hình hoạt động của dự án mang dấu hiệu của một mô hình tiếp thị đa cấp, khi khuyến khích người dùng mời thêm thành viên mới để mở rộng hệ thống. Ông khẳng định tính năng "khai thác" mà Pi Network quảng bá thực chất không có giá trị và chỉ nhắm vào những nhà đầu tư thiếu hiểu biết.
Cơ chế "khóa Pi" bị nghi ngờ
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất là cơ chế "khóa Pi" – phương thức được Pi Network giới thiệu nhằm giúp người dùng tăng tốc độ khai thác. Tuy nhiên, theo Bons, cơ chế này thiếu minh bạch và có thể được sử dụng để thao túng giá trị của Pi. Ông cảnh báo rằng đây có thể là một chiêu thức nhằm khóa tiền của nhà đầu tư, trong khi những người đứng sau dự án có thể tìm cách rút lui khi giá trị đồng Pi đạt đỉnh.
Bons cũng bày tỏ nghi vấn về đội ngũ phát triển của Pi Network, cho rằng họ hoạt động trong bí mật và cung cấp rất ít thông tin công khai. Điều này càng làm gia tăng mối lo ngại về tính minh bạch của dự án.
Pi Network phản hồi ra sao?
Trước những cáo buộc trên, đội ngũ Pi Network không đưa ra phản hồi trực tiếp. Tuy nhiên, trong một bài viết độc lập trên X ngày 24/3, nhóm phát triển cho biết họ "đang làm việc không ngừng nghỉ để mang lại giá trị xứng đáng cho Pi".
Pi Network được giới thiệu vào năm 2019 với lời hứa giúp người dùng sở hữu tiền số Pi miễn phí chỉ bằng cách vào ứng dụng và nhấn vào biểu tượng tia sét hàng ngày.
Việt Nam là một trong những thị trường có số lượng người dùng tham gia "đào Pi" đông đảo.
Sau gần sáu năm, Pi Network mới chính thức "mở mạng" vào ngày 20/2, cho phép người dùng giao dịch đồng Pi trên các nền tảng khác. Tuy nhiên, kể từ đó, giá trị của Pi đã giảm mạnh, từ mức đỉnh 3 USD vào tháng trước xuống dưới 1 USD.
Trước đó, Ben Zhou – nhà sáng lập và CEO của sàn giao dịch Bybit – cũng lên tiếng khẳng định rằng Pi Network là một dự án lừa đảo. Những phát biểu này càng làm dấy lên nghi vấn về tương lai của đồng Pi và mức độ tin cậy của dự án này.
Hoàng Anh