Thời gian gần đây, tình trạng tin nhắn lừa đảo, giả mạo ngân hàng đã xuất hiện trở lại. Vì thế, người dùng cần hết sức cẩn thận, tránh sập bẫy của kẻ gian.

Ngày 20/4, anh Ngọc Phước, một nhân viên văn phòng tại TPHCM, đã nhận được tin nhắn thông báo hiển thị tên của ngân hàng Vietcombank. Nội dung trong tin nhắn này cho biết rằng tài khoản của anh đã bị khóa. Đồng thời, tin nhắn cũng đính kèm một địa chỉ web, yêu cầu anh đăng nhập tài khoản để xác thực.

1 Tin Nhan Lua Dao Gia Mao Ngan Hang Tro Lai Tan Cong Nguoi Dung

Giao diện của trang web giả mạo ngân hàng Vietcombank (Ảnh: Ngọc Phước).

Khi truy cập theo đường link đính kèm trong tin nhắn, trang web yêu cầu người dùng đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng và mật khẩu. Nhận thấy có điều gì đó không đúng, anh Phước đã đăng tải thông tin này lên Facebook và nhận được cảnh báo từ bạn bè.

"Do lần đầu nhận được tin nhắn này, tôi cảm thấy rất hoang mang, không rõ tài khoản ngân hàng của mình liệu có gặp vấn đề gì. May mắn thay, tôi đã được nhiều người bạn giải đáp kịp thời và cho biết đây là trò lừa đảo", anh Ngọc Phước chia sẻ.

Không chỉ riêng anh Phước, nhiều người dùng khác cũng phản ánh rằng khoảng một tuần trở lại đây, họ liên tục nhận được những tin nhắn lừa đảo, mạo danh ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo này không mới và đã xuất hiện rất nhiều trong năm 2021. Không ít người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này và bị chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng.

Những đối tượng lừa đảo có thể mạo danh tin nhắn từ nhiều ngân hàng khác nhau như Vietinbank, Vietcombank, TPbank hay ACB. SMS Brandname là dịch vụ tin nhắn hiển thị tên các tổ chức, doanh nghiệp, gửi đến thuê bao di động của người dùng. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng của dịch vụ này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của không ít người dùng trong thời gian qua.

2 Tin Nhan Lua Dao Gia Mao Ngan Hang Tro Lai Tan Cong Nguoi Dung

Nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này và bị chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Thế Anh).

Những tin nhắn lừa đảo thường sẽ chứa nội dung cảnh báo người dùng về tình trạng tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép. Để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng cần phải đăng nhập vào một đường link gửi kèm. Sau khi thực hiện theo những hướng dẫn này, người dùng sẽ bị chiếm đoạt toàn bộ tài sản, đồng thời có thể mất quyền kiểm soát tài khoản.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC