Lo ngại vệ tinh Starlink chiếm đóng khu vực trên không, Trung Quốc ráo riết phát triển hệ thống vệ tinh khổng lồ, tham vọng tiêu diệt và đánh bại công ty của Elon Musk.

1 Trung Quoc Sap Phong 13000 Ve Tinh Nham Vuot Qua Starlink

SpaceX đã phóng hơn 3.000 vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất. Ảnh: AP.

Nguồn tin từ SCMP cho biết Trung Quốc đang ấp ủ xây dựng hệ thống vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất. Hệ thống này sẽ đưa Internet đến toàn cầu và tham vọng cạnh tranh với dịch vụ vệ tinh Starlink của Elon Musk.

Dự án này có tên mã là “GW” và được dẫn dắt bởi Phó giáo sư Xu Can thuộc Đại học Kỹ thuật Không gian ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Mạng lưới vệ tinh này bao gồm 12.992 vệ tinh và thuộc sở hữu của tập đoàn Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc mới được thành lập. Mặc dù vẫn chưa có ngày phóng vệ tinh cụ thể, các nhà nghiên cứu tự tin rằng mạng lưới này sẽ đủ sức cạnh tranh với hơn 12.000 vệ tinh của Starlink tính đến năm 2027.

Đội ngũ của Phó giáo sư Xu cho biết dự án GW sẽ được triển khai trong thời gian ngắn, bắt kịp với cả hệ thống của Starlink. Điều này giúp Trung Quốc “có vị thế trong cuộc đua vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, đồng thời ngăn chặn việc mạng lưới Starlink chiếm đóng toàn bộ nguồn lực ở không gian này”, nhóm nghiên cứu viết trong tài liệu.

Theo đội ngũ các nhà khoa học, vệ tinh Trung Quốc sẽ được phóng đến những nơi mà Starlink chưa đến, giúp quốc gia này có thêm cơ hội và lợi thế ở những độ cao khác hay thậm chí là vượt mặt Starlink. Các vệ tinh Trung Quốc còn được trang bị thiết bị chống tín hiệu truyền tin của Starlink để theo dõi chúng ở tầm thấp trong thời gian dài.

Tuy nhiên, Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc đang kêu gọi các tổ chức và cá nhân hợp tác lành mạnh, khẳng định rằng việc các mạng lưới truyền tin cạnh tranh với nhau sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

2 Trung Quoc Sap Phong 13000 Ve Tinh Nham Vuot Qua Starlink

Trung Quốc e ngại hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng. Ảnh: Reuters.

Hiện dịch vụ Internet của Starlink đã phóng hơn 3.000 tên lửa vào quỹ đạo Trái đất. Startup hàng không vũ trụ của Elon Musk còn tham vọng nâng con số này lên đến hơn 40.000 thiết bị. Phó Giáo sư Xu Can cho rằng năng lực quốc phòng và hệ thống theo dõi của Trung Quốc không đủ tiềm lực để đối phó với số thiết bị khổng lồ của Starlink.

Trong khi đó, các vệ tinh của hãng công nghệ Mỹ này lại đang nhận dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ để chọn vị trí phóng vệ tinh, đồng thời được trang bị những cảm biến theo dõi để quản lý khu vực trên không. “Hệ thống vệ tinh của Starlink đang tận dụng khả năng di chuyển linh hoạt trên quỹ đạo để tấn công và phá hủy các mục tiêu trên không”, các nhà khoa học khẳng định.

Do đó, Trung Quốc muốn phát triển hệ thống radar của riêng mình có khả năng nhận dạng và truy vết các tên lửa của Starlink. Theo nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Xu, bộ phận radar và các công cụ nhận dạng khác sẽ thường xuyên cập nhật “lịch trình của Starlink” chứa dữ liệu cụ thể của từng tên lửa mà hãng phóng vào quỹ đạo.

Không chỉ vậy, quốc gia tỷ dân cũng sẽ nghiên cứu các vũ khí hiện đại như tia laser, sóng vi ba năng lượng cao nhằm tiêu diệt các vệ tinh Starlink đi ngang qua lãnh thổ hay những khu vực nhạy cảm của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ hợp tác với chính phủ các nước khác để thành lập một liên minh chống Starlink và yêu cầu SpaceX công bố toàn bộ dữ liệu bay cụ thể của các tên lửa Starlink.

Trước đó, dịch vụ vệ tinh của Starlink cũng từng được sử dụng cho mục đích quân sự như trong xung đột Nga - Ukraine. Sau khi trận chiến nổ ra, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc đã kêu gọi chuẩn bị những công nghệ phá hủy thiết bị của Starlink phòng trường hợp cần thiết.

Hôm 13/2, nhà sáng lập hãng hàng không vũ trụ SpaceX Elon Musk đã tuyên bố sẽ cấm mọi hành vi sử dụng vệ tinh Starlink trong mâu thuẫn giữa Nga - Ukraine vì “không muốn tiếp tay làm căng thẳng thêm những mâu thuẫn có thể dẫn đến Thế chiến thứ 3”.

Thúy Liên

Nguồn: zingnews.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC