... Học đại học rồi mà con gái vẫn như con nít ấy, đi học xa nhà - gọi là xa cũng chỉ hơn hai chục cây số thôi, tuần về một lần (sướng hơn khối bạn ở xa hàng mấy trăm cây số, năm về hai lần ăn Tết và nghỉ hè, nhớ nhà cũng đành chịu), thế mà lúc nào con gái cũng nhớ nhà, nhất là nhớ bố.
Những năm đầu tiên của đại học có những lúc con gái thấy mình lạc lõng và cô đơn thế giữa những con người tưởng quen mà lạ nơi này, những lúc như thế con gái lại lóc cóc trèo lên xe bus, mặc kệ là giữa tuần, về nhà, chỉ để ngủ một giấc thật ngon - không có tiếng ồn ào của ký túc, ăn một bữa cơm có hơi lửa ấm áp trong bếp lẫn tiếng xì xèo xào nấu thức ăn của mẹ mà ăn những bữa cơm căng tin nguội lạnh không thấy.
Có hôm đang ôn thi, con gái thấy stress quá, về chỉ để nói dăm ba câu với mẹ về chuyện bạn bè ở tổ ở lớp, kể cho bố nghe mấy chuyện học hành ở viện, chỉ kịp cãi nhau chọc ghẹo em trai chuyện rửa bát tối hôm ấy, rồi sáng hôm sau con gái lại lúc cúc ra trường.
Con gái biết rồi, mỗi lúc mệt mỏi con gái lại hướng về gia đình nhỏ bé ấy, có bốn người thôi nhưng đầm ấm và tiếp thêm sức mạnh cho con gái nhiều lắm. Khi con gái thấy mình vô định trống rỗng, gọi điện cho mẹ, mẹ hỏi "có chuyện gì thế con?", tự dưng nước mắt trào ra, con gái quệt vội, may mà mẹ ở đầu dây bên kia không biết là con gái khóc, con gái cười hì hì lấp liếm "không mẹ ạ, con thấy nhớ mẹ quá, tự dưng muốn ôm mẹ một cái thật chặt, hi, cuối tuần thi xong con về", mẹ lại động viên an ủi.
Quay đi quay lại con gái đã học 5 năm đại học rùi, thầy cô cứ trêu "các em Y5 là bác sĩ tới cổ rồi, 5 phút nữa là bác sĩ thôi!", nghe câu này xong cả tổ con gái đứa nào cũng giật mình thon thót, ngoái lại thấy mình cũng siêu thật đã bước được sang nửa bên kia của quãng đường "lục niên" mà không "sứt mẻ" gì, nhưng nhìn lên phía trước thì lại lo ngay ngáy về chuyện ra trường, chuyện thi nội trú hay không, chuyện chọn chuyên ngành nào để "chiến đấu" sau này, chuyện xin việc ở đâu... ôi nhiều thứ lo lắm. Học lâu lâu ngoài này rùi con gái cũng biết nhiều điều hiểu nhiều thứ, mặc dù chưa thấm vào đâu những gì cần học cần biết...
Sáng nay bắt đầu đi học lâm sàng khoa mới, sắp đến giờ đi học, tự nhiên con gái nhớ bố muốn nghe giọng bố quá, biết là tối qua bố trực - dạo này công trường đang thi công cao độ mà (bố cũng như con gái thấy nhà mình là nhất, trực tới 2h sáng mà lúc nào bố cũng về nhà ăn bát mì nóng mẹ nấu - bố toàn nịnh mẹ hơn hẳn mấy cô nhà bếp ở công trường, hai chị em lại cười rầm rĩ trêu mẹ), bây giờ là hơn 7h sáng đoán chắc là bố còn đang ngủ bù, con gái lật đật bấm số điện thoại quen thuộc:
- Bố! bố đã dậy chưa ạ? Con làm đồng hồ báo thức gọi bố dậy đây, hì hì.
- Uh, có chuyện gì không Huệ còi? Bố giờ mới dậy!
- Hôm qua bố trực có mệt không, không có gì đâu ạ, tuần trước về không được gặp bố nên tự dưng con muốn nghe giọng bố thôi, con cũng sắp đến giờ đi học rồi.
- Cũng không mệt lắm, bố về nhà lúc 2h, tẹo nữa khoảng 9h bố mới đi làm, thế tuần này Còi có về ko?
- Con không về đâu, con đang ôn thi, đến Tết con mới về - con gái cười khúc khích.
- Được, thế thì ở đến Tết, để bố vận chuyển lương thực ra nhé!
- Vâng ạ! thôi con đi học đây, bố ngủ tiếp đi ạ!
Ngắt điện thoại con gái miệng cười ngoác, vui vui vì được nghe hai tiếng Huệ còi bố gọi dù bây giờ chẳng còi tí nào, bố gọi thế từ nhỏ nên quen, nói chuyện với bố xong con gái thấy hào hứng hẳn, đi bộ từ trường tới viện Bạch Mai chỉ là chuyện vặt. Con gái cười khoái chí, cả hai bố con toàn trêu nhau thế, bố biết tỏng con gái tuần nào chả về, không về qua nhà không chịu được, mà có tuần định ở lại kí túc ôn thi thì bố lại gọi điện liên tục kêu về, về nhà nghỉ ngơi, nạp năng lượng rồi lên học tiếp, hì hì tất nhiên con gái không chống nổi những "lời cám dỗ ngọt ngào", kệ sách vở, kệ bạn bè nô nức lên thư viện giảng đường ngày cuối tuần, con gái lại lúc cúc lên "xe của bộ" lúc nào cũng chờ đón ở cổng trường, hơn 1 tiếng sau đã có mặt hớn hở ở nhà rùi!
Con gái cũng đã lớn. Người ta thích con gái cũng có - nhưng không nhiều, con gái thích người ta là chủ yếu, con gái không biết mình thuộc type nào nữa, không xinh nhưng không quá xấu - đủ nhìn mà không gây đau mắt hột cấp hehe, dễ gần nhưng không dễ dãi, hài hước nhưng nóng tính, được cái hay nghĩ nhiều nhưng toàn nghĩ vớ vẩn linh tinh, hay viết lung tung nữa. Bố lúc nào cũng bảo "con phải sửa dần đi, nghĩ cái gì cũng thoáng lên một tí", con gái biết vậy nhưng vẫn bướng bỉnh "đấy thuộc về bản chất rồi, chẳng sửa được bố ạ".
Rồi con gái cũng nhận lời yêu một người (biết làm thế này là con gái đang bước sang một trang mới mà không biết con gái sẽ viết những dòng ngọt ngào hay đắng ngắt?!), con gái vẫn thường tâm sự với bố, lúc nào bố cũng ở cạnh, kể những chuyện ngày xưa cho con gái nghe, cả mối tình thời trẻ lúc bố còn đi công nhân trên Thái Nguyên trước khi lấy mẹ, bố khuyên răn con gái nhiều điều.
Con gái thực sự thấy cái cảm giác bố như một người bạn, con gái không ngại nói ra suy nghĩ và quan điểm của mình, cả bố nữa, bố cũng rất tâm lý, nói chuyện với con gái thoải mái như nói với bạn vậy (đây còn gọi là thoải mái trong khuôn khổ và có chứng mực nhỉ, tuyệt đối không phải là hỗn láo đâu nha!)
Vì lòng kiêu hãnh, vì tính tự ái, vì... một số lý do không đặt thành tên con gái chia tay mối tình đầu, buồn! Con gái không nghĩ có những chuyện thế này xảy ra với mình nhưng việc gì đến sẽ đến, việc này cũng thế! Con gái tâm sự với bố, kể cho bố nghe, bố không mắng, không trách về việc làm của con gái. Bố chỉ phân tích cho con gái nghe tâm lý của con trai nói chung và những tính cách của con trai, bố khuyên cả hai nên cho nhau thêm thời gian, con gái im lặng, biết rằng với tính cách của mình thì sẽ không có gì thay đổi được khi đã đưa ra quyết định.
Đang tìm tài liệu trên giá sách, con gái chợt nhìn thấy quyển Đồ Rê Mi tự học nhạc mà bố tặng con gái hồi cấp 3 - phần thưởng vì con gái đạt giải cấp tỉnh môn Toán. Lâu lắm rồi con gái không mở quyển sách này ra đọc, con gái lật trang bìa, ngay đầu tiên là nét bút của bố " tặng con gái của bố!" cùng với bài thơ chắc bố định tập phổ nhạc, mới kẻ hết khuông nhạc nhưng chưa có nốt nhạc nào, hì hay bố định chờ con làm nốt nhỉ, quên mất, lẽ ra con nên thi vào nhạc viện chứ đừng thi vào trường Y thì có lẽ sẽ có một tác phẩm " bất hủ" "đi vào lòng người" ra đời rùi (mặc dù con gái không có mấy năng khiếu, không muốn nói là năng khiếu = zero).
Bố chẳng bao giờ dùng tới máy tính, chẳng bao giờ online vì thế sẽ chẳng bao giừ biết con viết những dòng blog này, nhưng con vẫn muốn nói con yêu bố nhiều nhiều lắm, yêu gia đình mình nhiều nhiều lắm, con sẽ post bài thơ bố tặng con, con tin rằng bất cứ ai đọc bài thơ này đặc biệt là female cũng bị gây xúc động bởi nó (con lại quen văn phong tiếng Anh rồi, chẳng là con đang ôn lại cấu trúc chủ động bị động mà, hichic) và những đứa con sẽ thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ nhiều hơn.
Viết cho con gái
Bố biết con đã bắt đầu yêu,
Bố biết con đã bắt đầu tuổi nhớ
Mối tình đầu bao giờ chẳng thiêng liêng đẹp đẽ
Các chàng trai săn đón quanh con
Tấm lưới thần đã được chăng lên
Chú nhện nhỏ thể nào không mắc lưới?
Tấm lưới của tình yêu nhẹ nhàng gió thổi
Con mắt thường chẳng nhìn thấy được đâu!
Những bó hoa sự chăm sóc ban đầu
Giờ tan học...chàng trai nào đón đợi?!
Đường thì xa mà con thì nhỏ dại
Dõi theo con, lòng không khỏi lo thầm
Giá như là con ở chiến trường
Bố còn có thể là lá chắn
Nhưng tình yêu giữa cuộc đời trắc ẩn
Sẽ làm con điêu đứng say mê
Con sẽ quên lời bố mẹ dặn dò
Kinh nghiệm sống của người này không dạy được kẻ khác
Chỉ có điều: con gái của bố ơi
Nếu con gặp người yêu con nhất
Đừng bao giờ để mất nghe con!
(* Chú thích: Đây là bài thơ viết dựa theo bài Dặn con, của nhà thơ Phan Thị Hồng Ngát)
Huệ còi, ĐH Y Hà Nội