Chuyện từ cái bồn hoa

Chuyện từ cái bồn hoaVậy là lão Nguyệt Quế có thêm hàng xóm mới, lần này không phải một mà là hai bụi Hồng Nhung.

Cái bồn hoa được xây chênh chếch về mé trái phía trước phòng ngủ ông bà chủ, đã chật giờ lại thêm chật hơn.

Bản chất của một loài cây chuyên về hương như lão chỉ thích làm bạn với hai gã Xương Rồng gai góc lởm chởm, họa hoằn cả tháng mới được một nhúm hoa màu lợt lạt nơi ngọn mà ông bà chủ chỉ nhìn ngang không khen một tiếng lấy lệ chứ nói chi hít hà như hít hà mùi hương từ những nụ hoa trắng li ti của lão. Lão tự hào vì mình dù sao cũng là lão làng ở cái bồn hoa này.

Lão nhớ rõ như in cái ngày ngôi nhà mới của ông bà chủ ăn tân gia, lão được chiết ra từ gốc mẹ miệt vườn Cần Thơ do vợ chồng ông nhà báo nọ mang lên tặng. Ông chủ cứ lúi húi sáng chiều vừa đổ đất vừa mua phân bón thêm vào khu nhà cũa lão. Ngày đó bồn hoa đông vui hơn bây giờ, hết anh Dừa Cạn đến chị Mười Giờ rồi nhóc Păng-xê thi nhau khoe sắc. Ông bà chủ mỗi sáng vén tấm màn lên lại tấm tắc khen bọn chúng đẹp, khen bọn chúng có thêm những búp, những nụ mới rồi quay qua lão chậc lưỡi sao ông này cao lên hoài mà chưa thấy hương hoa gì hết. Thôi kệ ngựa chạy đường dài mà, lão cứ âm thầm chịu đựng, dù gì mình cũng lạ nước, lạ cái đâu có quen với mùi đất mùi phân ở xứ Sài Gòn này. Thêm nữa, mùi nước ở đây cứ nồng nặc mùi clo chẳng bù với nước sông Cái Côn ở Cần Thơ nơi lão một thời tỏa hương ngào ngạt.

Đến ngày lão cho ra những cánh hoa đầu tiên tỏa mùi hương tận phòng ngủ của ông bà chủ là lúc chị Mười Giờ chỉ còn thoi thóp đến mười một giờ, anh Dừa Cạn gắng gượng vươn vài cành khẳng khiu còn lại ra phía ngoài đón ánh nắng từ phía đông, còn nhóc Păng-xê đã ngủm củ tỏi từ lâu. Loại mau nở chóng tàn chắc cũng đến thế nhưng một phần có lẽ ông bà chủ đi sớm về muộn. Ngày trước sáng bà, chiều ông đều đặn hai lần mỗi ngày, nay may mắn lắm mới tưới nước được hai ngày một lần - chả trách sao láng giềng của lão lần lượt ra đi.

Thế là lão có láng giềng mới, hai gã xương rồng từ bà bán cây cảnh dạo ngang mỗi ngày lên định cư hai phía trái phải của lão. Cái loài cây gì kỳ cục, nhà ông bà chủ về quê ăn tết cả tuần lễ không có một giọt nước cho bồn hoa và trong khi lão gắng gượng chút nhựa tàn mà sống sót thì hai gã vẫn phây phây, những chiếc gai tua tủa chĩa ra cả bốn phía thay thế liền cho những chiếc lá vừa rơi rụng. Lần này lão gặp đối thủ quá mạnh, chắc ông bà chủ đã dự định được việc dành ít thời gian cho khu nhà của lão nên mới điệu hai gã này về đây. Thôi kệ, bản năng sinh tồn trỗi dậy phần nhờ ý nghĩ dẫu sao mình cũng là khai quốc công thần của khu nhà này.

Nước, nước... sao lão cần nước đến như vậy, và cho đến giờ chút ấy lão mới thấm thía cái đau đớn rã rời của những láng giềng trước đây. Ngày thứ tám sắp trôi qua, khi những chiếc lá héo rũ đang tìm cách rời khỏi thân thể còm cõi của lão thì rẹt... rẹt... hai phát, màn cửa sổ được mở ra rộng ra hai phía, lão thấy ánh mắt sáng lên của ông chủ, vừa nhìn lão vừa mừng rỡ vừa thán phục. Hà... thế là lão được hồi sinh, vươn mình mạnh mẽ đứng dậy làm bạn cùng hai gã Xương Rồng xù xì khó ưa nhưng rất fair khi mỗi ngày hai gã chỉ cần lượng nước bằng 1/3 lão. Lão thấm thía với câu: "Rồng ơi thương lấy Quế cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một bồn", chỉ qua một lần có thêm láng giềng mới những lão lại chiêm nghiệm ra nhiều điều.

Một bữa nọ, trời thanh gió mát, khi hai gã láng giềng đang thiu thiu ngủ thì bất chợt một cơn gió mạnh thổi qua, đung đưa thân thể khẳng khiu của lão hướng về phía ánh trăng đang vằng vặc chiếu sáng cho khu nhà. Vội liếc mắt nhanh qua kẽ hỡ của cái màn khép hờ hững về phía phòng ngủ, lão giật phắt người, đỏ mặt nghiêng người về phía hai gã Xương Rồng và chịu những cái đâm đau điếng từ những cái gai nhọn hoắt. Không biết ông bà chủ do tức cảnh sinh tình hay vội vàng làm "chuyện ấy" mà kéo màn không sát lại làm cho gã một phen hết hồn. Chả trách hai gã xương rồng mỗi tối cứ gà gật ngủ nghiêng người ra ngoài không dám quan sát láo liên như lão. Nhưng lão cũng thầm ghen tức với hai gã này có vị trí quá đắc địa...

Sau vài lần bị hai gã Xương Rồng đâm đau điếng, lão thấy bụng bà chủ bắt đầu lùm lùm lên. Ông chủ siêng năng ở nhà hẳn, lâu lâu lại áp tai vào bụng bà chủ cười cười nói nói ra điều thích chí lắm. Bà chủ cũng chịu khó tưới nước cho lão nhiều hơn, chắc bà muốn hương thơm đằm thắm dịu dàng của lão lan tỏa cho cậu nhóc đang trong bụng hít hà để thông minh hơn như tivi thường nói. Rõ khổ, không biết tác dụng thế nào chứ mỗi buổi sáng khi các bà nội trợ gọi nhau í ới đi chợ sáng và các cụ tập dưỡng sinh đếm một hai là ông chủ lẳng lặng ngắt một nắm hoa trắng li ti của lão để cạnh đầu giường. Mỗi lần đau điếng và mất đi một phần thân thể nhưng thẳm sâu trong tâm hồn già nua lão lại thấy vui vui... lão đã góp một phần nho nhỏ vào niềm vui cho ngôi nhà này và càng vui hơn vì ông bà chủ đã dành cho lão nhưng ưu tiên chăm sóc đặc biệt.

Thấm thoát cũng tới ngày bà chủ khai hoa nở nhuỵ, cả gia đình nội ngoại xôn xao kéo từ Cà Mau lên mừng thành viên mới, họ nói cười, nấu nướng rộn ràng. Lão cũng vui lây với đại gia đình và chờ đợi cậu chủ ra đời. Cả tuần dài đăng đẵng trôi qua, ông chủ chạy tới chạy lui như con thoi giữa bệnh viện - nhà - công ty mà quên mất lão đang héo úa lá vàng. Ngày đón cậu chủ về xôn xao cả xóm, nhưng mừng nhất có lẽ là lão và hai gã Xương Rồng cũng đang ốm o kia. Cả ba đón những gáo nước nước mát từ tay ông chủ, ôi những giọt nước có hòa vào niềm vui hớn hở của người cha có con đầu lòng. Rồi lão cũng quen dần với tiếng khóc của cu Bách, tên của cậu chủ, quen dần với cảnh ông bà chủ thay phiên nhau thay tã cho nhóc tì, quen với giọng hát ru con ầu ơ mỗi ngày, quen với hình ảnh đêm đêm người mẹ nằm cho con bú và người cha phe phẩy chiếc quạt nan bên cạnh. Ôi thiêng liêng và đẹp thay tình cảm con người, nó thuần khuyết như ánh trăng kia đang soi cái bóng lêu khêu của lão lên vách tường. Trong lòng lão một ý nghĩ chợt sáng lên: tại sao không có nàng Nguyệt Quế nào cùng in bóng với lão trên vách tường kia?

Không biết tự bao giờ lão như một thành viên của nhà này, hôm thì cuống quýt vì cậu chủ sổ mũi, ho, lúc bồn chồn lo lắng thấy ông bà chủ gọi taxi đưa cậu đi bệnh viện Nhi vì tiêu chảy. Có đêm ông bà chủ mê ngủ, cậu nhóc nhổm dậy lăn ra mép giường, dù cố gào thét đong đưa cành lá để đánh thức hai người nhưng cu nhóc vẫn rớt xuống đất cái bạch. Rồi những đêm trời nóng, cậu nhóc sốt, lão lại huýt sáo liên hồi tìm những cơn gió, đưa nhẹ vào căn phòng hạnh phúc và từ lâu rất đỗi quen thuộc với lão. Cũng có khi do gấp quá, ông chủ bồng cậu nhóc trên giường chĩa thẳng vòi nước vào lão và xả... vậy là hôm đó bên cạnh gàu nước mát quen thuộc lão và hai gã Xương Rồng được khuyến mãi thêm mùi NH3 đặc trưng không lẫn vào đâu được. Có hôm cả nhà đi công viên chơi, khi nghe tiếng nhóc bi bô từ xa vọng về, lão nhô người ra khỏi lan can để nhìn cu cậu diện đồ ngồi lúc lắc trên xe nôi ra chiều thích thú lắm. Từng ngày, từng ngày cậu chủ lớn lên, biết lật, biết trườn, biết ngồi, biết bò, biết đứng, biết đi... cả năm trời lão nhận thấy bà chủ không khi nào ngủ trọn giấc một đêm, lúc cho bú, lúc nhóc tè, lúc khóc, lúc lồm cồm ngồi dậy rồi ụp xuống ngay... à nuôi con mới biết đêm trường là đây!

Ào... một gáo nước lạnh buổi sáng dội thật mạnh từ tay ông chủ. Quái lạ, sao hôm nay cách tưới cây của ông chủ khác với mỗi ngày. Lão hé cặp mắt lim dim còn mê ngủ nhìn xem có nét ưu tư nào phía ông chủ không. Cách người ta tưới cây sẽ nói lên tâm trạng họ, điều mà lão nghiệm ra hơn 3 năm ở nhà này. Từng dòng nước mang theo tâm sự của ông bà chủ chảy vào tấm thân mảnh khảnh đến gầy gò của lão mỗi ngày. Lão đã nuốt hết từng ấy tâm sự qua bao năm nên mọi nét suy tư lão biết liền trong tích tắc.

À, thì ra là công việc, lão đã quá quen với công việc của ông chủ... Ai đời nửa đêm gà gáy, khi ông đang hò hét vào điện thoại với ai đó ở cảng về số container APRU đầu 5 ở tầng 3 thì bà chủ giọng ngái ngủ nói vọng ra: "Giờ này mà anh còn hẹn với cô nào ở lầu 5 phòng số 3 nữa hả anh"... haha... đúng là "bó tay". Thời gian gần đây công ty thiếu người, ông chủ cứ đi sớm về muộn, thậm chí gọi về thăm cu Bách cũng ít hơn lúc trước. Về đến nhà ào vào ôm cậu nhóc chút xíu lại phải vù đi học AV. Thật ra ngoài vấn đề công việc, "bán mặt cho máy tính, bán lưng cho ghế bành", chắc phải còn lý do gì khác nên hôm nay gầu nước thấy nhiều âu lo. Nuốt vội dòng nước, lão khéo léo tách được dòng suy nghĩ của ông chủ, đang len lỏi vào từng cái rễ con con của hai gã Xương Rồng bên cạnh. Thì ra tối qua ông chủ đọc đâu đó trên báo chí có 4 chữ "hôn nhân lập trình" nên đã suy nghĩ về điều đó tận khuya.

Nào là công danh sự nghiệp, trách nhiệm với hai bên gia đình, câu chuyện của họ giờ chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền, giáo dục con cái, cấp dưỡng cha mẹ... thật sự để lại nhiều âu lo trong lòng ông chủ. Ông cũng muốn bứt phá, muốn thoát ra khỏi sự lập trình ấy, muốn hâm nóng lại tình cảm dù không nguội lạnh nhưng đã khác với thời hai người yêu nhau, khi ông bà thường vi vu trên chiếc xe đạp rồi hít hà dưới những tán me non hình chiếc lược trên đường Phùng Khắc Khoan, hay lần ông đạp xe hơn 30 cây số từ khu học quân sự ở Hóc Môn mang về cái bánh trung thu nhỏ xíu làm quà sinh nhật, hoặc lần bật khóc vì thấy bà trùm thêm cái áo mưa phong phanh trong cái lạnh Sài Gòn đêm Noel cặm cụi đạp xe học AV. Thoáng chút ngập ngừng, chút lưỡng lự vài giây trên gương mặt ông chủ, một tia sáng lóe lên ngay buổi sáng hôm ấy. Tình yêu, hạnh phúc mong manh kia đang hiện lên thật đơn sơ nuôi sống phận người...

Cuối tuần đó ông bà chủ khăn gói dắt cậu chủ lên Đà Lạt, nơi 4 năm trước hai người đã từng đi chụp hình cưới. Cũng chẳng phải ở một nơi thật sang, thăm thú nơi nào thật đẹp, cái họ cần là không gian để sống lại với những kỉ niệm tình yêu thuở nào. Giao cậu nhóc cho dì giúp việc, họ vi vu chiếc xe đạp quanh bờ hồ, thả dốc xuống những con đường ngoằn ngoèo hoặc tay trong tay nhâm nhi ly café sánh đặc của phố núi. Hai ngày là quá đủ để họ quẳng gánh lo đi và vui sống, những nụ hôn trao nhau vội vàng bẽn lẽn bên gốc thông già như lời nhắc nhở về một thời oanh liệt. Và hành trang mang về Sài Gòn lần này ngoài loạt hình cậu nhóc dễ thương, ngoài tâm hồn hai người đầy ắp tình cảm nồng nàn còn có hai bụi Hồng Nhung đỏ rực mà bà chủ nằng nặc một hai mang về. Vậy là hai bụi Hồng Nhung chính thức làm láng giềng với lão từ chuyến đi đấy.

Nhưng đời không hoàn toàn đơn giản, mặc dù bà chủ vẫn đều đặn tưới nước ngày hai lần nhưng hai bụi Hồng Nhung vẫn đều đặn mỗi ngày rớt một chiếc lá. Do quen sống ở vùng ôn đới Đà Lạt nên cả hai không trụ nổi cái nóng Sài Gòn quá nửa tháng. Khi những chiếc lá cuối cùng rơi rụng, chỉ trơ lại những chiếc gai đã dần chuyển sang màu nâu đen, lão thấy trong mắt bà chủ ánh lên một nỗi buồn vô hạn. Bà đã kỳ vọng vào món quà sẽ tặng cho ông chủ này quá nhiều, nó sẽ là nguồn lửa để duy trì độ nóng của hai người. Bà muốn nhìn thấy mỗi chiều ông chủ sẽ hớn hở chạy về sớm cùng bà chăm sóc cho 2 bụi Hồng Nhung um tùm hoa lá. Để ông không phải ngồi lại công ty đến tận 19h làm việc hay chat chit với cô chân dài Y, Z nào đó mà bà khó lòng kiểm soát được. Để mỗi buổi tối, hai người ngồi vào bàn ăn dưới ánh nến lập lòe một chậu hồng nhung vừa khoe hương vừa khoe sắc. Ám ảnh với nỗi buồn đó, suốt đêm lão không ngủ được. Mình đã ở đây 3 năm rồi, gắn bó với từng niềm vui nỗi buồn của nhà này, sao giờ dửng dưng trước cảnh này được. Cơ thể gầy còm của lão chắc không bước qua tuổi thứ 4, cái bồn hoa này giờ đã quá chật chội, lão liếc nhìn qua hai bụi Hồng Nhung giờ trơ trọi lá và đi đến quyết định.

"Ồ... anh ơi! Hai cây hồng sống lại rồi". Tiếng la thất thanh của bà chủ đã đánh thức lão Nguyệt Quế lần cuối. "Ừ, sống rồi em ơi, có cả nụ nữa", tiếng ông chủ rõ to sau khi kéo rộng rèm cửa. "Nụ hoa này em dành tặng anh đó, công sức em hơn tháng nay bây giờ có kết quả rồi". Ánh mắt bà chủ long lanh xao xuyến trong vòng tay ôm chặt của chồng, ánh mắt đó và tiếng vọng xa xa: "Cảm ơn em, anh yêu em nhiều lắm" là những lời cuối cùng lão nghe và thấy được trước khi nhắm mắt vĩnh viễn ra đi.

Có thể một vài ngày sau ông bà chủ mới nhận ra lão đã chết nhưng hai gã Xương Rồng thì biết hết, biết rõ từ ngày lão Nguyệt Quế dùng bộ rễ già nua của mình quấn chặt lấy bộ rễ đã rã rời của hai cây Hồng Nhung và truyền qua đó hết nhựa sống của lão, truyền hết cả niềm tin vào gia đình cậu chủ sẽ ngập tràn niềm vui hạnh phúc với hai bụi Hồng Nhung rực rỡ sau này.

Chắc chắn thoang thoảng đâu đây mùi Nguyệt Quế dịu dàng tỏa ra từ những cánh hồng lung linh trong gió. Chắc chắn. Vì đó là một phần xương thịt của lão...

Bài viết liên quan